25/12/2024

Nông dân Đà Nẵng ‘chê’ rau sạch

Diện tích đất trồng rau sạch dư thừa, cơ sở hạ tầng bài bản, thế nhưng người nông dân không mấy mặn mà nên nhiều năm liền Đà Nẵng phải đối mặt với nỗi lo thiếu rau sạch, phải nhập rau từ các địa phương khác.

 

Nông dân Đà Nẵng ‘chê’ rau sạch

Diện tích đất trồng rau sạch dư thừa, cơ sở hạ tầng bài bản, thế nhưng người nông dân không mấy mặn mà nên nhiều năm liền Đà Nẵng phải đối mặt với nỗi lo thiếu rau sạch, phải nhập rau từ các địa phương khác.




 

Theo phản ánh của nhiều nông dân, nhà sơ chế rau tại vùng rau Cẩm Nê (xã Hòa Tiến) chưa một lần sử dụng từ khi hoàn thànhẢNH: HOÀNG SƠN

Diện tích đất trồng rau sạch dư thừa, cơ sở hạ tầng bài bản, thế nhưng người nông dân không mấy mặn mà nên nhiều năm liền Đà Nẵng phải đối mặt với nỗi lo thiếu rau sạch, phải nhập rau từ các địa phương khác phục vụ nhu cầu người dân trên địa bàn.
Dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (QSEAP) tại TP.Đà Nẵng được triển khai từ tháng 6.2009 đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho 8 mô hình nông nghiệp an toàn (SAZ) thuộc 5 vùng thực hiện dự án, tổng kinh phí hơn 67 tỉ đồng. Năm 2014, hầu hết các hạng mục phục vụ cho việc trồng rau sạch tại các vùng quy hoạch ở Q.Cẩm Lệ và H.H Vang đã được bàn giao để phục vụ sản xuất. Thế nhưng, đến nay nhiều công trình không phát huy tác dụng, thậm chí có công trình chưa một ngày đưa vào sử dụng và đang xuống cấp.
Lãng phí
Đơn cử, vùng rau Cẩm Nê (xã Hoà Tiến, H.Hoà Vang) được quy hoạch gần 14 ha nhưng hiện chỉ khai thác được khoảng 40%. Làng rau này được QSEAP đầu tư khoảng 10 tỉ đồng cho 3 nhà sơ chế, 9 hố thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật, 5 tuyến đường giao thông dài hơn 4 km, 1 trạm biến áp… Nhiều người dân cho biết, sau 2 năm tham gia dự án, nhà sơ chế rau chưa một lần mở cửa.
 
 
Nông dân Đà Nẵng 'chê' rau sạch - ảnh 1
Những người lớn tuổi không đi làm xa được mới ở nhà trồng rau, chứ những người trẻ họ về phố làm ăn cả. Mặc dù cơ sở hạ tầng tốt nhưng rau sạch thiếu là do người nông dân không tâm huyết
Nông dân Đà Nẵng 'chê' rau sạch - ảnh 2
 
Ông Nguyễn Văn Lý
Trưởng phòng NN-PTNT 
H.Hoà Vang
 
Bà Nguyễn Thị Xuyến (53 tuổi, tổ 2, thôn Cẩm Nê) xót xa: “Kinh phí bỏ ra biết bao nhiêu rồi mà nhà sơ chế rau bỏ không. Nông dân chúng tôi làm trên đồng, nắng hoặc mưa quá thì vào trú tránh chứ có làm gì đâu, lãng phí quá”. Bà Xuyến cho biết, theo kế hoạch của dự án, tại làng rau còn được đầu tư đường sá để xe lớn có thể vào thu mua sản phẩm giúp bà con. “Nhưng rốt cuộc không sử dụng được gì cả, con đường ra đồng không có xe ra vào nên chúng tôi phải tự bán rau của mình thông qua những người mua dạo”, bà Xuyến nói.
Cùng tình cảnh, nhiều hạng mục đầu tư tại thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn) với kinh phí 7 tỉ đồng cũng không phát huy hiệu quả, vì hàng loạt công trình đường, mương tiêu, nhà sơ chế… được thiết kế để đáp ứng 9 ha sản xuất thì nay chỉ có 16 hộ trồng trên 2 ha rau. 7 ha còn lại người dân chủ yếu trồng đậu, mè một vụ rồi bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Hạng mục nhà sơ chế cửa chốt then cài, nhà lưới cỏ mọc…
Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng NN-PTNT H.Hòa Vang, nhìn nhận Cẩm Nê và Thạch Nham Tây là hai vùng rau kém hiệu quả của dự án. “Diện tích quy hoạch của các vùng rau không đúng như ý muốn ban đầu, nên cơ sở hạ tầng được đầu tư vẫn chưa khai thác hiệu quả. Hiện hai vùng rau này vẫn đang sản xuất cầm chừng, sản lượng rất hạn chế”, ông Lý nói. Còn theo báo cáo của Phòng NN-PTNT huyện này, vùng rau Thạch Nham Tây không có khả năng mở rộng sản xuất theo quy hoạch do hầu hết các hộ dân không có lao động.
Dồn điền để làm ăn lớn
Với quỹ đất nông nghiệp còn rộng, H.Hòa Vang chiếm đến 90% (77/87 ha) diện tích các vùng rau được quy hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích được đưa vào sản xuất rất ít, vùng rau khai thác quỹ đất nhiều nhất chỉ khoảng 40% so với thiết kế. Chẳng hạn, vùng rau được cho là khá thành công và có sản phẩm thường xuyên là Túy Loan (xã H Phong) chỉ khai thác được 5,5/20 ha, vùng rau Yến Nê (xã Hòa Tiến) khai thác được 0,74/2 ha.
Thê thảm nhất là vùng rau Phú Sơn Nam 2 và 3 (xã Hòa Khương) chỉ khai thác được 1/10 diện tích quy hoạch, với 1,3/13 ha. Ông Võ Hiền (72 tuổi, trú thôn Cẩm Nê) cho biết trong thôn chỉ những người già mới trồng rau, hiếm nhà nào có người trẻ tham gia vì trồng rau kỳ công mà thu nhập không cao so với những công việc khác ở phố.
Trưởng phòng NN-PTNT H.H Vang cũng nhìn nhận nguyên nhân chính khiến các làng rau khó mở rộng diện tích là do đặc thù huyện giáp ranh với đô thị. “Những người lớn tuổi không đi làm xa được mới ở nhà trồng rau, chứ những người trẻ họ về phố làm ăn cả. Mặc dù cơ sở hạ tầng tốt nhưng rau sạch thiếu là do người nông dân không tâm huyết”, ông Lý nói.
Năm 2015, Đà Nẵng chỉ đáp ứng được 9.000 tấn rau, còn lại nhập 55.000 tấn. Theo ông Lý, sở dĩ Đà Nẵng phải nhập rau thường xuyên từ các tỉnh là do nông dân sản xuất nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu nhà thu mua.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, chưa liên kết tiêu thụ ổn định nên người dân không yên tâm sản xuất số lượng lớn, tạo ra sản phẩm hàng h. Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng, cho hay mặc dù các quận, huyện đã triển khai các mô hình SAZ nhưng diện tích trên toàn TP hiện chỉ đạt 40/87 ha tổng diện tích đầu tư. “Việc sản xuất ở các vùng rau còn hạn chế về diện tích, chủng loại và sản lượng, do hộ sản xuất chủ yếu là những người lớn tuổi, không có sức lao động. Đất đã giao cho các hộ sử dụng lâu dài nên rất khó vận động để cho các doanh nghiệp thuê lại…”, ông Ban nhận định.
Về giải pháp mở rộng diện tích các vùng rau, ông Ban kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở Công thương phối hợp các ngành, các địa phương hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Đối với các quận, huyện cần mở rộng diện tích rau an toàn phù hợp với thực tế, không bỏ hoang đất, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dân…
Còn theo ông Nguyễn Văn Lý, cần thiết phải có quy hoạch lại để dồn điền, đổi thửa, từ đó kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp vào đầu tư trồng rau theo quy trình hiện đại. “Phải rà soát lại, ai muốn sản xuất thì tiếp tục, ai không muốn thì thu hồi đất và ra khỏi dự án để dành đất cho những hộ dân có tâm huyết”, ông Lý nói, đồng thời lưu ý khi doanh nghiệp vào đầu tư phải cam kết sử dụng lao động tại địa phương, nhằm tiếp tục đảm bảo lợi ích của người nông dân ở đây.
Giám sát chất lượng rau an toàn
Một số người dân vùng rau Cẩm Nê (xã Hoà Tiến) phản ánh thời gian gần đây rau màu bị sâu cuốn lá, buộc phải phun thuốc để trừ sâu. Tuy nhiên, khi đề cập đến việc ai sẽ giám sát dư lượng thuốc được phun lên thì họ không trả lời được.
Phòng NN-PTNT H.Hòa Vang cũng nhìn nhận, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất rau tại các vùng sản xuất hiện nay còn hạn chế và khó khăn. “Thực tế, một số hộ trong vùng rau trồng đậu phụng, mè phun thuốc trừ sâu gây ảnh hưởng đến độ an toàn của các diện tích rau đang sản xuất lân cận”, báo cáo của phòng này nêu.
Ghi nhận thực trạng này, Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về kiểm tra, giám sát các vùng rau đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; sản xuất rau an toàn theo đúng định hướng quy hoạch…

 

Hoàng Sơn