24/01/2025

Indonesia tung chiêu cầu ảo về cà phê?

Việc các nhà sản xuất cà phê ở Indonesia tuyên bố nước này cần phải nhập khẩu 100.000 tấn cà phê trong năm nay là một động thái khó hiểu.

 

Indonesia tung chiêu cầu ảo về cà phê?

Việc các nhà sản xuất cà phê ở Indonesia tuyên bố nước này cần phải nhập khẩu 100.000 tấn cà phê trong năm nay là một động thái khó hiểu.




Giá cà phê nội địa đang tăng nhưng vẫn tiềm ẩn rủi roẢNH: LÂM VIÊN

Hãng Reuters mới đây dẫn lời các nhà sản xuất cà phê ở Indonesia cho biết nước này sẽ tăng cường nhập khẩu cà phê trong năm nay do sản lượng tụt giảm vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong khi nhu cầu nội địa lại tăng đều. Ông Irfan Anwar, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp và các nhà xuất khẩu cà phê Indonesia (AEKI), cho biết nhập khẩu cà phê của quốc gia đông dân nhất ASEAN có thể tăng 43% lên đến 100.000 tấn trong năm nay, chủ yếu từ Brazil và VN. “Không có dấu hiệu cho thấy nhu cầu cà phê (ở Indonesia) sẽ giảm”, ông Anwar nói với Reuters.
AEKI cho biết sản lượng cà phê dự kiến sẽ giảm 1/3, xuống còn 400.000 tấn trong năm nay do thời tiết khắc nghiệt. Theo dự đoán của ông Anwar, có thể phải mất hơn 1 năm Indonesia mới có thể khôi phục sản lượng đạt được vào năm 2015. “Những rào cản chủ yếu là thời tiết và nguồn nhân lực”, ông nói.
Sản lượng Robusta tiếp tục giảm
Trong tháng 9, giá cà phê tại thị trường nội địa ở VN đã tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với tháng 8, đạt mức 41.000 – 42.000 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay giá cà phê đã tăng tổng cộng khoảng 8.000 – 8.500 đồng/kg. Giá cà phê tăng do tình hình khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng ở các nước có nguồn cung lớn như Brazil, VN và Indonesia. Dù giá tăng nhưng thị trường cà phê nội địa của VN cũng không mấy sôi động do nhiều nông dân, đại lý đang giữ hàng chờ giá tiếp tục tăng thêm. Dự báo giao dịch cà phê ở thị trường VN sẽ sôi động hơn khi mùa vụ mới chính thức bắt đầu vào tháng 11.
Trong khi đó, Bộ Công thương VN dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết: Ba nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới gồm: Brazil, VN và Indonesia sẽ giảm sản lượng cà phê Robusta mùa vụ 2016 – 2017. Riêng VN có thể giảm 3 triệu bao (60 kg/bao) xuống còn 27,3 triệu bao. Sản lượng thu hoạch giảm nên dự báo xuất khẩu cà phê của VN giảm 850.000 bao, xuống còn 25,2 triệu bao và lượng tồn kho giảm 2,2 triệu bao xuống còn 3,5 triệu bao. Sản lượng cà phê Robusta của Brazil giảm 1,2 triệu bao, xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 7 năm trở lại đây. Nguyên nhân là do nhiệt độ cao hơn nhiệt độ trung bình hằng năm, cộng với hạn hán kéo dài ở bang trồng cà phê Robusta chủ yếu của Brazil (Espirito Santo), đã gây ra thiếu nguồn nước tưới. Ngược lại, Brazil cũng là nước sản xuất cà phê Arabica lớn nhất thế giới, sẽ đạt mức kỷ lục 43,9 triệu bao, tăng 7,8 triệu bao.
Về phía các nhà nhập khẩu chính, châu Âu (chiếm 40% lượng tiêu thụ của thế giới) dự báo giảm 500.000 bao mùa vụ 2016 – 2017 xuống còn mức 44,5 triệu bao, trong khi tiêu dùng sẽ giảm 800.000 bao, xuống còn 43 triệu bao; lượng tồn kho cuối mùa vụ giảm nhẹ xuống 11,8 triệu bao. Mỹ nhập khẩu ổn định ở mức 24,6 triệu bao nhưng tiêu dùng thì lại tăng khoảng 400.000 bao, đạt 25,2 triệu bao.
Những phân tích trên của USDA cho thấy xu hướng thị trường cà phê đang khởi sắc theo hướng có lợi cho những nước sản xuất cà phê vì nguồn cung khan hiếm do hạn hán. Tuy nhiên, sẽ khó có những đột biến về thị trường và giá cả, chính vì vậy các nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê ở các nước cung cấp cà phê cần tính toán thận trọng, tránh để vuột mất cơ hội bán hàng ra khi giá tốt, hoặc mở rộng diện tích canh tác.
Thận trọng trước tuyên bố của Indonesia
Về cơ bản, Indonesia là một nước xuất khẩu cà phê Robusta đứng hàng thứ 3 thế giới sau VN và Brazil. Việc nước này tuyên bố phải nhập đến 100.000 tấn cà phê trong năm nay cho thấy nguồn cung trên thế giới đang thiếu hụt.
Tuy nhiên ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa) nói: “Tôi nghĩ đây là thông tin kiểu “ngày Cá tháng 4” nên không muốn bình luận. Chúng ta cần biết sản lượng cà phê Robusta của họ mỗi năm 600.000 tấn. Trong đó một nửa tiêu dùng trong nước còn lại một nửa xuất khẩu. Cách mà họ tuyên bố có thể để tạo ra sự biến động thị trường nào đó chứ thực sự tôi nghĩ là không chính xác vì thời điểm trước đây cao nhất họ cũng chỉ nhập tới 50.000 tấn. Ngay cả nếu có mất mùa thì họ vẫn đạt sản lượng ít nhất 500.000 tấn. Họ là một nước xuất khẩu nên chuyện xuất – nhập cũng bình thường nhưng không có con số lớn như vậy, có thể họ xuất hàng R2 (chấp lượng thấp) nhập vào R1 (chất lượng cao) để rang xay chế biến”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Vicofa nói: “Khác với VN, Brazil và Indonesia tiêu dùng trong nước rất cao, đến 30 – 40% sản lượng, VN chỉ hơn 10%. Vừa qua do hiện tượng El Nino làm sản lượng cà phê Robusta toàn cầu giảm nhưng tuyên bố nhập 100.000 tấn thực hư vẫn chưa biết chắc. Tuy nhiên có một thực tế là các nhà dự báo trên thế giới cho rằng vụ cà phê 2016 – 2017 sẽ tiếp tục khó khăn hơn do sản lượng giảm. Đó là một trong những lý do làm giá cà phê thời gian gần đây tăng, điều này là thuận lợi cho người dân VN. Doanh nghiệp kinh doanh cà phê cần thận trọng trong việc tích trữ hàng chờ giá vì giá cả cà phê trên thị trường thế giới phụ thuộc nhiều yếu tố như tỷ giá, sự tác động của các quỹ đầu tư…”.

 

Chí Nhân – Trùng Quang