26/12/2024

Ngân hàng táo bạo đổi nợ xấu thành vốn góp

Đổi nợ xấu thành vốn góp, tái cơ cấu lại giúp con nợ hồi sinh thu tiền về nhưng cũng có thể khiến các nhà băng trắng tay trong canh bạc đầy rủi ro này.

 

Ngân hàng táo bạo đổi nợ xấu thành vốn góp
 
Đổi nợ xấu thành vốn góp, tái cơ cấu lại giúp con nợ hồi sinh thu tiền về nhưng cũng có thể khiến các nhà băng trắng tay trong canh bạc đầy rủi ro này.





Nợ xấu vẫn đang ám ảnh các ngân hàng /// Ảnh: Ngọc Thắng

Nợ xấu vẫn đang ám ảnh các ngân hàngẢNH: NGỌC THẮNG

Đó là bước đi khá táo bạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi cơ quan này đang lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo hướng dẫn việc góp vốn, mua cổ phần của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Chỉ đổi nợ xấu có nguy cơ mất vốn
 
 
Ngân hàng táo bạo đổi nợ xấu thành vốn góp - ảnh 1
Chẳng lẽ NHNN đang hướng dẫn NH thương mại tiếp tục lấy tiền huy động của người dân để hoán đổi thành cổ phần các DN làm ăn thất bát, nghĩa là đặt tiền tích lũy của người dân vào một cuộc chơi rủi ro khác? Điều này NHNN nhất thiết phải làm rõ
Ngân hàng táo bạo đổi nợ xấu thành vốn góp - ảnh 2
 
TS Bùi Kiến Thành
 

Dự thảo có một điểm rất đáng chú ý khi thiết kế một mục riêng quy định về việc hoán đổi nợ thành vốn góp, mua cổ phần của các TCTD tại doanh nghiệp (DN). Theo đó, các TCTD được thực hiện hoán đổi nợ thành vốn góp, mua cổ phần, nhưng phải đảm bảo các điều kiện: chỉ được thực hiện đối với nợ thuộc nhóm 5 hoặc nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro; tổng mức góp vốn, mua cổ phần dưới mọi hình thức không vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của ngân hàng (NH) thương mại, không vượt quá 60% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của công ty tài chính.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm giải thích: Hiểu nôm na việc chuyển nợ thành vốn góp là các NH thay vì thu hồi tiền nợ đã cho DN vay, họ sẽ lấy khoản nợ phải thu đó để mua chính cổ phần của DN với giá tương đương hoặc theo thỏa thuận. Khi đó, chủ nợ hoặc người mua nợ sẽ trở thành chủ sở hữu của DN, đầu tư thêm vốn để tái cơ cấu lại toàn bộ hoạt động từ tổ chức nhân sự đến sản xuất kinh doanh và định hướng phát triển… Nếu cứ để nợ xấu, DN không trả được sống dặt dẹo, thoi thóp còn các NH thì vẫn phải trích lập dự phòng thường xuyên, nợ thì không đòi được, áp lực vô cùng lớn.
“Áp dụng biện pháp này sẽ giúp NH sớm thoát khỏi nợ xấu, làm đẹp bản báo cáo tài chính, đồng thời giúp tăng nguồn vốn do vốn vay chuyển thành khoản đầu tư tài chính của NH. Còn DN tháo bỏ được áp lực trả nợ cho NH, có điều kiện khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh từ nguồn cấp vốn của các TCTD hoặc các nguồn vốn đầu tư khác”, ông Kiêm nhìn nhận và đánh giá thêm, đối với nền kinh tế, việc xử lý nợ xấu theo biện pháp chuyển nợ thành vốn góp sẽ giảm thiểu được những tác động tiêu cực như DN bị phá sản, người lao động mất việc làm…
Thực tế, trước khi dự thảo được lấy ý kiến đã có một số trường hợp “vượt rào”, dù hành lang pháp lý chưa quy định. Đơn cử như trường hợp của NH TMCP Công thương VN (VietinBank) tham gia làm cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa các cảng thành viên thuộc Tổng công ty hàng hải (Vinalines). VietinBank được chuyển số nợ vay 5.000 tỉ đồng của Vinalines và các đơn vị thành viên thành vốn cổ phần tại các cảng thành viên khi tiến hành cổ phần hoá. Chủ trương này áp dụng với Công ty cảng Hải Phòng và Công ty cảng Đà Nẵng… Tương tự, NH TMCP Á Châu (ACB) cũng đã phải mua lại 12,6 triệu cổ phần của Công ty CP vận tải biển VN (mã VOS) đơn vị thành viên của Vinalines.
Trước đó, NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội cũng đã thực hiện phương án chuyển nợ thành vốn góp. Vào giai đoạn 2011 – 2012 Công ty CP thuỷ sản Bình An (Bianfishco) gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu ổn định, chi phí tài chính tăng cao, NH ngưng cung cấp tín dụng, quản trị điều hành DN yếu kém khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Công ty bị thua lỗ, số dư nợ đọng NH và người dân bán cá lên tới cả nghìn tỉ đồng. Được sự đồng ý của Chính phủ, NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) chính thức “kết hôn” với Bianfishco và trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 25 triệu cổ phần bằng 50% vốn điều lệ Bianfishco (Bianfishco có vốn điều lệ 500 tỉ đồng) và tham gia vào hoạt động tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh của Bianfishco. Hiện tại theo lãnh đạo SHB, Bianfishco đã ổn định hoạt động và bắt đầu có lãi, đời sống người lao động được duy trì.
Cần thận trọng
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chuyển hoá nợ thành vốn góp nếu không thận trọng sẽ để lại không ít rủi ro, hệ lụy. Báo cáo của NHNN cho thấy, hiện nợ xấu toàn hệ thống 2,78% tổng dư nợ, dưới ngưỡng an toàn 3%. Thế nhưng, tại phiên họp mới đây Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đó là NHNN chưa tính khoảng 251.000 tỉ đồng đã bán cho VAMC. Nếu tính cả số này thì nợ xấu đã phải tăng lên gấp 2 – 3 lần.
Đáng lo hơn, theo chuyên gia tài chính – TS Lê Xuân Nghĩa, hiện nay khoảng 70% tài sản đảm bảo của tín dụng NH (ước hơn 5 triệu tỉ đồng) nằm ở bất động sản. Chỉ khi nào thị trường bất động sản phục hồi mới hy vọng có thể xử lý nợ xấu, tăng trưởng kinh tế. Bất động sản luôn là lĩnh vực đầy nhạy cảm và rủi ro, nếu chuyển hóa nợ thành vốn góp thì các NH sẽ thành ông chủ kinh doanh bất động sản. Điều này rất nguy hiểm đối với nền kinh tế.
TS Bùi Kiến Thành, chuyên gia kinh tế, băn khoăn quy định của NHNN chỉ cho hoán đổi nợ xấu nhóm 5. Theo quy định của luật đây là các món nợ có nguy cơ mất vốn, không đòi được. Theo ông Thành, nợ đã không đòi được mà NH chuyển h thành cổ phần thì lấy tiền ở đâu để tái cơ cấu, để bơm thêm vào giúp các DN hồi sinh. “Chẳng lẽ NHNN đang hướng dẫn NH thương mại tiếp tục lấy tiền huy động của người dân để hoán đổi thành cổ phần các DN làm ăn thất bát, nghĩa là đặt tiền tích luỹ của người dân vào một cuộc chơi rủi ro khác? Điều này NHNN nhất thiết phải làm rõ”, TS Thành đề nghị.
Một chuyên gia thì bình luận: “VietinBank đi làm cầu cảng, ACB đi vận tải biển, một số nhà băng lại đi làm xi măng, sắt thép, thậm chí cả phân bón và cá tra. NH là trung gian tài chính, cung ứng vốn và dịch vụ lại đi sở hữu cổ phần, đầu tư kiểu lẩu thập cẩm như vậy thì cũng rất rủi ro”.
DN sản xuất kinh doanh, thương mại, xuất nhập khẩu có những điểm khác biệt so với hoạt động kinh doanh NH, các TCTD nếu không có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ càng (đặc biệt là yếu tố con người) sẽ lợi bất cập hại, không những không “cứu” được DN mà còn tự làm khó mình khi nợ xấu không giảm mà còn tăng thêm. Mỗi một lĩnh vực chuyên ngành cần một chủ tịch, giám đốc được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm quản trị trong lĩnh vực đó. Trong khi các ông chủ NH lại không phải lĩnh vực nào cũng có được sự am hiểu cần thiết.

 

Anh Vũ