27/12/2024

Bằng chứng Trung Quốc đưa tên lửa ra Hoàng Sa

Giới quan sát nhận định triển khai tên lửa tới quần đảo Hoàng Sa là hành động vô cùng nguy hiểm của Trung Quốc.

 

Bằng chứng Trung Quốc đưa tên lửa ra Hoàng Sa

Giới quan sát nhận định triển khai tên lửa tới quần đảo Hoàng Sa là hành động vô cùng nguy hiểm của Trung Quốc.




Hình ảnh chụp từ vệ tinh tại Phú Lâm trước và sau khi Trung Quốc triển khai tên lửa – Ảnh: Fox News/Đồ họa: Phúc Hải

Ngày 17.2, chính quyền Đài Loan và nhiều quan chức Mỹ khẳng định Trung Quốc vừa triển khai nhiều tên lửa đất đối không tới Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
CNN dẫn thông báo của Cơ quan Phòng vệ Đài Loan cho biết họ nhận được thông tin tình báo về sự tồn tại của một số khẩu đội tên lửa ở khu vực và Đài Bắc đang theo dõi sát sao tình hình.
Tương tự, nhiều quan chức Mỹ xác nhận họ đã thấy nhiều bức ảnh chụp từ vệ tinh của Công ty ImageSat International thể hiện rõ 2 khẩu đội với 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng một hệ thống radar có mặt tại Phú Lâm.
Cụ thể, trong bức ảnh chụp ngày 3.2 một bãi biển trên đảo Phú Lâm vẫn trống trơn thì trong ảnh ngày 14.2 đã dày đặc tên lửa. Fox News dẫn lời giới chức Mỹ nhận định đây có thể là hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, gần giống S-300 của Nga và có tầm hoạt động trên 201 km nên sẽ đe doạ mọi phi cơ quân sự lẫn dân sự đi qua khu vực.
Chỉ dấu quân sự hoá
Khi được yêu cầu xác nhận thông tin trên, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 17.2 không khẳng định hay phủ nhận nhưng lại cáo buộc “truyền thông phương Tây dựng chuyện”. Sau đó, đến lượt phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao nước này lảng tránh rằng “không biết rõ tình hình”. Tuy nhiên, ông Hồng vẫn nguỵ biện: “Việc triển khai tên lửa trên lãnh thổ Trung Quốc đều hợp pháp và mọi cơ sở được xây dựng liên quan đến phòng thủ quốc gia, không phải quân sự hoá”, theo Reuters.
Chưa hết, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố “những cơ sở phòng vệ trên các đảo và bãi đá liên quan đã được đưa vào sử dụng trong nhiều năm”.
Trong khi đó, dư luận quốc tế tỏ ra hết sức quan ngại về hành động phi pháp mới của Trung Quốc. Reuters dẫn lời người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris cho rằng đây “rõ ràng là chỉ dấu quân sự hóa” Biển Đông. Cũng trong ngày 17.2, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga và Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatani cho biết nước này “đang tìm hiểu thông tin với sự quan ngại sâu sắc” và kêu gọi có lời giải thích rõ ràng. Tuy không bình luận trực tiếp về thông tin tên lửa Trung Quốc có mặt tại Phú Lâm nhưng ông Suga cũng tuyên bố Nhật “không bao giờ chấp nhận những hành động đơn phương tạo sự đã rồi”, theo Kyodo News.
Theo giới quan sát, hành động lần này hàm chứa những toan tính của Trung Quốc về chính trị lẫn quân sự.
Chuyên gia về Biển Đông tại Tổ chức CNAS (Mỹ) Mira Rapp-Hooper cho biết đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc đưa khí tài quân sự đến Hoàng Sa, nhưng vẫn là diễn biến đáng chú ý với ý đồ ngắn hạn có thể là phản ứng hoạt động tuần tra bảo đảm tự do lưu thông của Mỹ và các đồng minh tại Biển Đông. Hồi tháng 1, Mỹ đã bất ngờ cho tàu chiến áp sát đảo Tri Tôn thuộc Hoàng Sa.
Về lâu dài, hành động triển khai tên lửa phi pháp có thể nhằm vừa thăm dò phản ứng dư luận trước những bước đi quân sự hoá tiếp theo, vừa tạo tiền đề phối hợp với những cơ sở phi pháp mà Trung Quốc xây dựng tại Hoàng Sa lẫn Trường Sa (chẳng hạn như đường băng phi pháp) để phục vụ ý đồ tăng cường kiểm soát Biển Đông bằng cách đơn phương tuyên bố Vùng nhận diện phòng không.
Về chính trị, giới quan sát chỉ ra rằng tên lửa Trung Quốc xuất hiện tại Hoàng Sa ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Mỹ diễn ra từ 15 – 16.2 tại California với Biển Đông là một vấn đề nóng trên bàn nghị sự. Vì thế, đây có thể được coi là một “sự cảnh báo mang tính dằn mặt”. CNN dẫn lời chuyên gia Ashley Townshend đang làm việc tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải (Trung Quốc) nhận định việc triển khai tên lửa “rõ ràng là khiêu khích”.
Lập căn cứ chống ngầm?
Ngoài tên lửa ở đảo Phú Lâm, còn có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang xây một căn cứ phi pháp dành cho trực thăng chống ngầm ở Hoàng Sa.
Chuyên san The Diplomat phân tích hình ảnh chụp từ vệ tinh ngày 17.1.2016 cho thấy tàu nước này cấp tập đào hút cát từ biển để bồi đắp đảo Quang Hoà thuộc Hoàng Sa và đã xây xong 8 vùng đáp trực thăng trên đảo, còn 4 vùng khác có thể sớm được hoàn thành. Đây có thể là dấu hiệu về ý đồ phát triển một mạng lưới căn cứ ở Biển Đông để hỗ trợ trực thăng chống ngầm.
Theo các nhà quan sát, mạng lưới này cùng một số điểm tiếp nhiên liệu ở Biển Đông có thể giúp các loại trực thăng như Z-18F duy trì hoạt động thời gian dài.
Chắc chắn những hành động nói trên của Trung Quốc sẽ tiếp tục làm leo thang căng thẳng ở khu vực, bất chấp những cảnh báo, kêu gọi của quốc tế và càng khiến dư luận nghi ngờ về những tuyên bố “không quân sự hoá” Biển Đông mà nước này liên tục đưa ra.
Thậm chí, nhà quan sát Tyler Rogoway cảnh báo trên trang Foxtrot Alpha rằng Biển Đông có thể sẽ phải chứng kiến những hành động quân sự dồn dập hơn nữa từ Trung Quốc trong tương lai với những loại vũ khí tương tự HQ-9 được triển khai đến những cơ sở phi pháp trong khu vực.

Văn Khoa