25/12/2024

Phố xe máy cũ ngã tư Phú Nhuận

Những người sành sỏi nói rằng Sài Gòn nhiều nơi bán xe máy cũ, nhưng chưa chỗ nào qua nổi đường Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận).

 

Phố xe máy cũ ngã tư Phú Nhuận

Những người sành sỏi nói rằng Sài Gòn nhiều nơi bán xe máy cũ, nhưng chưa chỗ nào qua nổi đường Phan Đăng Lưu, Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận). 

 

 

 

Phố xe máy cũ ngã tư Phú Nhuận
Tiệm mua xe cũ của anh Nguyễn Hoàng Sang – Ảnh: YẾN TRINH

“Nghề nào cũng có cái hồn của nó, mình cứ làm ăn đàng hoàng là sống được thôi

Anh Tâm

Tồn tại ngót nghét 20 năm nay, hàng chục cửa hàng gắn bảng “Mua bán xe cũ” tạo thành nét đặc trưng của khu vực ngã tư Phú Nhuận này.

Chiều mát, vắng khách, cả chủ lẫn thợ của những tiệm xe cũ bắc ghế ngồi trước vỉa hè tán gẫu gợi không khí buôn bán phường hội.

“Bán xe hả em? Vô đi!” – ông Huỳnh Văn Thân (46 tuổi, chủ cửa hàng xe cũ 72 Phan Đăng Lưu) hồ hởi khi thấy vợ chồng chị Phan Thị Diễm ghé vào định bán chiếc Max II.

Giá nào cũng có

Ngó qua chiếc xe, ông Thân biết ngay chiếc này còn “zin” (chưa bị tháo máy) rồi lát sau đồng ý mua với giá 5 triệu đồng. Luyến tiếc chiếc xe đã theo mình nhiều năm, chị Diễm nói: “Trước đây tôi cũng từng mua một chiếc xe cũ ở tiệm này. Người ít tiền như tụi tôi mua xe ở mấy tiệm như vầy có lý lắm”.

Cạnh đó, một cặp vợ chồng cũng ghé vào hỏi mua chiếc Wave Thái. Ông Thân cho biết xe này dù cũ và mẫu mã lâu đời nhưng bán rất có giá, có chiếc tới 27 triệu đồng, cao gấp 5-6 lần xe Wave khác.

Dạo một vòng phố xe cũ, hầu như tiệm nào cũng bán nhiều loại xe với đủ mức giá. Một số tiệm còn phá cách khi treo bảng “Mua xe cũ giá cao hơn thị trường 5-10%” (dân trong nghề nói cái này… hên xui). Phía ngoài các tiệm bày biện đẹp mắt các dòng xe tay ga đời mới, rồi đến xe số, xen lẫn những chiếc đã quá “dập”.

Ông Nguyễn Tuấn (42 tuổi, chuyên lo tân trang xe ở cửa tiệm 329 Phan Đăng Lưu) nói: “Tại đây có nhiều xe còn ngon, giá bằng 60-70% xe mới, cũng có nhiều chiếc giá chỉ vài triệu đồng. Ăn thua nhu cầu của người mua chứ giá nào tụi tôi cũng có”.

Một số cửa tiệm còn bán xe cà tàng như chiếc Attila đời cũ giá… 650.000 đồng, Dream Trung Quốc 1 triệu đồng, “Su tàng hình” (Suzuki) vài triệu đồng.

Tiệm của anh Lê Thanh Tâm (37 tuổi) gần ngã tư Phú Nhuận mở bảy năm nay. Giữa cái nóng hầm hập của chiều Sài Gòn, anh Tâm cùng với thợ loay hoay ráp cho xong chiếc xe tay ga. Thường thường một chiếc xe trừ công tân trang và tiền mua phụ tùng thay thế, anh lời 1-2 triệu đồng trở lên.

“Ai làm nghề mua bán xe cũ cũng quen việc định giá nên hiếm khi bị hố. Phụ tùng thay thế của những dòng xe này cũng dễ mua, giá không cao, ở đường này cũng có bán hoặc đường Ký Con, Tân Thành…” – anh Tâm nói.

Phố xe máy cũ ngã tư Phú Nhuận
Một đoạn phố buôn bán xe cũ trên đường Hoàng Văn Thụ – Ảnh: H.KHOA

Buôn bán thời khó

Theo những người buôn bán lâu năm ở khu này, phố xe dần hình thành từ những năm 1996-1997 với vài tiệm rải rác trên đường. Quyết định mở tiệm năm 2003, ông Thân nhớ lại: “Thời điểm làm ăn được nhất là những năm 2000 khi dòng xe Trung Quốc ào qua, giá rẻ, nhiều người mua”. Có ngày ông bán được 4-5 chiếc.

Phố xe từ đó cứ dài thêm từ ngã tư Phú Nhuận xuống Q.Bình Thạnh. Còn ông Tuấn nói: “Lúc đó dòng xe nghĩa địa (xe nhập theo đường “trốn” thuế) tràn ngập, chủ tiệm lời nhiều, tụi tôi làm không hết việc. Nhưng chừng 4-5 năm trở lại đây, việc làm ăn không dễ dàng nữa”.

Hỏi lý do, những người này nói thời buổi bây giờ mua xe mới dễ ợt, mức sống người dân cũng cao hơn nên xe cũ không còn là lựa chọn hàng đầu. Lại thêm Sài Gòn giờ đâu chỉ có phố xe cũ ở ngã tư Phú Nhuận, mà những đường như Luỹ Bán Bích, Tân Kỳ Tân Quý, rồi khu vực Q.12… cũng mọc lên nhiều tiệm.

Nhiều người còn mua đi bán lại trên mạng, nhanh chóng tiện lợi. Nhưng theo ông Thân, phố xe cũ này dù trong thời buổi cạnh tranh nhưng vẫn giữ được sự sôi động vì nhu cầu người mua vẫn còn, miễn là biết cách làm ăn.

“Hồi đó tôi mướn 2-3 thợ, xe nào cũng tốn công tân trang gần chết. Nay thợ còn một người, mình coi chiếc nào được thì mua về bán lại liền khỏi tân trang, lời có khi chỉ còn 500.000 đồng/chiếc nhưng khỏe hơn” – ông Thân nói.

Một số chủ tiệm trên đường này cũng “bật mí” khi khách tới mua hoặc bán xe, họ thường khẳng định với khách chỉ có tiệm mình mới có mức giá này. Sau đó khách sẽ tới lui vài tiệm nữa, rồi khả năng quay lại mua hoặc bán ở tiệm đầu tiên là rất cao.

Các chủ tiệm bao giờ cũng nêu giá cao hơn để khách trả dần, đôi khi “làm mặt lạnh” để đánh vào tâm lý đang cần mua bán của khách, đặc biệt dòng xe giá dưới 10 triệu đồng/chiếc bán rất chạy.

Mùa làm ăn được của phố xe, theo các chủ tiệm, là mùa tựu tường và sau Tết Nguyên đán, vì vậy mùng 6 tết là các tiệm đã mở cửa trở lại.

Không “thầu” hết xe tay ga và xe số, ở đây có chừng chục tiệm chỉ bán môtô hoặc xe cổ, xe hiếm. Vừa lau chùi chiếc Rebel, anh Nguyễn Hoàng Sang (28 tuổi) vừa nói: “Tiệm của hai anh em kế thừa của cha mẹ, mở cũng 16 năm rồi, ban đầu cũng đủ loại xe nhưng bán chậm quá nên chuyển qua môtô. Dòng xe này tốn nhiều vốn nhưng lời từ 3 triệu đồng/chiếc”.

Theo anh Sang, việc tân trang môtô mất hơn một tuần với đủ công đoạn sơn sửa, làm máy… Gần đó có 2-3 tiệm bán đa số là xe Cub 81, 87, Wave Thái, Dream II, Citi đỏ…

Theo lời một chủ tiệm, mỗi chiếc Cub bán ra khoảng 10-14 triệu đồng, Dream II có giá hơn. Người mua cũng nhiều thành phần, từ học sinh đến những ông già mê xe. Xe này cả khâu chọn mua, tân trang cũng hứng thú hơn, có khi đi tuốt miền Tây để mua về.

Ngoài những mối mua xe từ người quen giới thiệu, dân mua bán xe ở đây cũng thường mua trực tiếp từ người dân đem đến.

Các chủ tiệm cho biết do lo ngại về nguồn gốc xe nên họ thường chỉ mua xe có giấy tờ, xe chính chủ hoặc ít nhất là có giấy tay.

Một số tiệm chấp nhận mua xe không giấy tờ, thường là xe đã quá “dập”. Khi khách mua xe, chủ tiệm thường chịu phí công chứng giấy tờ là 100.000 đồng, còn phí sang tên đổi chủ khách tự chịu. Phố xe cũ cũng tạo ra những người nhận sang tên giấy tờ xe, tiền công 200.000 đồng/xe.

Buồn vui phố xe

Anh Tâm kể anh đã có sáu năm làm thợ tân trang xe cho một số chủ tiệm trên đường này. “Buổi tối tôi làm thợ tới 12g đêm. Rồi tôi dành dụm, vay mượn để mở tiệm. Khổ cực cay đắng tôi trải qua nhiều rồi, nghề nào cũng có cái hồn của nó, mình cứ làm ăn đàng hoàng là sống được 
thôi” – anh Tâm nói.

Điều thú vị ở con đường xe cũ này là bên cạnh những tiệm đã thành doanh nghiệp tư nhân, trung tâm lớn cũng tồn tại những tiệm bề ngang chỉ 2m, có tiệm bày lèo tèo vài chiếc, có tiệm xập xệ như ở khu ổ chuột.

Dường như cùng chung phố xe cũ nên chúng tồn tại bên cạnh nhau, cạnh tranh có, bực bội có và tạo 
thành tổng thể hài hoà.

Sài Gòn dung chứa nhiều ngành nghề, nhiều thân phận gốc gác khác nhau. Phố xe cũ cũng vậy. Nó tồn tại bên cạnh các phố chuyên buôn bán xe mới như Lý Tự Trọng (Q.1) để nói rằng tiền nào của nấy và chả có cái gì gọi là bỏ đi ở thành phố này, dù đó là một chiếc xe cũ chỉ có giá vài triệu đồng.

Phố xe máy cũ ngã tư Phú Nhuận
Thợ tân trang xe cũ trên đường Hoàng Văn Thụ – Ảnh: HỮU KHOA

Nghề mua bán xe cũ cực nhất là khâu tân trang. Thợ thường tốn ít nhất 1-2 ngày tân trang đối với xe tay ga, còn xe số có khi cả tuần tùy độ cũ mới. “Xe số nhiều phụ tùng nhỏ, tháo và lắp ráp mất thời gian lắm. Chưa kể trước đây có khi chở xe về bằng đường thuỷ, để lâu xe gỉ sét cạo muốn ná thở” – ông Tuấn nói. Gần 20 năm làm thợ lần lượt mấy tiệm ở khu này, ông Tuấn nói cái nghề đã ngấm vào máu, thấy xe như… bác sĩ thấy bệnh nhân.

YẾN TRINH, [email protected]