Chuyện trị an ở nơi lạnh nhất trái đất
Không cảnh sát, không nhà tù và không toà án, việc xử lý tội phạm ở lục địa băng giá không hề dễ dàng và… không giống ai.
Chuyện trị an ở nơi lạnh nhất trái đất
Không cảnh sát, không nhà tù và không toà án, việc xử lý tội phạm ở lục địa băng giá không hề dễ dàng và… không giống ai.
Nam cực là châu lục lạnh nhất địa cầu với nhiệt độ trung bình -25oC và có thể xuống thấp hơn -100oC vào mùa đông. Dù không có dân cư, nhưng với cộng đồng hàng ngàn nhà khoa học và đội ngũ nhân viên từ nhiều nước “thường trú” dài hạn, đã xảy ra nhiều vụ ẩu đả, thậm chí án mạng tại đây. Đối phó tội phạm ở xứ “3 không” – không cảnh sát, không nhà tù và không tòa án – cũng độc đáo và luôn là vấn đề đau đầu của các quốc gia liên quan.
Việc đưa lực lượng chức năng đến điều tra các vụ án có thể mất nhiều tuần do đường sá xa xôi và thời tiết xấu, chưa kể đến chuyện làm sao để bảo vệ chứng cứ, giữ nguyên hiện trường cũng như sống chung với nghi phạm trong thời gian dài chờ đợi. Tội phạm ở đây cũng mang đặc trưng riêng và đặc biệt chưa ghi nhận vụ trộm cướp tài sản giá trị cao nào. Lý do là chẳng mấy ai mang theo đồ quý giá đến Nam cực trong khi tiền cũng chẳng cần vì không có chỗ tiêu xài.
Theo tờ The New York Times, việc đối phó với các vụ việc bạo lực nghiêm trọng như tấn công bằng hung khí và án mạng là vô cùng phức tạp và phải chờ các nước liên quan đến đưa nghi phạm về xét xử. Còn đối với tội phạm ít nghiêm trọng hơn như ẩu đả hoặc trộm vặt thì tương đối dễ, việc chấp pháp có thể do trạm trưởng trạm nghiên cứu tiến hành và hình phạt thông thường là đuổi việc rồi trục xuất khỏi Nam cực.
Kể từ khi nhà khoa học người Scotland William Bruce xây cơ sở đầu tiên trên quần đảo Nam Orkneys vào năm 1903, đến nay đã có hàng chục trạm nghiên cứu cố định của 30 quốc gia xuất hiện ở Nam cực, bên cạnh hàng chục trạm “dã chiến”. Dân số Nam cực và các quần đảo lân cận luôn thay đổi, đông nhất khoảng 4.000 người vào mùa hè, trong khi mùa đông chỉ khoảng 1.000 người. Trạm McMurdo của Mỹ là trạm lớn nhất với dân số tăng giảm trong khoảng 200 – 1.000 người.
Có 53 quốc gia ký kết Hiệp ước Nam cực quy ước châu lục này không thuộc sở hữu riêng của bất kỳ ai và nhân viên nước nào phạm tội nghiêm trọng sẽ bị xét xử theo pháp luật của nước đó. Vẫn có 7 quốc gia khẳng định chủ quyền đối với một số khu vực thuộc lục địa phi quân sự này, bao gồm Argentina, Úc, Anh, Chile, Pháp, New Zealand và Na Uy. Tuy nhiên, đến nay cũng chưa xảy ra căng thẳng nghiêm trọng nào liên quan đến tranh chấp chủ quyền và các bên vẫn hợp tác chặt chẽ trong công cuộc nghiên cứu Nam cực. Chẳng hạn Mỹ có 3 trạm nghiên cứu nằm trong khu vực New Zealand tuyên bố chủ quyền, theoThe New York Times.
Áp lực, ăn nhậu và chém giết
Nhiều nhà nghiên cứu và nhân viên đã bỏ mạng ở Nam cực do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nhưng cũng không ít người thiệt mạng hay chịu thương tích nặng nề do thù hằn, mâu thuẫn. Cái lạnh khủng khiếp cộng thêm tâm lý buồn chán khi sống xa nhà, suốt ngày chỉ đối diện với băng tuyết và chim cánh cụt khiến nhiều người ở Nam cực tìm đến bia rượu. Ăn nhậu bị xem là tệ nạn chính tại đây và cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến phạm tội.
Hồi năm 2009 đã xảy ra vụ một nhân viên trạm Sejong của Hàn Quốc nằm trên đảo King George hành hung dữ dội bếp trưởng của trạm vì… chê đồ ăn dở. Theo kết quả điều tra, thủ phạm say khướt và dùng một chiếc ghế để tấn công nạn nhân cho đến khi bị những người khác ngăn lại. Người này sau đó bị sa thải và đưa về nước xét xử.
Trước đó, vào năm 1996, một đầu bếp người Mỹ đã dùng búa nhổ đinh tấn công đồng nghiệp tại trạm McMurdo, do mâu thuẫn trong lúc làm việc. Một đầu bếp khác cũng bị thương khi cố can ngăn vụ việc. Hai nạn nhân đã phải may nhiều mũi, còn thủ phạm sau đó bị đưa về Mỹ và lãnh án 4 năm tù.
Áp lực luôn phải sống và làm việc trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt cũng dẫn tới những thay đổi tiêu cực trong tâm lý và góp phần gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng ở Nam cực. Theo tờ Spokesman, hồi cuối năm 1950, một nhân viên trạm Mawson của Úc đã loạn trí và hành hung rất nhiều người xung quanh mà không có lý do cụ thể. Cuối cùng, trạm trưởng phải ra lệnh nhốt người này trong nhà kho chờ qua mùa đông để lực lượng chức năng từ Úc đến giải về nước.
Ngoài ra, từng xảy ra vụ một chuyên gia Liên Xô nổi điên và giết chết một đồng nghiệp chỉ vì tranh cãi trong lúc chơi cờ vua.
Bên cạnh những vụ án rõ ràng, tại Nam cực cũng chứng kiến một số cái chết bí ẩn mà đến nay vẫn chưa có lời giải đáp.
The New York Times tường thuật lại trường hợp nhà vật lý thiên văn người Úc Rodney Marks tử vong đột ngột hồi năm 2000 tại trạm Amundsen-Scott. Trước đó, Marks hoàn toàn khỏe mạnh và không có dấu hiệu bất thường nào. Tuy nhiên, vào ngày 12.5, ông bất ngờ báo với bác sĩ của trạm rằng mình bị khó thở,The New York Times dẫn lời nhà thiên văn Adair Lane kể. Tình trạng của Marks xấu đi nhanh chóng và đột ngột ngưng tim khi đang trò chuyện với những người đến thăm. Thi thể nhà khoa học 32 tuổi được lưu giữ tại trạm trong gần 5 tháng mới có thể đưa đến New Zealand bằng máy bay để khám nghiệm. Cơ quan pháp y kết luận nguyên nhân cái chết là ngộ độc methanol. Cảnh sát New Zeland vào cuộc điều tra nhưng không xác định được Marks vô tình trúng độc hay bị mưu sát.
Không cần giam giữ
Không quốc gia nào nghĩ đến việc xây phòng giam hay nhà tù ở Nam cực vì đơn giản là tội phạm không có chỗ để lẩn trốn. Như trường hợp đầu bếp người Mỹ tấn công đồng nghiệp ở trạm McMurdo, trong lúc chờ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cử đặc vụ đến điều tra, thủ phạm chỉ bị buộc ở trong một căn lều. Thậm chí biện pháp này cũng chỉ mang tính hình thức vì ông ta không dám bỏ trốn nếu không muốn chết cứng giữa băng tuyết vô tận.
Trong bài viết trên tạp chí Tiger mới đây, tiến sĩ Eric Christian thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) kể lại chuyến đi đến Nam cực và tìm hiểu về chuyện giữ gìn trị an tại đây. Christian đã gặp gỡ Bill Coughran, Trưởng trạm nghiên cứu của Quỹ khoa học quốc gia Mỹ ở Nam cực, đồng thời cũng là nhân viên tư pháp đặc biệt phụ trách thực thi pháp luật. Để đảm nhận nhiệm vụ này, ông đã phải trải qua khóa huấn luyện kỹ lưỡng kéo dài nhiều tháng về điều tra tội phạm, thu thập và xử lý chứng cứ, sử dụng vũ khí… Đối với các vụ án mang tính nghiêm trọng, nhiệm vụ chủ yếu của Coughran là bảo vệ hiện trường và chứng cứ cho đến khi lực lượng điều tra đến, thường là nhân viên FBI từ Hawaii. Bên cạnh đó, Coughran cũng phải thường xuyên về Hawaii tham gia các khoá bồi dưỡng, trau dồi kỹ năng để đảm bảo hoàn thành chức trách.
Vị trạm trưởng này kể loại tội phạm nghiêm trọng nhất ông từng gặp phải là hành hung bằng vũ khí sát thương và thường thủ phạm bị đưa đến “lều số 10”. Theo Coughran, ông không lo ngại nguy cơ bỏ trốn nhưng phải kiểm soát gắt gao để đề phòng người bị giam tự sát. Ông nhận định yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm an ninh trật tự ở Nam cực là chăm sóc sức khỏe tinh thần cho các thành viên trong trạm và ngăn ngừa mâu thuẫn cá nhân, đặc biệt là trong những tháng mùa đông khắc nghiệt.
Còn theo tiến sĩ Christian, nhờ những quốc gia có cơ sở tại Nam cực đã tăng cường các biện pháp ngăn ngừa nên tỷ lệ tội phạm nơi đây hiện rất thấp. Ông cho biết thêm hầu hết các trường hợp phạm tội là do bộc phát và thỉnh thoảng giới quản lý các trạm lại phải phát cảnh báo rằng một nhân viên nào đó đang trong tình trạng dễ cáu giận.
Theo chuyên trang WebEcoist, vùng đất khắc nghiệt tận cùng như Nam cực cũng đã trở thành nơi “chôn nhau cắt rốn” của ít nhất 10 người. Trong đó, Emilio Marcos Palma, công dân Argentina, là người đầu tiên trong lịch sử ra đời tại Nam cực vào ngày 7.1.1978. Thật ra, việc này ít nhiều mang màu sắc chính trị. Khi đó, cha của Palma đang làm việc tại trạm Esperanza của Argentina và chính phủ nước này đã đưa mẹ ông đến khi bà đang mang thai ở tháng thứ 7.
Theo WebEcoist, mục tiêu chính là để bà sinh nở tại đây và Argentina sẽ có một sự kiện nổi bật để củng cố tuyên bố chủ quyền tại khu vực chồng lấn với tuyên bố của Anh và Chile. Sau Palma, đã có thêm 7 em bé chào đời tại trạm Esperanza. Trạm Eduardo Frei Montalva của Chile cũng từng đón 1 bé trai và 1 bé gái hồi thập niên 1980.
|
Khánh An