Quan nhiếp chính 96 tuổi của Thái Lan
Ở tuổi xưa nay hiếm, chủ tịch Hội đồng cơ mật Thái Lan Prem Tinsulanonda lên nắm quyền nhiếp chính sau khi thái tử Maha Vajiralongkorn trì hoãn lễ đăng quang.
Quan nhiếp chính 96 tuổi của Thái Lan
Ở tuổi xưa nay hiếm, chủ tịch Hội đồng cơ mật Thái Lan Prem Tinsulanonda lên nắm quyền nhiếp chính sau khi thái tử Maha Vajiralongkorn trì hoãn lễ đăng quang.
Ông Prem Tinsulanonda, chủ tịch Hội đồng cơ mật Thái Lan – Ảnh: AFP |
Hãng tin AFP nhận xét ở độ tuổi 96, ông Prem Tinsulanonda vẫn rất tinh anh và nhanh nhẹn đáng kinh ngạc. Ông thường xuyên có mặt trong những sự kiện lớn của Hoàng gia Thái Lan, vẫn liên tục có những bài diễn văn trước đông đảo mọi người và chưa cần phải nhờ ai giúp đỡ trong chuyện đi lại.
Việc ông Prem Tinsulanonda, người đang giữ cương vị chủ tịch Hội đồng cơ mật của Hoàng gia Thái Lan, trở thành người giữ quyền nhiếp chính càng củng cố thêm vai trò của ông, một trong những gương mặt quyền lực và khôn ngoan nhất, giữa chính trường Thái Lan nhiều biến động.
Chính trị gia khôn ngoan
Sinh năm 1920 tại tỉnh miền nam Songkhla, ông Prem thăng tiến rất nhanh trong binh nghiệp. Năm 1978, vượt qua nhiều gương mặt ưu tú, ông được bổ nhiệm giữ cương vị tổng tư lệnh quân đội Hoàng gia Thái Lan. Hai năm sau đó, ông thâu tóm quyền lực trong một sự biến được coi như một cuộc đảo chính ngầm có sự ủng hộ của nhà vua và hoàng hậu Thái Lan.
Giai đoạn ông Prem Tinsulanonda nắm quyền thủ tướng từ năm 1980-1988 là giai đoạn ổn định về kinh tế và chính trị hiếm hoi của Thái Lan, khác hẳn với những năm tháng bất ổn liên miên xảy ra các cuộc đảo chính, trấn áp đảo chính trước đó.
Sau đó ông Prem được cử giữ chức chủ tịch Hội đồng cơ mật của Nhà vua Bhumibol Adulyadej, người có tới 70 năm trị vì thiên hạ. Cương vị này khiến ông trở thành người cố vấn gần gũi hơn nữa với Nhà vua Bhumibol, người đã băng hà hôm 13-10.
Việc ông Prem được giao giữ quyền nhiếp chính đã được quy định trong Hiến pháp Thái Lan.
Luật kế vị năm 1924 và Hiến pháp Thái Lan đặt ra quy định, trong khoảng thời gian chờ tới lúc nhà vua mới đăng quang, người đứng đầu Hội đồng cơ mật sẽ mặc nhiên trở thành người nắm quyền nhiếp chính của hoàng gia.
Quân đội và hoàng gia chia quyền
Trong thời gian làm thủ tướng, cũng như khi nắm Hội đồng cơ mật, ông Prem luôn có ý thức củng cố vai trò của quân đội là lực lượng bảo vệ chế độ quân chủ thông qua mối quan hệ rất gần gũi với Nhà vua Bhumibol.
Nhà nghiên cứu Paul Chambers, chuyên gia về quân đội Thái Lan, nhận định: “Ông ấy hoàn toàn có khả năng biến quân đội trở thành một bộ phận của hoàng gia nhưng vẫn duy trì quân đội như một cơ quan quyền lực trong chính trường Thái Lan”.
Ông Chambers dẫn chứng: trong 12 cuộc đảo chính quân sự ở Thái Lan thời gian qua, ông Prem là người đã khởi xướng hoặc ít nhất là có nhúng tay vào 5 cuộc.
Vụ đảo chính gần nhất vào năm 2014 đã lật đổ chính phủ dân bầu của thủ tướng Yingluck Shinawatra. Bà là em gái của cựu thủ tướng – tỉ phú viễn thông Thaksin Shinawatra, một người cũng từng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính năm 2006.
Ông Thaksin được những người dân nghèo sống tại đô thị hoặc các vùng nông thôn của Thái Lan ủng hộ, nhất là tại các khu vực phía bắc và đông bắc.
Tuy nhiên với giới quan chức trong quân đội và giới quý tộc hoàng gia, ông bị coi là “nguy cơ số 1” theo như nhận định của chuyên gia về chính trị Thái Lan, ông Pavin Chachavalpongpun ở Đại học Kyoto của Nhật Bản.
Chuyên gia Pavin cho rằng chính ông Prem là người đã góp phần loại bỏ ông Thaksin năm 2006.
Trong tám năm tiếp theo đó, Thái Lan rơi vào tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc, gồm cả những cuộc xung đột bạo lực đẫm máu, cho tới khi xảy ra cuộc đảo chính năm 2014 và tướng Prayut lên nắm quyền thủ tướng.
Giới tướng lĩnh quân đội luôn nói rằng họ hành động để khôi phục tình trạng ổn định đất nước, nhưng trong mắt giới quan sát chính trị, cuộc đảo chính đó một phần là động thái giữ vững quyền lực của quân đội trong khi vẫn đảm bảo quá trình kế tục của hoàng gia.
Chính phủ trấn an người dân Cuối tuần qua, Phó thủ tướng Thái Lan Wissanu Krea-ngam trấn an người dân Thái rằng việc ông Prem nắm quyền nhiếp chính chỉ là tạm thời và cũng bởi vì thái tử Maha Vajiralongkorn yêu cầu cần có thêm thời gian trong việc để tang cha cũng như chuẩn bị những việc cần thiết cho thời điểm chính thức đăng quang. Còn Thủ tướng Prayut Chan-o-Cha thì tiết lộ thái tử Vajiralongkorn có nói với ông rằng người dân Thái Lan không nên “hoang mang hay lo lắng về việc điều hành đất nước cũng như về việc kế vị”. Ông Prayut cũng nói sau thời gian để tang và hoàn tất các nghi lễ tôn giáo sẽ tổ chức lễ phong vương cho thái tử Maha Vajiralongkorn, nhưng ông không nêu tiến trình thời gian cụ thể cho việc này. |