Chính sách tiền lương chậm đổi mới là một trong những nguyên nhân nảy sinh nạn nhũng nhiễu, tham nhũng… Vì vậy, cần phải sớm cải cách chính sách tiền lương.
Lương công chức chỉ đủ sống… 50%
Chính sách tiền lương chậm đổi mới là một trong những nguyên nhân nảy sinh nạn nhũng nhiễu, tham nhũng… Vì vậy, cần phải sớm cải cách chính sách tiền lương.
Tại hội thảo “Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương”, do Bộ Nội vụ tổ chức ở Hà Nội ngày 12.10, GS Trần Xuân Cầu, Trường đại học Kinh tế quốc dân, nêu ra nhiều điểm bất bình thường trong chính sách tiền lương hiện nay.
“Mảnh đất” cho quan liêu, tham nhũng phát triển
Một điều bất hợp lý nữa là dù ai cũng được thụ hưởng khi mức lương tối thiểu tăng, nhưng lại ít quan tâm bởi hầu như không ai sống bằng lương.
Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội thảo ‘Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương‘ do Bộ Nội vụ tổ chức hôm nay, 12.10.
Ông Cầu nói: “Thực tế ở VN, những cán bộ, công chức viên chức giàu có không ít nên họ không quan tâm tới tăng lương tối thiểu. Rõ ràng chính sách tiền lương của VN nói chung và chính sách tiền lương tối thiểu nói riêng đang có vấn đề”.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cũng chỉ ra những bất cập trong thiết kế hệ thống thang bảng lương, mức lương, các loại phụ cấp theo lương, tất cả tới 18 loại… Đáng nói là tiền lương công chức hiện nay mới chỉ đảm bảo khoảng 50 – 60% nhu cầu, không đủ tái tạo sức lao động và có tích lũy, không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ – một loại lao động đặc biệt.
Chính sách tiền lương giống như chiếc áo lâu ngày bị rách đang bục dần, cần được thay thế nhanh.
Để cải cách chính sách tiền lương thực sự có cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn, cần có nhiều hơn những cuộc khảo sát, đánh giá, hội thảo, tham vấn ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học
GS Trần Xuân Cầu, Trường đại học Kinh tế quốc dân
“Các giá trị xã hội của người công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất của tình trạng quan liêu, tham nhũng có cơ hội phát triển và trở thành vấn nạn của quá trình phát triển đất nước”, ông Phúc nói.
Ông Trần Đình Thảo, Trưởng khoa Tổ chức và quản lý nhân lực – Trường đại học Nội vụ Hà Nội, cho rằng: “Tiền lương thấp không khuyến khích cán bộ, công chức và người lao động trau dồi năng lực chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện tu dưỡng để thực sự toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, gắn bó với nhà nước. Mặt khác, lương thấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chạy chức, chạy quyền, địa vị, tham nhũng… gây bức bối trong xã hội hiện nay”.
Theo ông Thảo, cách xác định mức lương tối thiểu bị phụ thuộc, hệ số trung bình quá thấp dẫn đến hệ quả tiêu cực là người hưởng lương không sống được bằng lương, thu nhập ngoài tiền lương ở nhiều ngành, nghề, vị trí công tác, chức vụ ngày một cao, phức tạp, vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà nước. Mặc dù chưa có cuộc khảo sát, điều tra chính thức về mức sống của cán bộ, công chức, nhưng hầu hết cán bộ, công chức đều có nhà ở kiên cố, có xe máy và rất nhiều người có ô tô riêng.
Lấy dẫn chứng từ kết quả nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ năm 2012, có tới 79% cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương và các khoản phụ cấp theo lương, TS Lê Hồng Huyên, Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Kinh tế T.Ư) nhận định: “Phần lớn cán bộ, công chức có thu nhập ngoài lương nhưng chưa được kiểm soát. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc một khoản thuế thu nhập cá nhân của cán bộ, công chức bị bỏ sót”.
Sẽ có 2 chế độ lương
GS Trần Xuân Cầu cho rằng, cải cách chính sách tiền lương đang được đặt ra cấp bách cần được giải quyết càng sớm càng tốt. Ông Cầu ví von: “Chính sách tiền lương giống như chiếc áo lâu ngày bị rách đang bục dần, cần được thay thế nhanh. Để cải cách chính sách tiền lương thực sự có cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn, cần có nhiều hơn những cuộc khảo sát, đánh giá, hội thảo, tham vấn ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học”.
Vấn đề đầu tiên để cải cách chính sách tiền lương là “tiền đâu?” cũng được các chuyên gia đặt ra.
Theo TS Lê Hồng Huyên, cần phải kiên quyết thực hiện cơ chế thị trường trong cung ứng dịch vụ công cộng; tính đúng, tính đủ chi phí tiền lương vào giá và thực hiện giá thị trường đối với dịch vụ công sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở cung cấp dịch vụ công bù đắp chi phí, trong đó tạo nguồn thu để cho đơn vị sự nghiệp công lập chi trả tiền lương viên chức. Ngoài ra, theo ông Huyên, thu hẹp đối tượng sử dụng xe công, hướng tới đưa chi phí vào lương cũng là giải pháp cho cải cách tiền lương.
“Theo số liệu của Bộ Tài chính, đến tháng 10.2015, cả nước có gần 40.000 xe công. Ước tính mỗi năm, chi phí để nuôi xe công có thể tốn 12.800 tỉ đồng. Đây là khoản tiền rất lớn, nếu tiết kiệm được sẽ tạo thêm nguồn cho cải cách tiền lương”, ông Huyên đề xuất.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính), cho rằng cần phải xây dựng chính sách lương sạch đủ cao so với các đối tượng lao động khác để cán bộ công chức, viên chức thực hiện 4 không, “không được, không thể, không muốn, không dám tham nhũng”. Một khi chính sách tiền lương – thu nhập hợp lý sẽ tạo được tiền đề tích cực cho loại bỏ tham nhũng khỏi bộ máy.
Ông Thang Văn Phúc đề nghị cần có bước đi cụ thể quá trình tiền tệ hóa tiền lương, các thu nhập ngoài lương phải được kiểm soát. Phải tiến hành tổng rà soát, sắp xếp tinh giản tổ chức – biên chế nhà nước, tiến hành quyết liệt việc tách quản lý hành chính nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước và sự nghiệp dịch vụ công.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, tới đây sẽ có 2 chế độ tiền lương: Tiền lương công chức và tiền lương viên chức. “Hoạt động của công chức là hoạt động công quyền, nhân danh quyền lực công để thực hiện. Ở VN bao gồm những người làm việc trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội… Đặc điểm lao động của họ khác với hoạt động của đội ngũ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp là đòi hỏi chuyên môn cao, hoạt động nghề nghiệp như trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học, văn hoá nghệ thuật, thể thao…”, ông Tuấn nói.