26/12/2024

Hiểm hoạ nhà máy hạt nhân ở Biển Đông

Giới chuyên gia cảnh báo sẽ có hậu quả khôn lường nếu Trung Quốc xúc tiến kế hoạch triển khai nhà máy điện hạt nhân xuống Biển Đông.

 

Hiểm hoạ nhà máy hạt nhân ở Biển Đông

Giới chuyên gia cảnh báo sẽ có hậu quả khôn lường nếu Trung Quốc xúc tiến kế hoạch triển khai nhà máy điện hạt nhân xuống Biển Đông.




Công trình phi pháp Trung Quốc xây ở các bãi đá chiếm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa /// Reuters/CSIS

 

Công trình phi pháp Trung Quốc xây ở các bãi đá chiếm của Việt Nam tại quần đảo Trường SaREUTERS/CSIS

Ngày 11.10, tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin Viện Công nghệ an toàn năng lượng hạt nhân (INEST) thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đang phát triển nhà máy điện hạt nhân nhỏ nhất thế giới. Nhà máy này có thể được chứa trong một container dài 6,1 m và cao 2,6 m, có thể tạo ra lượng điện đủ cung cấp cho khoảng 50.000 hộ dân. Nó cũng có thể hoạt động trong nhiều năm hoặc thậm chí cả vài thập niên mà không cần tiếp nhiên liệu.
Các nhà khoa học Trung Quốc còn khẳng định nhờ nhà máy hạt nhân mới không thải ra bụi hay khói nên dù có được lắp đặt trên một đảo nhỏ thì người dân địa phương cũng khó mà nhận ra sự tồn tại của nó. Họ cũng cho biết lò phản ứng nhỏ này tương tự lò phản ứng làm mát bằng chì được hải quân Liên Xô dùng trong tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân thời thập niên 1970.
Triển khai xuống Biển Đông trong 5 năm?
Các nhà nghiên cứu INEST cho hay dự án nói trên do quân đội Trung Quốc tài trợ và hy vọng rằng họ sẽ sản xuất được nhà máy điện hạt nhân mini đầu tiên trong vòng 5 năm tới. Sau đó, nhà máy này có thể sẽ được chuyển tới những đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Biển Đông, theo SCMP.
Đây là lần thứ 3 từ đầu năm tới nay xuất hiện thông tin về khả năng Trung Quốc xây nhà máy điện hạt nhân ở Biển Đông. Hồi tháng 4, Hoàn Cầu thời báo loan tin Trung Quốc có thể xây nhà máy điện hạt nhân dùng để hỗ trợ các dự án ở Biển Đông. Khi đó, chuyên gia hải quân Trung Quốc Lý Kiệt nhận định với Hoàn Cầu thời báo rằng những nhà máy hạt nhân trên biển có thể cung cấp điện cho các ngọn hải đăng, cơ sở quốc phòng và cảng ở Biển Đông.
Đến ngày 15.7, vài ngày sau khi Tòa trọng tài quốc tế ở Hà Lan ra phán quyết bác bỏ “đường lưỡi bò”, truyền thông Trung Quốc tiếp tục loan tin Bắc Kinh có thể xây nhà máy điện hạt nhân di động ở Biển Đông. Trong đó, Hoàn Cầu thời báo dẫn báo cáo từ Công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc khẳng định: “Công trình điện hạt nhân trên biển sẽ được sử dụng hỗ trợ việc kiểm soát hiệu quả của Trung Quốc ở Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông – NV)”. Còn báoThe Paper dẫn lời một kỹ sư thuộc Công ty công nghiệp đóng tàu Trung Quốc tiết lộ rằng công ty đang phát triển ít nhất 20 nhà máy điện hạt nhân trên biển.
Cảnh báo thảm hoạ
Dù thông tin về khả năng Trung Quốc xây nhà máy điện hạt nhân ở Biển Đông từng xuất hiện nhiều lần, nhưng có lẽ trong lần thứ 3, giới nghiên cứu Trung Quốc mới đưa ra những cảnh báo về tác động môi trường.
Họ chỉ ra nếu một trong những lò phản ứng được đưa tới Biển Đông gặp sự cố, chất thải phóng xạ sẽ không chỉ gây ảnh hưởng tới những nước gần đó mà còn lan ra thế giới thông qua các dòng chảy ở khu vực.
Trong đó, một nhà nghiên cứu tại Đại học Đại dương Trung Quốc ở tỉnh Sơn Đông cảnh báo tình trạng nhà máy điện hạt nhân thải ra nước nóng, nhiễm xạ vào đại dương có thể làm thay đổi hệ sinh thái của toàn bộ khu vực xung quanh một hòn đảo.
“Nhiều loại cá và sinh vật biển khác sẽ không thể ứng phó với tình trạng thay đổi nhanh chóng của môi trường do hoạt động khử muối quy mô lớn và sự gia tăng nhiệt độ biển xuất phát từ lò phản ứng hạt nhân”, nhà nghiên cứu này nhận định với SCMP nhưng không muốn tiết lộ danh tính. Bà này còn cảnh báo: “Nếu thảm hoạ hạt nhân xảy ra ở Nam Hải, tình trạng này sẽ không gây ảnh hưởng tức thời đối với những người ở đại lục vì khoảng cách rất xa. Nhưng chất thải phóng xạ sẽ đi vào trong cá và những sinh vật biển khác rồi sẽ kết thúc trên bàn ăn của chúng ta. Những dòng nước biển cũng có thể mang chất thải này tới các bờ biển xa”.
Biển Đông nóng tại diễn đàn ở Trung Quốc
Ngày 11.10, Diễn đàn Hương Sơn, được xem là phiên bản Trung Quốc của Đối thoại Shangri La diễn ra ở Singapore, đã khai mạc tại Bắc Kinh, thu hút sự tham dự của khoảng 400 đại biểu đến từ 59 quốc gia, theo báoThe Straits Times.
Vấn đề Biển Đông được cho là sẽ bao trùm các buổi thảo luận của diễn đàn kéo dài 3 ngày này. Thực tế, vấn đề Biển Đông đã nóng ngay trong ngày đầu tiên.
Cụ thể, phát biểu tại buổi khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee cảnh báo những hoạt động bồi đắp và triển khai tài sản quân sự tới khu vực tranh chấp ở Biển Đông đã đẩy căng thẳng leo thang, theo Reuters.
Ông Brownlee tuyên bố New Zealand phản đối những hành động gây tổn hại hòa bình, làm xói mòn niềm tin và muốn thấy tất cả các bên chủ động có những bước đi nhằm làm giảm căng thẳng, theo Reuters.
Ngay sau đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại quốc hội Trung Quốc Phó Doanh chỉ trích lập trường về Biển Đông của ông Brownlee, nói rằng các nước “không liên quan” không nên can thiệp. Cũng tại diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn gián tiếp chỉ trích Mỹ can thiệp vào châu Á khi phát biểu: “Vài quốc gia tìm kiếm ưu thế quân sự, không ngừng tăng cường liên minh quân sự của họ và tìm kiếm an ninh của mình bằng sự đánh đổi an ninh của nước khác”. Ông Thường còn cho biết Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ diễn tập chung trên biển vào năm tới, nhưng không cung cấp chi tiết, theo Reuters.

 

Văn Khoa