Nobel và tầm cỡ của một quốc gia
Thêm một giải Nobel cho Nhật Bản ở “mùa Nobel 2016” và là một giải Nobel về y học, nâng tổng số giải Nobel mà đất nước châu Á này đang làm chủ lên đến con số 25!
Nobel và tầm cỡ của một quốc gia
Thêm một giải Nobel cho Nhật Bản ở “mùa Nobel 2016” và là một giải Nobel về y học, nâng tổng số giải Nobel mà đất nước châu Á này đang làm chủ lên đến con số 25!
Nhà khoa học Nhật Bản Yoshinori Ohsumi – chủ nhân giải Nobel y học 2016 – Ảnh: REUTERS |
Làm thế nào mà một quốc gia đất hẹp người đông, thiên nhiên đã không ưu đãi lại còn “hành” bằng nạn động đất triền miên vào hàng bậc nhất thế giới có thể trở thành một siêu cường tri thức như thế?
Nhất là khi trong số 25 giải Nobel đó có đến 11 giải vật lý, 7 giải hóa học, 4 y sinh học, 2 văn học và 1 cho nỗ lực hoà bình. Đáng kể là riêng từ đầu thế kỷ 21 này, số giải Nobel trong lĩnh vực khoa học tự nhiên của Nhật chỉ ít hơn của… Mỹ mà thôi!
Tất nhiên sâu xa mà nói, đó là kết quả của sự mở cửa, chấm dứt thế “bế quan toả cảng” của thời Minh Trị để cách tân xã hội và du nhập khoa học kỹ thuật.
Một chính sách được tiếp nối bởi các chính phủ liên tiếp qua những xu hướng khác nhau.
Kết quả “sờ” thấy được của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật ở Nhật là cặp tàu sân bay đầu tiên Hosho và Kaga cùng hạ thủy năm 1921.
Nếu chiếc thứ nhất chỉ chở được 15 máy bay thì chiếc thứ hai thật sự là một cỗ máy chiến đấu, có thể chở tới 90 máy bay.
Tàu sân bay là “lá bài tẩy” của hải quân Thiên hoàng trong việc thực hiện kế hoạch xâm chiếm Đông Á, dưới chiêu bài người châu Á cùng chia sẻ phồn vinh mang tên Đại Đông Á.
Ngay từ những năm 1930, tàu sân bay Nhật đã bắn phá, chiếm Thượng Hải, trước khi vươn đến tận Trân Châu cảng đánh phủ đầu hải quân Mỹ vào tháng 12-1941…
Đầu hàng khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật quay qua xu hướng phát triển hiền hoà, tập trung mọi nỗ lực cho tái thiết và sớm trở thành siêu cường kinh tế, khoa học, kỹ thuật.
Ngay từ năm 1949, người Nhật đã giành giải Nobel vật lý (hạt nhân)!
25 giải Nobel chỉ trong vòng 67 năm, tức mỗi 2 năm 7 tháng lại thêm một giải, quả là một dấu ấn chói lọi của một lực lượng nguyên khí quốc gia vào hàng thượng thừa! Nhờ những gì?
Thiết tưởng không cần khen phò mã tốt áo, nếu có khen là khen chí bền đỗ của một dân tộc đã đứng lên được từ tro tàn và nỗi nhục chiếm đóng, không “tại, bị, bởi…”!
Có một câu hỏi đặt ra: chừng đó giải Nobel có đem lại lợi lộc gì cho dân Nhật?
Có lẽ tuổi thọ kỳ vọng người Nhật hiện đang xếp hạng 3 thế giới (85 tuổi) là một thí dụ cho tác động tổng hợp của tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng chính sách kinh tế – xã hội.
Để tiện so sánh: Mỹ hạng 42 (79,8 tuổi), Trung Quốc hạng 101 (75,5 tuổi) (nguồn: The world fact book).
Cũng thế, 2 giải Nobel văn học của Nhật đã được chào đón cả bởi người dân lẫn Chính phủ Nhật phản ánh một sự hài hoà xã hội, chứ không bị “nguyền rủa” như ở nơi khác!
Đẳng cấp của một quốc gia có thể là như thế.