Nhờ sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm để sản xuất, vợ chồng ông Hùng Ky đã biến khu đất cát khô cằn của gia đình ở ven biển Ninh Thuận trở thành trang trại rau màu tươi tốt, cho doanh thu mỗi năm hơn 1 tỉ đồng.
Thu tiền tỉ nhờ tưới tiết kiệm
Nhờ sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm để sản xuất, vợ chồng ông Hùng Ky đã biến khu đất cát khô cằn của gia đình ở ven biển Ninh Thuận trở thành trang trại rau màu tươi tốt, cho doanh thu mỗi năm hơn 1 tỉ đồng.
Cuối tháng 8 vừa qua, gia đình ông Hùng Ky (48 tuổi, thôn Tuấn Tú, xã An Hải, H.Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo một số bộ, ngành T.Ư đến thăm mô hình tưới nước tiết kiệm (TTK) ở vùng đất cát ven biển. Thủ tướng khen ngợi, đánh giá rất cao công nghệ TTK của gia đình ông Ky đang sử dụng và cho rằng đây là mô hình canh tác phù hợp với những vùng đất khô hạn đem lại hiệu quả kinh tế cao, cần được nhân rộng.
Tiết kiệm 50% lượng nước và điện
Ông Hùng Ky cho biết do không có hệ thống kênh mương thuỷ lợi nên vùng đất đồi cát xám bạc màu ở thôn Tuấn Tú sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2011, được sự chuyển giao công nghệ của Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, ông Ky là một trong những nông dân đầu tiên áp dụng mô hình TTK trồng cây măng tây trên diện tích 4 sào (4.000 m2) ở vùng đất cát. Sau 6 tháng chăm sóc, cây măng tây cho thu hoạch, đem lại lợi nhuận mỗi tháng hơn 15 triệu đồng. Từ kết quả này, ông Ky mạnh dạn đầu tư thêm 100 triệu đồng để lắp đặt đường ống TTK phục vụ cho 2,5 ha đất của gia đình.
Cứ mỗi sáng sớm, chỉ cần bật công tắc máy bơm, nước theo hệ thống đường ống tự phun sương cho từng ô đất. Nó rất thuận tiện, đôi lúc bận việc, con tôi vẫn bật được công tắc máy bơm để tưới nước cho cây trồng
Ông Hùng Ky, thôn Tuấn Tú, xã An Hải, H.Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận
Theo ông Ky, áp dụng TTK vào sản xuất có nhiều lợi thế hơn so với cách tưới tràn thủ công truyền thống. Với diện tích 2,5 ha cây màu, sau khi áp dụng TTK, gia đình ông Ky giảm được nhiều chi phí, như công làm đất, tưới nước và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do khi tưới phun đã làm giảm đáng kể côn trùng gây hại. Đặc biệt, khi sử dụng TTK giảm được khoảng 50% lượng nước tưới và chi phí tiền điện so với cách tưới tràn truyền thống. “Trước đây 2 giếng khoan của gia đình chỉ đủ tưới khoảng 4 sào/ngày. Nhưng khi áp dụng TTK, nguồn nước ở giếng khoan đáp ứng cho toàn bộ diện tích đất của gia đình. Tùy theo mùa vụ, tôi phân ra nhiều ô riêng biệt để gieo trồng như măng tây, hành lá, đậu phụng… để chăm sóc. Cứ mỗi sáng sớm, chỉ cần bật công tắc máy bơm, nước theo hệ thống đường ống tự phun sương cho từng ô đất. Nó rất thuận tiện, đôi lúc bận việc, con tôi vẫn bật được công tắc máy bơm để tưới nước cho cây trồng”, ông Ky nói và cho biết từ khi áp dụng TTK vào sản xuất, toàn bộ diện tích cây màu sản xuất được quanh năm, cho năng suất cao, doanh thu mỗi năm hơn 1 tỉ đồng, trừ hết các chi phí gia đình ông lãi từ 400 – 500 triệu đồng/năm.
Vươn lên làm giàu
Ông Ky cho biết trước đây gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, sinh sống bằng nghề chăn dê, cừu thuê. Mỗi năm tiết kiệm được một ít để dành nuôi con ăn học. Ở thời điểm đầu năm 1998, do sản xuất không hiệu quả nên đất nông nghiệp ở đây rất rẻ, một héc ta có giá cao nhất chỉ khoảng 1 chỉ vàng nhưng ít người mua. Sau nhiều năm tích luỹ, vợ chồng ông mua 2,5 ha đất cát ở thôn Tuấn Tú, với giá 2,5 chỉ vàng và tổ chức sản xuất.
Nhân rộng mô hình
Ông Phan Quang Thựu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, cho biết mô hình TTK đang được nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh. “Nó không những mang lại hiệu quả kinh tế mà còn là giải pháp hữu hiệu, có tính căn cơ để ứng phó với tình trạng hạn hán như hiện nay”, ông Thựu khẳng định.
“Khi chưa áp dụng mô hình TTK, vùng đất này thường bị biến dạng theo mùa. Mùa khô không có nước để tổ chức sản xuất, đất bỏ hoang, gió thổi cát bay tạo thành nhiều ụ cát ở giữa trang trại. Đến mùa mưa phải tốn chi phí để thuê công san bằng các ụ cát này. Từ ngày sử dụng mô hình TTK, có đủ nước sản xuất quanh năm, đất luôn ẩm ướt, gió không thể thổi cát bay như trước đây”, ông Ky nói.
Thấy được hiệu quả từ mô hình TTK gia đình ông Ky, nhiều nông dân ở địa phương tìm đến học hỏi và làm theo. Ông Trần Khánh Ninh, Chủ tịch UBND xã An Hải, cho biết đã có 387 ha đất nông nghiệp của 430 hộ nông dân áp dụng TTK vào sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương từ 9,96% vào năm 2010 còn 5% hiện nay; nhiều hộ nghèo đã vươn lên khá giả. Cũng theo ông Ninh, chi phí cho hệ thống TTK khoảng 30 triệu/ha, gồm máy bơm nước, đường ống nhựa cứng PVC và béc phun sương. Máy bơm nước được gắn với đường ống chính và các đường ống nhánh đặt cố định dưới đất. Trên mỗi đường ống nhánh, gắn thêm các đoạn ống phụ cao khoảng 0,7 m (có béc phun). Khi bật công tắc máy bơm, nước được điều tiết tưới phủ trong phạm vi cây trồng.