Thiếu trách nhiệm để nhà máy 325 triệu USD đắp chiếu
Đầu tư gần 325 triệu USD vào dự án Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Tập đoàn dệt may VN và Tập đoàn dầu khí VN kỳ vọng sau 8 năm 8 tháng sẽ hoàn vốn.
Thiếu trách nhiệm để nhà máy 325 triệu USD đắp chiếu
Đầu tư gần 325 triệu USD vào dự án Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Tập đoàn dệt may VN và Tập đoàn dầu khí VN kỳ vọng sau 8 năm 8 tháng sẽ hoàn vốn.
Tuy nhiên sau 2 năm đi vào hoạt động đã lỗ tới gần 1.500 tỉ đồng, hiện nay đang phải “đắp chiếu”.
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa ban hành kết luận thanh tra việc đầu tư xây dựng dự án Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (xơ sợi Đình Vũ), qua đó đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Tập đoàn dệt may VN (Vinatex), Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và Bộ Công thương giai đoạn 2007 đến nay.
Theo kết luận của TTCP, thực hiện Quyết định 386/2006 về chiến lược phát triển ngành dầu khí giai đoạn 2006 – 2015, định hướng đến năm 2026, ngày 15.7.2007, PVN ký thoả thuận hợp tác Vinatex để thực hiện dự án xơ sợi Đình Vũ có địa chỉ tại khu kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng. Năm 2008, một pháp nhân được hai bên lập ra để quản lý dự án là Công ty CP hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex), đồng thời làm chủ đầu tư. Theo nghị quyết của PVTex, dự án có tổng mức đầu tư 324,8 triệu USD, tương đương khoảng hơn 5.400 tỉ đồng, tính theo tỷ giá năm 2008; 30% số vốn đầu tư này là của chủ sở hữu, còn lại đi vay. Dự án có công suất 500 tấn xơ sợi/ngày và theo tính toán của chủ đầu tư, dự án sẽ hoàn vốn toàn bộ sau thời gian 8 năm 8 tháng. Dự án được nghiệm thu sơ bộ vào tháng 8.2013 và đã bàn giao đi vào sản xuất kinh doanh.
Theo TTCP, kết quả sản xuất của dự án xơ sợi Đình Vũ từ khi chạy thử cho đến chính thức đều liên tục lỗ. Cụ thể, năm 2012 lỗ hơn 21 tỉ đồng; năm 2013 lỗ 366 tỉ đồng và năm 2014 lỗ 1.085 tỉ đồng. Tổng số lỗ trong 3 năm là 1.472 tỉ đồng. Do lỗ nặng nên nhà máy chạy phập phù và nhiều lần phải đắp chiếu, đến cuối năm 2015 thì dừng hẳn. Đồng thời báo cáo của PVTex cho biết, tổng mức đầu tư cho dự án từ dự kiến ban đầu khi triển khai trên thực tế đã bị “đội” lên thành hơn 359 triệu USD. Qua rà soát, cập nhật các định mức vật tư, tiêu hao, nhân công, lãi vay theo thực tế cũng như cập nhật giá nguyên liệu và sản phẩm cho thấy thời gian thu hồi vốn của dự án đã nhảy lên 22 năm 10 tháng, cao hơn tuổi thọ trung bình 1 dự án là 22 năm. Do đó dự án này không có hiệu quả kinh tế.
Theo TTCP, nguyên nhân khiến dự án thua lỗ, không có hiệu quả có những nguyên nhân khách quan là thị trường tiêu thụ khó khăn, biến động giá nhiên liệu, lãi suất ngân hàng cao… nhưng về chủ quan, do PVN và Vinatex là đại diện sở hữu và PVTex đã có nhiều thiếu sót, khuyết điểm.
Từ năm 2008, vốn điều lệ của PVTex là 160 tỉ đồng, trong đó PVN là cổ đông sáng lập góp vốn 39%. Sau nhiều lần điều chỉnh, vốn điều lệ của PVTex đã tăng lên gần 2.000 tỉ đồng vào năm 2014. Rồi PVN đã bỏ tiền ra mua lại cổ phần từ các cổ đông khác để tăng tỷ lệ góp vốn ngày càng cao. Tính đến cuối năm 2014, toàn bộ 100% vốn góp tại PVTex là của PVN và các đơn vị thành viên, gồm: Tổng công ty CP tài chính dầu khí, Tổng công ty phân bón và hóa chất dầu khí.
Với những việc làm trên, PVN đang phải gánh chịu toàn bộ khoản công nợ đã vay để thực hiện dự án cũng như khoản lỗ gần 1.500 tỉ đồng của nhà máy. TTCP chỉ rõ, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu PVN phải thoái vốn khỏi PVTex từ 56% xuống 36%. Tuy nhiên những quyết nghị của Bộ Công thương và các nghị quyết của PVN đã đẩy tỷ lệ vốn PVN tại PVTex tăng từ 56% lên 75% là trái với chỉ đạo của Thủ tướng.
Chưa hết, TTCP phát hiện trong quá trình triển khai thực hiện dự án, PVTex đã không tổ chức thẩm định, tính toán kỹ, tăng tổng mức đầu tư không đúng với chi phí, tính sai chi phí… trị giá khoảng 38,7 triệu USD dẫn đến dự án bị đội vốn lên hơn 363 triệu USD.
Trong quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng mua thiết bị, chủ đầu tư và nhà thầu không tuân thủ quy định của hợp đồng, thay đổi nguồn gốc xuất xứ nhiều thiết bị. Ngoài ra, nhiều thiết bị khác sau khi nhập về sử dụng đã bị trục trặc, hỏng hóc, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc nhà máy thử nghiệm kéo dài, sản phẩm không đạt chất lượng chiếm tỷ lệ cao.
Đề nghị xử lý hình sự
Kết thúc cuộc thanh tra, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành hữu quan xử lý về kinh tế 54 tỉ đồng và hơn 22.000 USD do nghiệm thu thanh toán sai, trùng lắp, đồng thời yêu cầu PVTex xử lý dứt điểm các tranh chấp do thay đổi nguồn gốc xuất xứ thiết bị, vật tư. Xử lý trách nhiệm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân tại Bộ Công thương, PVN và Vinatex vì đã thiếu trách nhiệm trong vai trò quản lý nhà nước, trong việc góp vốn, nhận góp vốn, chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật.
Đáng chú ý, TTCP cho biết quá trình thanh tra dự án đã phát hiện có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Do đó TTCP kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
|
Thái Sơn – Đức Hoà