28/12/2024

Phía sau chuyện “cướp nghêu”

Lại tái diễn hàng ngàn người “cướp nghêu” khi một số bãi nghêu tự nhiên được một số nhóm người chốt giữ, người dân bình thường kêu mất kế sinh nhai…

 

Phía sau chuyện “cướp nghêu”

Lại tái diễn hàng ngàn người “cướp nghêu” khi một số bãi nghêu tự nhiên được một số nhóm người chốt giữ, người dân bình thường kêu mất kế sinh nhai… 

 

 

 

Phía sau chuyện “cướp nghêu”
Nhiều người dân tranh bắt nghêu trên bãi bồi mũi Cà Mau – Ảnh: T.Trình

Căng thẳng gia tăng khi nhiều hộ dân “tố” rằng nghêu họ nuôi đã bị đám đông khai thác sạch. Chính quyền thì nêu một số người có tiền đã tự quây bãi nghêu, cho thuê trái phép. Đã có cách làm mới, hóa giải nạn cướp nghêu nhưng nhiều nơi chưa áp dụng.

Bãi bồi căng thẳng

Sáng 15-10, ghi nhận của Tuổi Trẻ có khoảng 2.000 người đi trên 600 xuồng máy từ nhiều hướng đổ về bãi nghêu Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) để khai thác nghêu.

Từ rất sớm, hàng chục lực lượng công an, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nông nghiệp, cán bộ đoàn thể của huyện Ngọc Hiển đã có mặt. Các lực lượng này chỉ ngăn nguy cơ nảy sinh xô xát.

Ngay trên bãi nghêu đã bùng phát mâu thuẫn khi đa số người dân nêu họ chỉ “bắt nghêu giống tự nhiên”. Còn một số người dân khác than trời rằng tiền vốn của họ đầu tư vào bãi nghêu đã bị khai thác không thương tiếc.

Bà N.N.S., một hộ dân tại xã Đất Mũi, cho biết gia đình bà đã “bỏ ra trên 3 tỉ đồng” để đầu tư nuôi nghêu thịt, nay có nguy cơ mất trắng.

Ông Lê Phú Sánh, giám đốc HTX nghêu Đất Mũi, cho biết hiện tại ước tính các xã viên trong HTX của ông bị thiệt hại trên 5 tỉ đồng. Ông Sánh thống kê cụ thể: ngày 14-10 có khoảng 1.000 người vào bãi nghêu khai thác. Ngày 
15-10, số người vào đã tăng gấp đôi.

“Chúng tôi đã thuê xe lên tỉnh cầu cứu nhưng đến nay vẫn chưa thấy lực lượng nào đến hỗ trợ chúng tôi. Cách của chúng tôi hiện nay là đi năn nỉ họ chừa lại một phần để lấy vốn” – ông Sánh nói.

Tuy nhiên, những người bắt nghêu lại cho rằng họ chỉ vào bãi bồi để bắt nghêu giống tự nhiên.

Theo ông N.V.Đ., một người dân tham gia bắt nghêu, “chúng tôi chỉ cào nghêu cám, bằng hạt cát, nó được sinh ra từ tự nhiên chứ không phải nghêu do HTX thả nuôi. Còn chúng tôi phải vào sân của HTX là vì HTX đã bao hết phần bãi có sản sinh nghêu giống”.

Ông Đ. cho biết đã tham gia cào bắt nghêu tại đây được ba ngày. Hôm qua, ngày gần nhất ông cào bán được 1 triệu đồng tiền nghêu cám.

Tuy nhiên, chị Trương Tuyết Hồng, một xã viên của HTX nghêu Đất Mũi, nêu ngược lại: “Hôm qua chúng tôi phát hiện có nhiều người dân đã bắt nghêu thịt đi bán ở trong xóm Rạch Tàu. Tôi có chụp hình lại đây”.

Sẽ cân đối lợi ích cho người nghèo

“Từ lâu nay, mỗi mùa nghêu giống chúng tôi đều đến đây bắt nghêu. Một vài người ỷ có tiền, họ vào đây khoanh lại nói bãi bồi là của họ” – ông L.L., một người dân ở xã Đất Mũi, phân trần với chúng tôi về hành động mà bị nhiều người gọi là cướp nghêu này.

Một hộ dân khác sống gần khu vực rẫy Trương Phi, xã Đất Mũi khẳng định bãi bồi là “của chung”, người dân hằng ngày vẫn ra đây mò cua, đặt cá kèo… Nay nhiều người dân đã khoanh vùng, cất chòi canh giữ.

“Nếu đuổi chúng tôi thì mấy ổng phải trả lời con cháu tôi sẽ sống ra sao?” – ông L. tỏ ra bức xúc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nói: Vùng ven bờ ven Mũi Cà Mau từ lâu người dân vẫn ra đây mưu sinh. Nhiều hộ dân không có phương tiện ra xa bờ đánh bắt thì tỉnh cũng đã tạo điều kiện đất đai.

Ông Hải cho biết Cà Mau đã tính toán tổ chức lại nuôi trồng thủy sản ven bờ cho phù hợp. Theo định hướng, tất cả người dân trong khu vực sẽ cùng được hưởng lợi từ bãi nghêu.

Ngày 16-10, ông Lý Hoàng Tiến, chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển, tỏ ra bức xúc trước thông tin gọi người dân khai thác nghêu là “cướp nghêu”. “Nói như thế là tội nghiệp người dân. Vì đất này chính quyền chưa giao cho ai cả”, ông Tiến nói.

Cho rằng chủ trương của địa phương khi giao đất bãi bồi cho HTX nuôi nghêu đã tính đến chuyện chia sẻ lợi ích của các hộ dân nghèo khi trước mắt, tỉnh Cà Mau có chủ trương chỉ giao 431 ha để người dân hợp tác nuôi nghêu.

Ông Tiến tiết lộ đến nay “HTX vẫn chưa hoàn thành thủ tục cần thiết để được giao đất…”. Theo ông Tiến, tuy chưa được giao đất, nhưng một số người đã đứng ra chiếm bãi bồi rồi cho thuê lại. “Việc cho thuê này không đúng”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, năm 2014, tỉnh Cà Mau có chủ trương ghép 16 HTX thành một HTX để dễ quản lý. Các xã viên của HTX dự kiến thành lập sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các hộ dân sống gần khu vực bãi bồi.

“Tuy nhiên, lãnh đạo HTX không làm vậy. Họ chỉ kêu gọi những người có tiền vào thuê bãi, những người nghèo thì mất quyền lợi” – ông Tiến nói và khẳng định đất bãi bồi tất cả người dân đều được cộng đồng lợi ích. Theo ông Tiến, hiện chính quyền địa phương đang làm thủ tục giải tán bắt buộc HTX nghêu Đất Mũi.

“Hiện công an đang điều tra việc lấy đất nhà nước để cho thuê thu tiền bất chính, nếu có đủ cơ sở sẽ truy cứu trước pháp luật”.

Về trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để ra tình trạng được gọi là “cướp nghêu” nhiều năm, ông Lý Hoàng Tiến thừa nhận không thể chạy chối trách nhiệm của chính quyền địa phương.

“Chúng tôi đã chưa cương quyết giải thể HTX trong thời gian qua vì mong muốn toàn dân Đất Mũi vào đây, bất kể người giàu, người nghèo”…

Hết “cướp nghêu” nhờ phân chia lợi ích

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Chánh Thi – chủ tịch Liên minh HTX Bến Tre – cho biết toàn tỉnh Bến Tre hiện có bảy HTX nghêu đang quản lý và khai thác diện tích khoảng 4.200ha sân nghêu. Mỗi năm các HTX nghêu này thu về hơn 
100 tỉ đồng.

Các sân nghêu tại huyện Thạnh Phú và Bình Đại những năm trước cũng là “điểm nóng” cướp nghêu. Có trường hợp chính những người trong HTX cướp nghêu ngay trên diện tích – bãi của mình được giao canh tác. Lại cũng có trường hợp những xã viên liên kết với người ngoài để tổ chức cướp nghêu.

Tuy nhiên theo ông Thi, gần đây tình trạng này đã không còn. Lý do: hiện Bến Tre có HTX thủy sản Đồng Tâm và HTX thủy sản Rạng Đông hoạt động rất mạnh. Hai HTX này đang áp dụng hình thức chia đều lợi nhuận cho tất cả thành viên các xã viên. Tức là từ đứa trẻ mới sinh ra đến người già trong gia đình xã viên đều được chia lợi nhuận từ bãi nghêu.

Đặc biệt, bãi nghêu của hai HTX này thu hút 100% người dân địa phương tham gia nên tinh thần trách nhiệm bảo vệ bãi nghêu rất cao.

MẬU TRƯỜNG

TIẾN TRÌNH – MỸ XUYÊN