28/12/2024

Đến tuổi nào phải nghỉ hưu ?

Đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH dự kiến sẽ tăng tuổi nghỉ hưu khi sửa đổi bộ luật Lao động đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

 

Đến tuổi nào phải nghỉ hưu ?

Đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH dự kiến sẽ tăng tuổi nghỉ hưu khi sửa đổi bộ luật Lao động đang gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.




Nhiều ý kiến cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu để đối phó với già hóa dân số là chưa thuyết phục 	 /// Ảnh: Ngọc Thắng

Nhiều ý kiến cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu để đối phó với già hóa dân số là chưa thuyết phụcẢNH: NGỌC THẮNG

Xung quanh vấn đề này,Thanh Niên có cuộc phỏng vấn TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội.
Thưa ông, năm 2014, khi trình dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), ban soạn thảo đã đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam nhưng không được thông qua. Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu lại tiếp tục “nóng” trong những ngày gần đây khi Bộ LĐ-TB-XH dự kiến sẽ tiếp tục trình phương án tăng tuổi nghỉ hưu để đối phó với vấn đề già hóa dân số và tránh vỡ quỹ BHXH. Theo ông, lý do này đưa ra có thuyết phục?
Năm 2012, Ban soạn thảo bộ luật Lao động (LĐ) cũng đã đưa ra những luận chứng để bảo vệ quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu, là để theo xu hướng của thế giới, giải quyết vấn đề bình đẳng giới giữa nam và nữ; giúp cân đối quỹ BHXH và sử dụng LĐ trình độ cao có lợi cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thời điểm đó, dư luận xã hội không đồng thuận. Các đại biểu Quốc hội đã không bấm nút thông qua vì chưa có đủ luận cứ thuyết phục.
 
 
Đến tuổi nào phải nghỉ hưu ? - ảnh 2
Năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên
khá cao là 6,4%, trong khi tỷ lệ chung là 2,31%. Thậm chí, ngay cả số được qua đào tạo ở trình độ cao từ thạc sĩ, cử nhân, tiến sĩ… cũng thất nghiệp. Quý 1/2016 có đến 225.000 người có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu vào lúc này, tình trạng thất nghiệp ở lớp trẻ sẽ tiếp tục gia tăng. Đây là bài toán đánh đổi nếu xử lý không khéo sẽ làm mất ổn định xã hội
Đến tuổi nào phải nghỉ hưu ? - ảnh 3
 
 
 

Năm 2014, dự thảo luật BHXH tiếp tục đưa ra trình Quốc hội phương án nâng tuổi nghỉ hưu với lý do là tránh “vỡ quỹ BHXH” nên cũng không được chấp nhận.

Lần này dù cơ quan soạn thảo chưa đưa ra phương án cụ thể, mới chỉ đưa ra ý tưởng sẽ tăng để đối phó với tốc độ già hóa dân số và tránh thâm hụt quỹ BHXH, tôi cho rằng vẫn chưa thuyết phục. Luận cứ tăng tuổi nghỉ hưu phải dựa trên yếu tố kinh tế xã hội. Tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến tỷ lệ tăng trưởng việc làm cao hơn tỷ lệ tăng lực lượng LĐ. Tức là số LĐ làm việc mới nhiều hơn số cung LĐ, khi đó tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không ảnh hưởng tới thu nhập. Nhưng hiện nay chúng ta chưa làm được điều đó. Yếu tố thứ hai, liên quan đến quỹ BHXH. Muốn quỹ BHXH không vỡ, cơ quan bảo hiểm phải có giải pháp mở rộng đối tượng chưa tham gia BHXH, phải ngăn chặn được tình trạng trốn đóng BHXH.
Có một thực tế đáng lo ngại, tỷ lệ LĐ thất nghiệp trong cả nước ngày một tăng. Nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng thị trường LĐ, nhất là ảnh hưởng tới cơ hội việc làm của giới trẻ. Ông nghĩ sao về điều này?
Đúng là tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp cân đối quỹ BHXH và giải quyết một số vấn đề khác. Tuy nhiên, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động ngược chiều liên quan đến đánh đổi giữa người ở lại với lớp trẻ mới bước vào tuổi LĐ, đặc biệt là thanh niên. Mỗi năm có 1 triệu thanh niên bước vào thị trường LĐ. Năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khá cao là 6,4%, trong khi tỷ lệ chung là 2,31%. Thậm chí, ngay cả số được qua đào tạo ở trình độ cao từ thạc sĩ, cử nhân, tiến sĩ… cũng thất nghiệp. Quý 1/2016 có đến 225.000 người có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu vào lúc này, tình trạng thất nghiệp ở lớp trẻ sẽ tiếp tục gia tăng. Đây là bài toán đánh đổi nếu xử lý không khéo sẽ làm mất ổn định xã hội.
 
 
Tỷ lệ người cao tuổi đang tăng nhanh
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, tỷ lệ người cao tuổi đang tăng nhanh, từ mức 6,9% dân số năm 1979, lên 10,5% dân số hiện nay. Dự kiến năm 2050, VN có khoảng 10 triệu người cao tuổi. Với các chính sách hiện nay, tới năm 2050, quỹ hưu trí, tử tuất sẽ bắt đầu mất cân đối, và không đủ chi trả các chế độ từ năm 2051.
Cũng theo Bộ LĐ-TB-XH, tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia, tuổi nghỉ hưu là 55 tuổi cho cả hai giới; Lào: 60 cho cả hai giới (nhưng cho phép nữ có quyền nghỉ sớm từ tuổi 55); Trung Quốc: 60 đối với nam, từ 50 – 60 đối với nữ. Một số nước quy định tuổi nghỉ hưu khá cao, chẳng hạn tại Nhật Bản và Hàn Quốc là 65 tuổi cho cả nam và nữ, tại Singapore là 62 tuổi cho cả nam và nữ.
 

Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, mà không giảm biên chế thì sẽ không loại được những người không đáp ứng được yêu cầu ra khỏi bộ máy. Vì vậy, để đảm bảo công bằng, tất cả những người không đáp ứng được yêu cầu công việc đều có thể bị loại.

Nhiều người cho rằng, nên giữ như hiện tại, chỉ tăng tuổi hưu ở một số ngành nghề. Vậy, theo ông thời điểm nào tăng là hợp lý và nên tăng ở mức nào?
Tôi ủng hộ xu hướng kéo dài tuổi nghỉ hưu là đúng, nhưng đối với VN phải vận dụng cho phù hợp và phải có lộ trình. Thực tế, trình độ phát triển sản xuất của VN, đặc biệt là trình độ công nghệ của VN còn thấp, chỉ có một số nhà máy áp dụng công nghệ cao, điều kiện LĐ được cải thiện. Còn lại những lĩnh vực LĐ nặng nhọc, độc hại; những lĩnh vực không phải công nghệ cao nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tinh mắt, nhanh tay như: giày da, dệt may, lắp ráp điện… không có khả năng kéo dài tuổi nghỉ hưu. Hiện nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng sa thải LĐ đến tuổi 35, khiến nhiều LĐ thất nghiệp. Nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 60, người ta đi đâu về đâu? Đây là bài toán xã hội rất lớn.
VN đang là nước phát triển trung bình thấp, khi nào phải đạt đến giai đoạn phát triển thu nhập trung bình, tăng trưởng kinh tế đạt được ở mức tỷ lệ tăng trưởng việc làm mới cao hơn tỷ lệ tăng trưởng lực lượng LĐ và cải thiện được điều kiện LĐ thì lúc đó hãy nghĩ tới kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, không phải tăng cho tất cả người LĐ mà tăng từng đối tượng, từng lĩnh vực. Theo tôi, những đối tượng có thể tăng trước là công chức, viên chức khối hành chính sự nghiệp. Ngoài ra, một số LĐ quản lý, CEO… cũng có thể tăng tuổi nghỉ hưu. Còn công nhân làm việc trong các ngành nghề như: cầu đường, dệt may, giày da, điện tử thì không nên tăng.
Về phương án, quan điểm của tôi nghiêng về phương án bình đẳng giới, tăng cho nữ gần bằng nam. Nghĩa là nữ tăng từ 55 lên 58 tuổi được quyền nghỉ hưu nhưng vẫn linh hoạt chấp nhận phương án nghỉ hưu sớm ngoài 55. Sau đó dần dần có thể tiến tới tăng tuổi nghỉ hưu cho nữ lên 60 và nam lên 62 tuổi. Tuy nhiên, đó là trong tương lai, có thể 5 – 7 năm nữa, khi đã có lộ trình thích hợp, có thời điểm thích hợp và chia theo đối tượng thích hợp. Còn thời điểm này tăng chưa phù hợp.
Trước một chính sách gây dư luận trái chiều, theo ông có cần khảo sát, điều tra lấy ý kiến những người LĐ – đối tượng ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách này hay không?
Với những chính sách còn nhiều tranh cãi, thay vì đứng ở vị trí cơ quan quản lý, ban soạn thảo nên đứng dưới góc độ của người LĐ. Khi đưa ra phương án phải có điều tra, khảo sát, đánh giá tất cả yếu tố tác động mang tính định lượng để chọn ra phương án tối ưu, chứ không phải “nói vo” mang tính định tính. Nếu ban soạn thảo không đưa ra được luận chứng mới vẫn là lập luận cũ, khi đưa ra Quốc hội, chắc chắn sẽ tiếp tục bị từ chối.
Ý KIẾN
Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc BHXH VN: Nên làm từ từ
Bất cứ quốc gia nào cũng phải xây dựng cân đối quỹ BHXH giữa thời gian đóng, mức đóng – mức hưởng và thời gian hưởng; phải xây dựng chính sách dài hạn, có sự kế tiếp và chuyển tiếp. Do đó, khi xã hội ngày càng phát triển, GDP tăng; mức sống, thể chất, thể lực, tuổi thọ của người lao động (NLĐ) cao hơn thì cũng cần phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. Có nhiều phương án nâng thời gian đóng, tuy nhiên để cân đối hài hoà, nên làm từ từ, tăng tuổi nghỉ hưu đối với nữ lên 58 tuổi, nam 62. Có thể sau một thời gian nữa sẽ điều chỉnh tiếp. Chúng tôi cũng đề xuất điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tùy theo từng nhóm đối tượng, loại hình LĐ, sao cho phù hợp với điều kiện LĐ và sức khoẻ.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể sẽ ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của một bộ phận LĐ trẻ. Nhưng chúng tôi cho rằng, cũng chỉ một vài năm giai đoạn đầu. Còn sau đó, khi đã cân bằng người vào, người ra khỏi hệ thống BHXH thì sẽ không còn tình trạng đó.
Ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Tiền lương (Bộ Nội vụ): Nếu để họ về hưu ở tuổi 60 thì rất lãng phí
Những nhà lãnh đạo, quản lý trưởng thành từ cơ sở và lên được vị trí cao có rất nhiều kinh nghiệm. Nếu để họ về hưu ở tuổi 60 như hiện nay thì rất lãng phí. Việc tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết và không gây sức ép lên ngân sách nhà nước như nhiều ý kiến lo ngại.
Trong một cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, khi một người ra khỏi bộ máy thì có một người khác bước vào. Người sắp nghỉ hưu lương cao, nhưng người trẻ lương lại thấp, nên bình quân thì mức lương vẫn không thay đổi. Tuy nhiên cũng có một thực tế rằng, nhiều người không muốn làm việc tới tuổi nghỉ hưu, họ giữ vị trí là do “bị buộc phải làm”. Với những trường hợp này, nhà nước có chính sách tinh giản biên chế, cho thôi việc, nghỉ hưu sớm nếu họ có nhu cầu.

PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động VN): 10 năm nữa hãy bàn tăng tuổi nghỉ hưu
Nhiều người dẫn chứng các nước như Singapore, Nhật Bản kéo dài tuổi nghỉ hưu, nước mình cũng phải theo xu thế của thế giới. Vậy thử hỏi, nền kinh tế VN có bằng Singapore, bằng Nhật không? Đó là những nước phát triển, thiếu nhân lực, họ kéo dài nghỉ hưu là để tận dụng thêm sức LĐ. Còn VN, tăng tuổi hưu chỉ một bộ phận nhỏ được hưởng lợi, còn lại phải hy sinh một bộ phận khá lớn là lớp trẻ. Thị trường đang thừa LĐ, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ có hàng triệu thanh niên không có việc làm. Tôi cho rằng, lý do tăng tuổi nghỉ hưu để tránh vỡ quỹ BHXH không thuyết phục. Nếu vỡ quỹ, những người trong lĩnh vực BHXH phải chịu trách nhiệm đầu tiên, không nên đổ dồn trách nhiệm cho lực lượng LĐ. Những nhà làm luật hãy đi hỏi công nhân LĐ, sự thực là họ muốn nghỉ từ 40 – 45 tuổi, không cần phải đợi đến 55 mới về hưu. Nếu ban soạn thảo trình phương án tăng tuổi hưu, rất có thể chúng tôi sẽ có một cuộc khảo sát để xã hội thấy rằng, những người LĐ thực sự muốn nghỉ. Trong tương lai, khoảng 10 năm nữa, khi nền kinh tế tăng trưởng cao hơn, hệ thống an sinh xã hội tốt hơn, tăng tuổi nghỉ hưu mang lại lợi ích cho NLĐ.

Bà Phạm Tuyết Nhung, Trưởng ban Đối ngoại  (Hội Người cao tuổi VN): Tăng tuổi nghỉ hưu  phải tính đến đặc thù từng ngành nghề
Những ý kiến đồng thuận tăng tuổi nghỉ hưu đưa ra chưa thật khách quan và toàn diện. Khi bàn nâng tuổi nghỉ hưu, hầu như họ chỉ nghĩ tới đối tượng công chức viên chức nhà nước và những cơ quan doanh nghiệp thuộc về nhà nước chứ chưa nghĩ tới tổng thể các doanh nghiệp thuộc các khu vực tư nhân hoặc khu vực khác. Chúng ta phải có một cái nhìn tổng thể rằng tuổi nghỉ hưu là để bảo vệ con người, bảo vệ NLĐ, không thể đánh đồng tất cả các lực lượng LĐ và trình độ như nhau. Chẳng hạn một GS-TS ra trường năm 22 tuổi, làm thạc sĩ, TS, GS đến tận 50 tuổi nhưng 60 tuổi họ về hưu không thể so với một công nhân đứng ở nhà máy chế biến thuỷ sản cả ngày trong môi trường ẩm ướt, mới đến 30 tuổi đã không còn đủ sức.
Quan điểm của tôi, nếu như đưa ra một chính sách hợp lý ta phải tính đến tính đặc thù cụ thể của từng ngành nghề, từng lĩnh vực. Tôi cũng không đồng tình với quan điểm nam nữ phải lệch nhau, nữ phải về hưu trước nam.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân: Sẽ tính toán theo lộ trình
Hiện cơ quan soạn thảo còn đang cân nhắc chưa chốt phương án cuối cùng. Một trong những phương án đề xuất tăng lần này là tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ tăng từ 55 lên 58 và nam giới tăng từ 60 lên 62. Đây cũng là phương án từng đề xuất trong lần sửa đổi luật BHXH năm 2014, nhưng chưa được thông qua. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng sẽ xem xét các phương án khác như điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, đảm bảo bình đẳng giữa nam và nữ.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu là câu chuyện của thế giới, không chỉ riêng của VN. Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học để hoàn thiện dự thảo, có thể tăng tuổi nghỉ hưu cũng sẽ phân ra các ngành nghề, đối với các ngành nặng nhọc độc hại thì không kéo dài tuổi nghỉ hưu. Để tránh “gây sốc”, cơ quan soạn thảo sẽ tính tăng dần theo lộ trình, có thể 3 – 4 năm thậm chí 5 năm mới tăng thêm 1 tuổi.    
T.Hằng (ghi)
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường LĐ TP.HCM: Cần có cơ chế  hết sức linh hoạt
Tôi nghĩ rằng nền kinh tế VN đang ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, nhiều chính sách khuyến khích khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ và các tỉnh, thành đề ra và thực hiện mạnh mẽ, quy mô nền kinh tế mở rộng… thì vị trí việc làm mới chắc chắn sẽ tăng lên. Thực tế với đại đa số người LĐ, việc tăng tuổi hưu hay không thật sự không quan trọng bằng việc tăng thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc cho tốt lên.
Ở nhiều nước, không ai “nghỉ một cái là hưởng hưu trí liền”. Chúng ta cần có cơ chế hết sức linh hoạt. Cũng có thể vẫn giữ tuổi LĐ như hiện nay nhưng tăng tuổi hưởng hưu lên. Khoảng thời gian ở giữa, nếu ai có nhu cầu thì tiếp tục làm cho đến lúc hưởng hưu trí, ai không có nhu cầu thì nghỉ chờ hưu và trong thời gian nghỉ chờ hưởng lương hưu thì họ hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức 60% mức lương bình quân đã đóng.
Tân Phú (ghi)


 

Thu Hằng (thực hiện)