Trả lời Thanh Niên, đại tá Phạm Văn Phong, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho hay khu vực phao số 0 là nơi làm thủ tục đón trả hoa tiêu cho các tàu trong và ngoài nước xuất nhập cảnh vào 57 bến cảng thuộc Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và đi nước ngoài. Trong những năm gần đây, số lượng tàu ra vào, neo đậu ở vùng biển Vũng Tàu tăng thì tình hình tội phạm tại khu vực trên cũng tăng theo. Từ năm 2015 đến nay xảy ra khoảng 30 vụ đột nhập lên tàu nước ngoài trộm cắp tài sản.
Bình “ma” và băng nhóm chuyên nghiệp
|
|
|
Nhận định của Tổ chức An ninh hàng hải quốc tế không chỉ làm ảnh hưởng đến công tác đối ngoại, uy tín về quản lý, bảo đảm an ninh hàng hải của VN nói chung và tại khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng. Mặc dù tài sản trộm cướp có giá trị vật chất không lớn nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh quốc gia và uy tín của tỉnh
|
|
|
Đại tá Phạm Văn Phong, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
|
|
|
Đại tá Phong kể, vào tháng 5.2016, lực lượng Bộ đội biên phòng đã bắt giữ 7 nghi can trong băng trộm cắp chuyên nghiệp do Nguyễn Thanh Bình (42 tuổi, tức Bình “ma”, ngụ Tiền Giang, tạm trú P.Thắng Nhì, TP.Vũng Tàu) cầm đầu. Đây được coi là băng nhóm “lộng hành” suốt thời gian dài ở khu vực phao số 0, gây kinh hoàng cho nhiều tàu hàng.
Cụ thể, vào ngày 10.5.2016, lực lượng tuần tra kiểm soát của Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa-Vũng Tàu phát hiện ghe cá BV 7142 TS do Bình “ma” làm thuyền trưởng chở theo Phạm Trường Đông (34 tuổi), Nguyễn Ngọc Thanh (28 tuổi), Nguyễn Ngọc Tâm (46 tuổi) ở khu vực Sao Mai (TP.Vũng Tàu) có nhiều dấu hiệu đáng ngờ, nên kiểm tra hành chính. Qua đấu tranh, Bình “ma” cùng đàn em khai nhận vừa thực hiện vụ trộm sơn trên tàu HAYDN (quốc tịch Bồ Đào Nha).
Theo đó, do biết tàu HAYDN đang neo đậu tại phao số 0 nên ngày 9.5, Bình “ma” gọi Đông, Thanh, Tâm cùng với Nguyễn Văn Đức (53 tuổi, tức Chín “chùa”), Nguyễn Ngọc Linh (45 tuổi) và Huỳnh Văn Sang (43 tuổi, tức Hiếu “đen”, cùng ngụ TP.Vũng Tàu) mang theo lưới ra vùng biển phao số 0 giả vờ đánh bắt hải sản, chờ thời cơ lên tàu trộm tài sản. Tại đây, Đông, Sang, Linh và Thành quăng dây có móc sắt lên lan can tàu để leo lên lấy xà beng nạy hầm chứa sơn lấy trộm. Những người trên tàu đưa sơn xuống biển cho Bình và đồng phạm chất lên ghe. Khi nhóm của Bình lấy được 21 thùng sơn (loại 20 lít/thùng) hiệu HEMPEL thì thủy thủ tàu HAYDN phát hiện tri hô. Bình cùng đàn em nhanh chóng nhảy xuống biển lên ghe tẩu thoát. Số sơn này được chở đến bán cho chủ một vựa ve chai tại P.5 (TP.Vũng Tàu) với giá 15 triệu đồng.
“Tuy nhiên, ngày 20.7, Công an tỉnh cho băng nhóm của Bình tại ngoại thì 9 ngày sau, tại vùng biển Vũng Tàu, tàu Pacific Jasmine đang neo đậu đã bị một số đối tượng đột nhập lấy 25 thùng sơn. Tiếp đó, ngày 7.8, tàu Atlantica đang neo đậu ở vùng biển này cũng bị một số đối tượng đột nhập trộm 3 thùng sơn. Hai vụ trộm này đều có liên quan đến băng nhóm của Bình”, đại tá Phong nói. Chưa hết, mới đây, khoảng 2 giờ 20 ngày 27.9, tàu Apollo Rikuyo neo đậu tại khu vực ngoài phao số 0 cũng bị trộm đột nhập lên tàu lấy 25 thùng sơn.
|
Băng nhóm Bình “ma” hoành hành ở vùng biển Vũng Tàu một thời gian dàiẢNH: NGUYỄN LONG
|
Tăng cường tuần tra, kiểm soát
Tình trạng mất cắp hàng hoá trên tàu nước ngoài khi đang neo đậu ở vùng biển Vũng Tàu đã khiến Tổ chức An ninh hàng hải quốc tế (đặt tại Malaysia) đánh giá nơi đây là “điểm đen” của quốc tế. Trả lời Thanh Niên, đại tá Phạm Văn Phong thừa nhận: “Nhận định của Tổ chức An ninh hàng hải quốc tế không chỉ làm ảnh hưởng đến công tác đối ngoại, uy tín về quản lý, bảo đảm an ninh hàng hải của VN nói chung và tại khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng. Mặc dù tài sản trộm cướp có giá trị vật chất không lớn nhưng ảnh hưởng rất nhiều đến hình ảnh quốc gia và uy tín của tỉnh”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: “UBND tỉnh sẽ có công văn hoả tốc đề nghị Bộ đội biên phòng tỉnh và lực lượng Cảnh sát biển tăng cường kiểm soát, tuần tra, không để xảy ra các vụ việc gây mất an ninh trật tự hàng hải”.
Lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lấy lời khai của Bình “ma”
Trước thực trạng trộm cắp tung hoành trở lại sau khi băng nhóm Bình “ma” được tại ngoại, UBND tỉnh đã ra văn bản chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với Viện KSND và TAND khẩn trương điều tra làm rõ vụ án để nhanh chóng đưa ra xét xử, xem đây là vụ án điểm để răn đe, giáo dục và tuyên truyền đối với các đối tượng khác.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống trộm cướp trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu thì băng nhóm của Bình “ma” là những đối tượng cộm cán, chuyên nghiệp, có kinh nghiệm đối phó với cơ quan chức năng. Bình “ma” thường xuyên hoạt động trộm cắp hàng hoá trên tàu nước ngoài bị Bộ đội biên phòng bắt giữ và xử lý hành chính nhiều lần nhưng vẫn tái phạm, hoạt động với nhiều thủ đoạn mới.
Tuy nhiên sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng hành vi trộm cắp của Bình “ma” và đồng bọn ít nghiêm trọng nên cho tại ngoại. Hồ sơ vụ án sau đó được chuyển cho Viện KSND TP.Vũng Tàu truy tố theo thẩm quyền.
Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, trong năm 2015 xảy ra 23 vụ trộm cắp trên tàu nước ngoài đang neo đậu tại khu vực phao số 0, thiệt hại 137 thùng sơn, 3.700 lít sơn, 30 lít dầu, 2 cuộn cáp gắn cần cầu cùng với một số vật dụng khác. Riêng trong năm 2016, xảy ra 6 vụ trộm cắp ở khu vực này, gây thiệt hại 56 thùng sơn cùng một số vật dụng khác.
|