03/11/2024

Vũ khí bơm hơi bí mật của Nga

Nga đang bí mật triển khai các mô hình vũ khí bơm hơi giống như thật nhằm đánh lừa các hệ thống do thám của đối thủ.

 

Vũ khí bơm hơi bí mật của Nga

Nga đang bí mật triển khai các mô hình vũ khí bơm hơi giống như thật nhằm đánh lừa các hệ thống do thám của đối thủ.




Xe tăng bơm hơi

 

Xe tăng bơm hơi

Giữa một cách đồng trống ở ngoại ô Moscow, một chiếc tiêm kích MIG-31 đột nhiên xuất hiện. Ít phút sau đó, dàn phóng tên lửa ngạo nghễ bung lên, thu hút sự chú ý của người đi đường. Kế đến, mọi thứ biến mất cũng nhanh như lúc xuất hiện. Đó chính là kho vũ khí bí mật của Nga vừa bị phương Tây phát hiện.
Nguỵ trang kiểu mới
Kể từ năm 1995, quân đội Nga đã bắt tay với một công ty chuyên sản xuất các mô hình bơm hơi cỡ lớn cho mục tiêu làm nhiễu loạn dữ liệu thu thập tình báo của phe đối thủ, từ vệ tinh đến máy bay do thám. Và hiện tại Bộ Quốc phòng Nga đang bắt đầu triển khai một dạng ngụy trang kiểu cũ nhưng không kém phần hiệu quả nếu cần che mắt mạng lưới vệ tinh quân sự và các phi đội máy bay trinh sát của đối thủ: vũ khí bơm hơi.
Theo tờ The New York Times, Điện Kremlin ngày càng đặt thêm nhiều loại mô hình vũ khí sát thương, bao gồm xe tăng, chiến đấu cơ, các khẩu đội tên lửa… Tất cả đều được sản xuất bởi Công ty RusBal chuyên làm khinh khí cầu, nhà đồ chơi và lâu đài nhún.
Mô hình khẩu đội tên lửa phòng không

Mô hình khẩu đội tên lửa phòng không

Trong bối cảnh nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đang tìm cách quay về vũ đài trung tâm của địa chính trị thế giới, việc Moscow một lần nữa áp dụng đội quân bơm hơi hoàn toàn phù hợp với phong cách đánh lạc hướng đặc trưng của Nga: Maskirovka. Đây là học thuyết quân sự phối hợp các chiêu thức và chiến thuật với mục tiêu lớn nhất là đánh lạc hướng và nghi trang, đang trở thành yếu tố then chốt trong các tham vọng trỗi dậy về mặt quân sự của Nga.
Ý tưởng đằng sau chiến thuật maskirovka là đẩy kẻ địch vào tình thế buộc phải suy đoán, không bao giờ phơi bày ý định thật sự của mình, luôn luôn chối bỏ mọi hoạt động và sử dụng tất cả các biện pháp cần thiết, kể cả chính trị lẫn quân đội, để duy trì khía cạnh bất ngờ cho quân ta. Và các mô hình vũ khí bơm hơi là một phần của nội dung cải tiến và cập nhật chiến thuật maskirovka.
Binh bất yếm trá
Phía RusBal không tiết lộ số lượng xe tăng bơm hơi được xuất xưởng, nhưng trong số 80 công nhân hiện làm việc toàn thời gian, đa số đều ngồi chăm chỉ may các vũ khí ngụy trang cho quân đội Nga. Hãng cũng nhận các đơn hàng xuất khẩu, chẳng hạn thỏa thuận trị giá khoảng 3 triệu USD để chế tạo các mô hình tên lửa phòng không S-300 cho Iran, nhưng đơn hàng này sau đó gặp trở ngại vì lệnh cấm vận của LHQ.
Chiến đấu cơ Su 27 và xe tăng “dỏm” - Ảnh: Reuters

Chiến đấu cơ Su 27 và xe tăng “dỏm” – Ảnh: Reuters

Các xe tăng và khẩu đội tên lửa cũng được sản xuất để dễ dàng nổ tung nhằm thu hút hoả lực đắt đỏ từ đối thủ, như tên lửa hành trình hoặc bom dẫn đường bằng laser. Hơn thế nữa, sự tồn tại của chúng có thể làm rối loạn quá trình ra quyết định của giới chỉ huy phe địch, buộc các tư lệnh chiến trường vắt óc xác minh liệu quân mình vừa đánh trúng vũ khí thật hay chỉ là mô hình giả trang của Nga. Chúng được thiết kế để nhanh chóng được bơm phồng và cũng làm xẹp trong thời gian ngắn để tránh bị lộ tẩy trước sự quan sát của vệ tinh.
Một trong sản phẩm chủ chốt của hãng là mô hình xe tăng T-80 có trọng lượng 70 kg, giá thành khoảng 16.000 USD, được nhồi vào hai túi vải, chỉ mất khoảng 5 phút để phồng lên theo đúng kích thước.
Chiến đấu cơ Mig 31 bơm hơi của Nga - Ảnh: Reuters

Chiến đấu cơ Mig 31 bơm hơi của Nga – Ảnh: Reuters

Giám đốc RusBal Maria A.Oparina nhận định chẳng có ai buộc phải tỏ ra quân tử trên chiến trường, và những món đồ chơi tưởng chừng như vô dụng được đánh giá sẽ góp phần không nhỏ để đạt được mục đích cuối cùng là giành chiến thắng. “Nếu nghiên cứu các trận chiến quan trọng trong lịch sử, bạn sẽ thấy đây là chiêu nghi binh bách chiến bách thắng”, theo Giám đốc kinh doanh hàng hóa quân sự của RusBal là ông Aleksei A.Komarov.
“Binh đoàn ma” thời Thế chiến thứ hai
Vũ khí bơm hơi chiếm một vị trí trong lịch sử tại các chiến trường châu Âu. Trước khi quân Đồng Minh đổ bộ vào châu Âu năm 1944, tướng Mỹ George S.Patton chịu trách nhiệm chỉ huy Tập đoàn quân thứ nhất của Mỹ (FUSAG), một đội quân “ma” hoạt động trên khu vực trải rộng từ các thành phố Pháp đến sông Rhine ở Trung và Tây Âu.
Với khoảng 1.100 người, lực lượng này mang theo các đồ ngụy trang như xe tăng và vũ khí thổi phồng các loại, thực hiện nhiệm vụ duy nhất là tạo ra ảo giác và gieo rắc thông tin không xác thực về sức mạnh và vị trí đóng quân của lực lượng Đồng Minh, theo tư liệu của Đài PBS. Trên thực tế, “binh đoàn ma” đã tạo ra ít nhất 20 vụ đánh lừa khiến tin tức tình báo của Đức Quốc xã bị rối loạn tại các trận địa Pháp, Bỉ, Luxembourg và Đức.


Thuỵ Miên