23/01/2025

Philippines bắt tay Trung Quốc

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố chia tay với nước Mỹ cả về kinh tế và quân sự sau các cuộc hội đàm đầy hữu hảo ở Trung Quốc.

 

Philippines bắt tay Trung Quốc

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố chia tay với nước Mỹ cả về kinh tế và quân sự sau các cuộc hội đàm đầy hữu hảo ở Trung Quốc.




Cái bắt tay đánh dấu nỗ lực “xoay trục” về phía Trung Quốc của Tổng thống Duterte /// Reuters

 

Cái bắt tay đánh dấu nỗ lực “xoay trục” về phía Trung Quốc của Tổng thống DuterteREUTERS

Trung Quốc là nước ngoài khối ASEAN đầu tiên mà Tổng thống Duterte chọn thăm kể từ khi chính thức lên cầm quyền tại Philippines vào tháng 6.2016. Ông Duterte đến Bắc Kinh ngày 18.10 trong chuyến công du kéo dài 4 ngày. Theo Reuters, tại buổi tiếp ông Duterte ở Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh hôm qua 20.10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ hy vọng chuyến thăm của Tổng thống Duterte sẽ là “cột mốc” giúp “cải thiện đầy đủ” quan hệ giữa hai nước, vốn bị ảnh hưởng nặng nề do tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.
Anh em máu mủ
Ông Duterte đến Bắc Kinh với sự tháp tùng của ít nhất 200 doanh nhân hàng đầu, nhằm dọn đường cho cái mà ông gọi là “một liên minh thương mại mới”, khi quan hệ giữa Philippines và đồng minh Mỹ đang ngày một xấu đi. Tại cuộc gặp sau khi tiếp đón bằng thảm đỏ ở quảng trường Thiên An Môn, ông Tập tuyên bố Trung Quốc với Philippines là “những người anh em máu mủ”, và rằng hai bên có thể “xử lý thoả đáng các tranh chấp”, dù ông không đề cập cụ thể vấn đề Biển Đông trong những phát biểu trước báo giới. Tờ South China Morning Post đưa tin trong phát biểu đáp lời, Tổng thống Duterte nói rằng Trung Quốc là bạn của Philippines suốt nhiều thế kỷ, quan hệ hai nước sâu sắc, không dễ bị chia cắt và đang bước vào “mùa xuân”.
 
 
Ký 13 thoả thuận trị giá 13,5 tỉ USD
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân, nước này sẽ phục hồi việc xuất khẩu nông phẩm của Philippines sang Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ cung cấp khoản tín dụng trị giá 3 tỉ USD để đầu tư vào việc phát triển cơ sở hạ tầng của Philippines. Sau cuộc hội đàm giữa ông Tập và ông Duterte, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký một loạt thoả thuận hợp tác trị giá 13,5 tỉ USD, theo Tân Hoa xã.

 

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân hôm qua xác nhận hai bên có đề cập đôi chút về vấn đề Biển Đông, nhưng nhất trí rằng đó không phải là tất cả trong mối quan hệ song phương, và hai nước sẽ khôi phục các cuộc tham vấn về ngoại giao và quốc phòng. Vấn đề bãi cạn Scarborough của Philippines bị Trung Quốc cưỡng chiếm trên thực tế vào năm 2012 và việc phía Trung Quốc ngăn cản ngư dân Philippines đánh bắt tại đây không được đề cập trong cuộc gặp, nhưng ông Lưu cho biết hai bên đã nhất trí hợp tác về vấn đề bảo vệ bờ biển và ngư nghiệp.

Giới quan sát nhận định sự đón tiếp trọng thị ở Bắc Kinh dành cho ông Duterte cùng những cam kết hỗ trợ cho Philippines có thể được xem là sự biểu thị thái độ hả hê của Trung Quốc trước hành động “xoay trục” khó ngờ của Manila về phía Bắc Kinh.
Quan hệ giữa hai nước đã lâm vào tình trạng căng thẳng trong thời gian người tiền nhiệm của ông Duterte, Tổng thống Benigno Aquino III lãnh đạo đất nước. Thời gian này, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc lên Tòa trọng tài liên quan đến yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, khi ông Duterte lên cầm quyền hồi tháng 6, chính sách ngoại giao của nước này bắt đầu chuyển dịch về hướng Trung Quốc và xa dần khỏi đồng minh Mỹ.
Chia tay nước Mỹ
Chuyến thăm Bắc Kinh là động thái mới nhất của Tổng thống Duterte trong nỗ lực tạo lập một chính sách ngoại giao độc lập với Mỹ và tiến gần hơn với Trung Quốc. Phát biểu trước Phó thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ cùng cộng đồng doanh nhân Trung Quốc và Philippines tại Đại lễ đường nhân dân hôm qua, ông Duterte tuyên bố Mỹ “đã thua cuộc” và ông có thể sẽ đến Nga để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin, bàn về ý tưởng Nga, Trung Quốc và Philippines bắt tay đối đầu với thế giới, theo Reuters. “Thưa các ngài, tại địa điểm này, tôi tuyên bố chia tay với nước Mỹ, về cả quân sự và kinh tế… Tôi đã chia tay với họ. Nên tôi sẽ phụ thuộc vào các ngài trong thời gian dài. Nhưng đừng lo lắng, chúng tôi cũng sẽ giúp các ngài như các ngài giúp chúng tôi”, ông Duterte tuyên bố trước sự tán thưởng nhiệt liệt từ cử tọa.
Theo Reuters, giọng điệu của Tổng thống Duterte ở Bắc Kinh tương phản với ngôn từ mà ông đã sử dụng với Washington. Ông không dưới một lần thoá mạ chủ nhân Nhà Trắng Barack Obama là “con của mụ điếm”, và phản bác mạnh mẽ những chỉ trích của Mỹ đối với chiến dịch trấn áp tội phạm ma tuý vốn đã khiến hơn 3.000 người thiệt mạng ở Philippines.
Phản ứng trước các tuyên bố của ông Duterte, phát ngôn viên Nhà Trắng Eric Schultz đêm qua cho biết chính phủ Mỹ chưa nhận được bất kỳ yêu cầu chính thức nào từ giới chức Philippines về việc chấm dứt các mối quan hệ an ninh và kinh tế giữa hai nước.
Hiệu ứng quả lắc
Các phát biểu của ông Duterte ở Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của nhiều chuyên gia quốc tế.
Theo chuyên gia về châu Á Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ), chuyến thăm của ông Duterte thể hiện mong muốn gặt hái các lợi ích kinh tế của ông, trong khi phía Trung Quốc muốn xử lý các vấn đề giữa hai nước thông qua đàm phán song phương. “Đây là một màn ve vãn thú vị giữa Trung Quốc và Philippines. Còn phải xem liệu Trung Quốc có tìm kiếm sự tôn trọng của Manila đối với chủ quyền của Trung Quốc hay không. Điều đó nhiều khả năng sẽ là yếu tố phá vỡ sự đồng thuận”, bà Glaser viết, theo AP.
Trong khi đó, chuyên gia Từ Lập Bình thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nói tuyên bố của ông Duterte không nhất thiết đồng nghĩa với việc Philippines sẽ ngả về phía Trung Quốc. “Nó là hiệu ứng quả lắc. Ông Duterte chỉ điều chỉnh và sửa đổi chính sách nhất biên đảo về phía Mỹ của người tiền nhiệm. Tôi sẽ không nói rằng ông ấy nghiêng về phía Trung Quốc”, chuyên gia này nói với tờ South China Morning Post. Khi quan hệ nồng ấm hơn, Trung Quốc có thể nối lại một số dự án cơ sở hạ tầng bị đình trệ ở Philippines như xây dựng đường sắt ở phía bắc Philippines và đầu tư thêm các dự án khác, ông Từ nhận xét. Lý do Philippines là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển “Một vành đai, một con đường” do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng.
Theo chuyên gia về Đông Nam Á Trương Minh Lượng thuộc Đại học Kỵ Nam ở Quảng Châu, về địa chính trị, sự xa cách của ông Duterte với Mỹ sẽ giúp giảm áp lực lên Trung Quốc từ chiến lược “tái cân bằng” sang châu Á của Mỹ và cải thiện môi trường chiến lược của Trung Quốc. Vào năm tới, Philippines sẽ giữ ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN, nơi vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ được đưa vào chương trình nghị sự. “Nếu không có sự cải thiện quan hệ, Philippines sẽ sử dụng khuôn khổ ASEAN để làm bẽ mặt Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông”, ông Trương nói.
Công Chính


 

Trùng Quang