02/11/2024

Lạm phát giữ được, GDP ‘hụt hơi’

Bức tranh kinh tế – xã hội năm 2016 được báo cáo, đánh giá trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, QH khóa 14 ngày hôm qua dù có nhiều điểm sáng, tích cực nhưng mục tiêu quan trọng nhất là tăng trưởng GDP lại bị hụt hơi.

 

Lạm phát giữ được, GDP ‘hụt hơi’

Bức tranh kinh tế – xã hội năm 2016 được báo cáo, đánh giá trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 2, QH khóa 14 ngày hôm qua dù có nhiều điểm sáng, tích cực nhưng mục tiêu quan trọng nhất là tăng trưởng GDP lại bị hụt hơi.




 /// Ảnh: Ngọc Thắng

Ảnh: Ngọc Thắng

Báo cáo trước QH về tình hình kinh tế – xã hội năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, con số 11/13 chỉ tiêu QH giao đến cuối năm sẽ được hoàn thành, chí ít là đạt còn không sẽ vượt. Thành công lớn nhất là việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô (phản ánh chỉ số giá tiêu dùng khả năng chỉ tăng 4,5% so với mục tiêu 5%).
Bên cạnh đó, lần đầu tiên dự trữ ngoại hối đạt 40 tỉ USD, mức lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ che phủ rừng… đều có thể cán đích.
GDP hụt mất 1 triệu tỉ đồng
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn thách thức 2 chỉ tiêu về tăng trưởng GDP và xuất khẩu sẽ chỉ xấp xỉ bằng kế hoạch. Dù tốc độ tăng quý sau luôn cao hơn quý trước nhưng GDP 9 tháng đầu năm chỉ đạt thấp so với cùng kỳ (5,93% so với 6,5%). Dự báo cả năm, so với mục tiêu 6,7% QH giao năm nay nỗ lực hết sức sẽ chỉ có thể đạt 6,3 – 6,5%. Đối với chỉ tiêu xuất khẩu, 9 tháng chỉ tăng 6,7% (cùng kỳ tăng 9,1%), kế hoạch 2016 tăng 10%, dự báo chỉ đạt được 6 – 7%.
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế do Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu, một số ý kiến lo ngại việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối dự kiến từ 5,1 triệu tỉ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỉ đồng, thậm chí xuống chỉ còn 4,1 triệu tỉ đồng. Điều đó có thể dẫn đến tỷ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra. Nợ công cao, áp lực trả nợ lớn, cân đối ngân sách nhà nước khó khăn.
Doanh nghiệp yếu cả lực và sức cạnh tranh
Năm nay, dấu ấn lớn nhất của Chính phủ có thể nhìn thấy là nỗ lực “kiến tạo”, gỡ bỏ rào cản kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng để doanh nghiệp (DN) thoải mái làm ăn, tiết giảm chi phí, mở rộng sản xuất kinh doanh. Theo Thủ tướng, để làm được điều đó toàn bộ máy biến lời nói thành hành động, rút ngắn khoảng cách giữa nói và làm. Kết quả nhìn thấy ngay: thủ tục đăng ký kinh doanh rút ngắn còn 1 – 3 ngày; trong 9 tháng trên 81.000 DN thành lập mới, 20.000 hoạt động trở lại. Điều đó tạo được niềm tin và không khí phấn khởi của người dân, nhà đầu tư, DN.
Nhưng Chính phủ thừa nhận, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, trong 9 tháng có 45.000 DN tạm ngừng hoạt động và trên 8.300 dừng hoạt động. Điều đáng nói, một số DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài, chưa công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh; nhiều dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty chậm tiến độ, thua lỗ, lãng phí, phải dừng đầu tư, dừng hoạt động…
Thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế cũng khẳng định, hệ thống DN là động lực phát triển nhưng cả khu vực nhà nước và tư nhân đều yếu về thực lực và sức cạnh tranh, số DN đăng ký nhiều nhưng đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 57% so với đăng ký. Một số còn lợi dụng chính sách “tiền đăng, hậu kiểm” để thành lập DN trục lợi bất chính.
Lạm phát giữ được, GDP ‘hụt hơi’ - ảnh 1

Toàn cảnh phiên khai mạcẢNH: NGỌC THẮNG


Riêng khối DNNN, Uỷ ban Kinh tế yêu cầu Chính phủ đánh giá đầy đủ việc sắp xếp, mua bán, sáp nhập và sử dụng vốn nhà nước không tuân thủ luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN (đã có hiệu lực từ năm 2015) tại một số công ty cổ phần nhà nước nắm vốn chi phối như MobiFone mua Công ty AVG, sử dụng đất tại các DNNN (Tổng công ty Đường sắt)… Báo cáo thêm về kết quả hoạt động, xử lý nợ của Vinashin, Vinalines cho đến nay. Đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước giai đoạn 2005 – 2015.
Cần hơn 10,5 triệu tỉ đồng tái cơ cấu nền kinh tế
Báo cáo về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 do Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày, khẳng định 5 nội dung tái cơ cấu kinh tế trọng tâm và 70 nhiệm vụ gắn thời gian thực hiện cụ thể. Riêng trong giai đoạn 2017 – 2018 có một số nhiệm vụ cần ưu tiên thực hiện ngay, đó là kiên quyết cổ phần hóa DNNN, xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, lành mạnh hoá thị trường tài chính… Theo tính toán của Chính phủ, nguồn lực để thực hiện dự kiến khoảng 10.567.000 tỉ đồng theo giá thực tế.
Trong khi đó, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính ngân sách 2011 – 2015 và nhiệm vụ 2016 – 2020, Uỷ ban Tài chính – Ngân sách đánh giá, mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tăng khoảng 7 – 8%/năm là hợp lý. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần đưa chỉ tiêu này thành mục tiêu thực hiện, không mang tính chất định hướng. Trong điều hành, căn cứ khả năng thu cần ưu tiên bố trí nguồn điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi với mức tăng cao hơn theo lộ trình. Có ý kiến cho rằng, giai đoạn 2011 – 2015, chưa thực hiện được lộ trình cải cách tiền lương đã đưa ra, do vậy, đề nghị giai đoạn 2016 – 2020, cần tăng mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công lên 10 – 12%/năm, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương.
Nhân dân bức xúc vụ Trịnh Xuân Thanh, Formosa
Báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Nguyễn Thiện Nhân trình bày cho thấy, nhân dân đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đưa ra xét xử 6 vụ án tham nhũng lớn nhưng vẫn còn bức xúc nhiều vấn đề.
Đặc biệt, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chưa nghiêm, giải quyết vụ việc tham nhũng chưa thực sự thoả đáng, chưa đủ sức răn đe, công tác thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả còn rất thấp.
“Cử tri và nhân dân bất bình trước việc ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí VN, mặc dù làm thua lỗ hàng ngàn tỉ đồng của nhà nước nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng tại Bộ Công thương, UBND tỉnh Hậu Giang. Vừa qua, ông Thanh đã bị khởi tố bị can”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Liên quan đến vụ việc Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm khiến hải sản tại 4 tỉnh miền Trung chết hàng loạt, cử tri và nhân dân tiếp tục kiến nghị việc đền bù cần kịp thời, chính xác và minh bạch; các cơ quan chức năng sớm kết luận cụ thể về mức độ an toàn của nước biển, hải sản; tiếp tục khắc phục ô nhiễm môi trường biển…
“Nhà đầu tư vi phạm đã nhận lỗi và nhận trách nhiệm trước nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan, tổ chức và cá nhân nào trong hệ thống quản lý nhà nước có liên quan đứng ra nhận lỗi và chịu trách nhiệm”, báo cáo nêu rõ.

“Điểm danh” dự án lãng phí, không hiệu quả
1. Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng do CTCP hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư.
2. Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học bio-ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỉ đồng. Chủ đầu tư là CTCP nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung.
3.Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỉ đồng, do CTCP gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư.
4. Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng, do Công ty TNHH một thành viên phát triển công nghiệp và vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng công ty giấy VN – Vinapaco.
5. Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV đạm Ninh Bình, Tập đoàn hóa chất VN.
(Nguồn báo cáo Ủy ban Kinh tế)


 

Anh Vũ