Monsanto ra toà ở The Hague
Tập đoàn hoá chất khổng lồ của Mỹ đã bị đưa ra Tòa án công dân quốc tế tại The Hague (Hà Lan) trong hai ngày cuối tuần. Dĩ nhiên phía Monsanto không có mặt để dự toà.
Monsanto ra toà ở The Hague
Tập đoàn hoá chất khổng lồ của Mỹ đã bị đưa ra Tòa án công dân quốc tế tại The Hague (Hà Lan) trong hai ngày cuối tuần. Dĩ nhiên phía Monsanto không có mặt để dự toà.
Phiên toà chống Monsanto tổ chức tại TP The Hague ngày 15-10 – Ảnh: Twitter |
Trong hai ngày 15 và 16-10 đã diễn ra phiên điều trần của Toà án công dân quốc tế do các tổ chức dân sự thực hiện.
Dù là một phiên toà mang tính hình thức (và không có lời tuyên án) nhưng có đến 20 nguyên đơn từ khắp các châu lục có mặt để tố cáo những tội ác của tập đoàn khổng lồ của Mỹ theo những tội danh “vi phạm nhân quyền, phạm tội ác chống nhân loại và huỷ hoại môi trường”, trong đó lớn nhất là tội đã sản xuất chất độc da cam gây thảm kịch lên nhiều thế hệ công dân tại Việt Nam.
Cơ sở để luận tội sau này
Dù phiên tòa bị phía Monsanto gọi là “màn kịch dối trá” qua bức thư ngỏ gửi đến tòa nhưng có đến năm thẩm phán nổi tiếng đã ngồi ở bàn bồi thẩm.
Đó là bà Dior Fall Sow – thẩm phán người Senegal, đang là cố vấn của Tòa hình sự quốc tế (CPI) tại The Hague, và từng là luật sư của Tòa án hình sự quốc tế xử vụ diệt chủng tại Rwanda; bà Gwynn MacCarrick – người Úc, từng làm việc ở văn phòng chánh án Toà án hình sự quốc tế xử vụ diệt chủng tại Nam Tư (cũ); thẩm phán người Mexico Jorge Abraham Fernandez Souza, cũng từng làm việc tại tòa Russell xử vụ đàn áp ở Mỹ Latin và đang là cố vấn của Uỷ ban trọng tài quốc gia giữa lực lượng quân đội giải phóng Zapatiste với Chính phủ Mexico…
“Chúng tôi sẽ xem xét liệu các hoạt động của Monsanto có phù hợp với quy định của luật |
Thẩm phán Françoise Tulkens (chánh án của “Tòa Monsanto” nói về khả năng thực tiễn tiếp theo của phiên tòa tại The Hague) |
Phiên tòa chống lại Monsanto này từng được nêu ra nhân kỳ hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu ở Paris (Pháp) vào đầu tháng 12-2015.
Giờ đây, 20 nguyên đơn từ châu Mỹ, châu Phi, châu Á và châu Âu đã có mặt cùng các luật sư và các chuyên gia của năm châu lục. Trong thành phần ban tổ chức của “Toà Monsanto” này có bà Vandana Shiva – nhà hoạt động người Ấn Độ chuyên về bảo vệ môi trường và quyền phụ nữ, có nữ luật sư người Pháp Corinne Lepage, có ông Olivier De Schutter – cựu đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về quyền tiếp cận thực phẩm, có luật gia quốc tế Valérie Cabanes và ông Ronnie Cummins – giám đốc quốc tế của Tổ chức Organic Consumers Association (OCA) – tổ chức người tiêu dùng đầy quyền lực tại Mỹ.
Ban tổ chức cho biết muốn biến phiên toà này thành “hình mẫu chống lại các tập đoàn đa quốc gia và các lãnh đạo của chúng vì đã góp phần gây rối loạn khí hậu và sinh quyển, đe doạ mối an toàn của Trái đất”, chứ không chỉ thuần túy chống lại Monsanto.
Phía Monsanto đương nhiên không cử người tham dự vì cho rằng phiên toà hình thức này “lái dư luận khỏi những cuộc tranh luận chính yếu về nhu cầu thực phẩm của con người và nền nông nghiệp trên thế giới”.
Monsanto kết tội Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp sinh học giật dây cho phiên tòa này vì đó là “một thể chế bảo trợ cho các tổ chức nông nghiệp sinh học và những thành viên của chúng vốn chống đối triệt để với nền nông nghiệp hiện đại”.
Cả cộng đồng đã ý thức
Tập đoàn Monsanto ra đời tại Mỹ năm 1901. Nhà sáng lập John F. Queeny đặt tên cho công ty nhằm tưởng nhớ người vợ quá cố Olga Monsanto. Kỳ này, ông Queeny cũng bị đưa vào ghế bị cáo tại “Toà Monsanto” vì tội đã xây dựng kiểu làm nông nghiệp phát sinh nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vì tội khiến cho nông dân khắp thế giới phải phụ thuộc vào giống có bảo hộ quyền phát minh của công ty, và vì tội “vận động hành lang đối với những cơ quan luật pháp và chính phủ” để đạt mục đích kinh doanh của mình.
Như ban bồi thẩm đã tuyên bố, trong hai ngày cuối tuần qua họ chỉ lắng nghe và thảo luận về những lời kết tội và bằng chứng từ các nguyên đơn. Phán quyết sẽ được đưa ra trước tháng 12 tới. Dẫu phán quyết không mang tính ràng buộc nhưng các thẩm phán đều cho rằng nó sẽ là nền tảng cho một phiên tòa chính danh khác.
Chưa kể việc tổ chức “Tòa Monsanto” sẽ giúp thúc đẩy khuôn khổ luật quốc tế trong đó có việc xử các tội ác huỷ hoại môi trường, tức bất kỳ hành vi nào chống lại môi trường sống của con người, từ việc huỷ hoại cho đến việc gây nguy hại lâu dài cho hệ thống môi trường mà các cộng đồng dân cư đang sống phụ thuộc.
Việc tổ chức song song “Toà Monsanto” cùng “Đại hội các dân tộc” ngay tại thành phố The Hague (Hà Lan), cách không xa Toà án hình sự quốc tế, không phải là không có chủ đích của ban tổ chức. Đã có đến 600 người đăng ký tham dự hai sự kiện trên.
Luật gia Valérie Cabanes giải thích: “Cần vận dụng quy chế Roma để đưa vào Toà án hình sự quốc tế loại tội danh “huỷ hoại môi trường” bên cạnh các loại tội danh đã có như diệt chủng, tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống nhân loại”.
Bà cũng nhìn nhận đây là cuộc chiến lâu dài bởi phải mất hơn 50 năm, tính từ sau toà án Nuremberg năm 1945 xử những tên phát xít Đức, thì mãi đến tháng 7-1998 Toà án hình sự quốc tế mới tổ chức được một phiên toà để xử những tội ác nghiêm trọng tầm cỡ quốc tế.
Hôm 15-9 vừa qua, Toà án hình sự quốc tế đã tuyên bố sẽ nghiên cứu sâu vào những tội ác chống lại môi trường như huỷ hoại môi trường, khai thác trái phép các tài nguyên thiên nhiên và cướp đất trái luật…
Đối với những nguyên đơn và ban tổ chức của “Toà Monsanto”, mục tiêu của họ cao hơn việc đấu tranh chống lại Monsanto bởi họ muốn phải làm sao đưa các lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo chính trị ra toà vì tội phá huỷ đất đai, gây ô nhiễm đại dương hoặc nguồn nước sinh hoạt của các cộng đồng dân cư.
Ban tổ chức “Toà Monsanto” cho biết chi phí tổ chức phiên toà khoảng 500.000 euro, nhờ vào tiền hỗ trợ của cộng đồng thông qua mở quỹ trên mạng Internet và phân nửa trong đó do nhiều tổ chức đóng góp. |