25/12/2024

Tự tạo cơ hội: Khai hoang mở trang trại

Ông Nguyễn Văn Thành (55 tuổi) đã khai thác vùng đất hoang hóa ở tỉnh Kon Tum, lập trang trại trồng cây, nuôi heo thịt, cá và ba ba, nâng cao thu nhập gia đình.

 

Tự tạo cơ hội: Khai hoang mở trang trại

Ông Nguyễn Văn Thành (55 tuổi) đã khai thác vùng đất hoang hóa ở tỉnh Kon Tum, lập trang trại trồng cây, nuôi heo thịt, cá và ba ba, nâng cao thu nhập gia đình.



 

Hồ nuôi cá, ba ba từ chất thải nuôi heo trong trang trạiẢNH: PHẠM ANH

Cách đây 15 năm, được địa phương giao đất khai hoang ở thôn Ngọc Thư, xã Đăk Xú, H.Ngọc Hồi (Kon Tum), ông Thành hì hục đào 0,5 ha hồ nuôi cá và trồng 1 ha cà phê để phát triển kinh tế gia đình. Đất không phụ lòng người chịu thương chịu khó, đến năm 2008, khi phát triển được 10 ha trồng cà phê, nuôi cá, ba ba và 150 con bò, ông Thành tập trung tâm huyết để phát triển trang trại của mình. Thời gian này, các đồng cỏ vùng biên giới ngày càng thu hẹp, ông Thành lại chuyển dần từ nuôi bò sang nuôi heo thịt và đó là lựa chọn đúng đắn mang lại thành công lớn trong phát triển kinh tế gia đình.
Ông Thành cho hay từ khi đầu tư vào nuôi heo thịt, ông xác định phải nuôi heo chất lượng cao, không dùng hóa chất để tạo nạc và khi sản phẩm xuất ra thị trường phải đảm bảo an toàn thực phẩm. “Tôi còn đầu tư công nghệ tiên tiến nhất từ cách cho heo ăn đến vệ sinh chuồng trại”, ông Thành nói. Ông lấy con giống tại công ty chuyên sản xuất heo giống về nuôi; thức ăn và thuốc thú y thì mua trực tiếp tại nhà máy sản xuất. Trại nuôi của ông có 3 kỹ thuật viên trực tiếp theo dõi, chăm sóc heo 24/24 giờ. Trong 3 năm gần đây, ông Thành đầu tư nuôi 1.000 con/năm. Cứ nuôi khoảng 3 – 4 tháng xuất chuồng một lần đạt trên 30 tấn heo thịt, thu lãi trên 150 triệu đồng; mỗi năm xuất bán 3 lần như thế, đạt gần 100 tấn, thu lãi khoảng 450 triệu đồng.
Tự tạo cơ hội: Khai hoang mở trang trại - ảnh 1

Trại nuôi heo thịt của ông Thành

 
 
Người dân muốn tư vấn hoặc trao đổi kinh nghiệm, có thể liên hệ ông Thành theo địa chỉ trên, hoặc qua điện thoại 0972670629.
 

Trong năm 2015, ông Thành nhận thấy thị trường thiếu giống heo nuôi thịt chất lượng, thế là ông đầu tư nuôi 125 con heo nái giống sinh sản và đến giữa tháng 10 này số heo giống đã đẻ, từ 12 – 15 heo con/nái. Số heo con này không những sẽ sinh lời lớn cho gia đình ông Thành mà còn góp phần cải tạo đàn heo địa phương. Ông đang chuẩn bị chuồng trại để sang năm 2017 sẽ đầu tư nuôi 500 con nái giống sinh sản. Hiện tại ông Thành còn sở hữu 4 ha cà phê, 5.000 m2 cây tiêu và 28 ha cây cao su. Nhờ nguồn phân heo, ông nói mình đỡ tốn 70% chi phí mua phân đạm các loại để bón diện tích cây công nghiệp nói trên.

Ngoài lấy chăn nuôi heo làm kinh tế mũi nhọn, giai đoạn này, ông Thành còn nuôi cá và ba ba trên 4 ha mặt hồ. Mỗi năm ông thả nuôi trên 20 triệu đồng tiền cá giống rô phi, chép, trắm. Thức ăn cho cá không phải mua mà tất cả là cỏ và thức ăn thải ra từ chăn nuôi heo. Còn ba ba, ông Thành cho ăn cá và chất thải từ heo. Ông Thành cho rằng nuôi heo rất có lợi. Những năm nuôi heo, trang trại ông hầu như không bỏ bất cứ cái gì từ chất thải của heo, kể cả những con heo chết hay bệnh tật, ông luộc chín lên cho ba ba ăn. Dù không thâm canh, nhưng cá bán ra thị trường đạt 3 tấn/năm (giá trung bình 35.000 đồng/kg), còn ba ba bán hằng ngày giá 450.000 đồng/con 1,5 kg. Nhờ vậy, mỗi năm ông thu lợi từ cá và ba ba 150 triệu đồng. Ngoài ra, ông Thành còn thu từ cà phê hằng năm trên 300 triệu đồng.
Ông Đào Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Xú, cho hay ông Nguyễn Văn Thành là một trong những người thành công nhất trong đầu tư phát triển kinh tế trang trại ở xã Đăk Xú nói riêng, H.Ngọc Hồi nói chung. Ông cũng hỗ trợ địa phương cho người dân mượn cây, con giống để sản xuất; đóng góp làm các công trình phúc lợi, hạ tầng cơ sở.

 

Phạm Anh