Công cụ bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông
Nếu các tàu nạo vét cỡ lớn mở đường cho Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp các đảo nhân tạo trên Biển Đông, thì hạm đội tàu vận tải – đổ bộ của nước này là liên kết giữa đất liền và các tiền đồn đó.
Công cụ bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông
Nếu các tàu nạo vét cỡ lớn mở đường cho Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp các đảo nhân tạo trên Biển Đông, thì hạm đội tàu vận tải – đổ bộ của nước này là liên kết giữa đất liền và các tiền đồn đó.
Các tàu nạo vét của Trung Quốc hoạt động tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Nhìn từ trên cao, chúng như đám quái vật với cái vòi dài liên tục hút và bơm cát – Ảnh: AFP |
Sự kết hợp này đang tạo ra tình huống nguy hiểm về an ninh chủ quyền cho các quốc gia trong vùng.
Hối hả thay đổi hiện trạng biển
Tháng 9-2014, chuyên trang về hàng hải IHS Maritimetuyên bố Trung Quốc đã đưa tàu nạo vét tự hành mang tên Tian Jing Hao xuống quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Thông qua theo dõi định vị toàn cầu, IHS Maritime khẳng định con tàu đã tiến hành cải tạo bất hợp pháp tại ít nhất năm địa điểm ở Trường Sa.
Với chiều dài 127m, lượng choán nước hơn 6.000 tấn và khả năng khoan cắt ở độ sâu 30m, Tian Jing Hao được xem là tàu nạo vét lớn thứ ba thế giới và lớn nhất tại châu Á.
Cùng năm đó, Bắc Kinh tiếp tục đưa thêm nhiều tàu nạo vét cỡ lớn khác xuống Biển Đông hoạt động trái phép cả ngày lẫn đêm.
Nhiều tàu trong số này vẫn đang tiếp tục hiện diện tại đá Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Sự xuất hiện của những con tàu nạo vét khổng lồ tại một số thực thể ở Trường Sa đã đẩy tốc độ cải tạo và bồi lấp đảo bất hợp pháp của Trung Quốc lên mức đáng kinh ngạc.
Giáo sư Andrew S. Erickson, thuộc Đại học Hải chiến Mỹ, trong một bài viết trên trang National Interest cho biết chỉ trong vòng 18 tháng kể từ cuối năm 2014, Bắc Kinh đã cải tạo bất hợp pháp gần 13 triệu m2 đất tại các thực thể ở Trường Sa.
Thực tế, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất tiến hành cải tạo và bồi lấp trên Biển Đông. Trong vòng 30 năm, Malaysia đã cải tạo một diện tích khoảng 121.000m2, Đài Loan cũng cải tạo được khoảng 20.000m2 trong hai năm.
Thế nhưng nếu so với con số 13 triệu m2 và thời gian thực hiện của Trung Quốc, đó là một khoảng cách rất xa. Điều này cũng nói lên phần nào năng lực của hạm đội tàu nạo vét Trung Quốc đang sở hữu.
Chỉ trong vòng một thập kỷ, Trung Quốc đã tạo ra một hạm đội tàu có thể thay đổi cả tính chất địa lý để phục vụ cho các mục tiêu chiến lược và yêu sách vô lý của họ trên Biển Đông.
Tàu vận tải – đổ bộ: công cụ “dao nhọn”
Trung Quốc không giấu giếm khả năng quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa thành những tiền đồn ngoài khơi hòng đẩy giới hạn phòng thủ ra khỏi đất liền càng xa càng tốt.
Đây sẽ là những trạm kiểm soát, trung tâm hậu cần và căn cứ triển khai sức mạnh quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thế nhưng chính việc nằm quá xa Trung Quốc đại lục lại trở thành khuyết điểm chết người của những cơ sở này.
Trong trường hợp nổ ra chiến tranh trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một nước khác, những tiền đồn kiểu này sẽ là nơi đầu tiên bị tấn công và phong toả.
Chúng sẽ bị cô lập và rơi vào sự kiểm soát của đối phương. Nhận thức được nguy cơ đó, Trung Quốc đang từng bước nâng cao hạm đội tàu vận tải – đổ bộ của hải quân.
Trong thời bình, những tàu này có thể đóng vai trò là tàu tiếp tế nhu yếu phẩm cho các tiền đồn ngoài khơi xa. Nhưng khi chiến tranh nổ ra, chúng sẽ là lực lượng tiên phong trong các cuộc đổ bộ chiếm lại đảo.
Trong nhiều thập kỷ, lực lượng tàu đổ bộ của Trung Quốc đã từng làm trò cười cho các chuyên gia quân sự phương Tây. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ năm 2007 khi Trung Quốc công bố tàu đổ bộ lớp Type 071.
Sau hàng chục năm trung thành với các tàu đổ bộ kiểu “há mồm” – ý tưởng có từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, sự ra đời của lớp Type 071 được xem là bước ngoặt và sự nghiêm túc của Trung Quốc trong tiến trình hiện đại hoá lực lượng tàu đổ bộ.
Với lượng choán nước đầy tải 25.000 tấn, Type 071 có khả năng mang theo tối đa 800 binh sĩ đầy đủ trang bị và sáu trực thăng, hoặc 15-20 xe bọc thép lội nước.
Cửa đổ bộ được đưa về đuôi tàu và có khả năng làm ngập một phần trong khoang cho phép Type 071 có thể mang theo bốn tàu đổ bộ đệm khí cỡ nhỏ lớp Type 726.
Với tầm hoạt động lên tới 19.000km và dự trữ hành trình dài ngày, các tàu này cũng thường xuyên được triển khai xuống quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong các cuộc tập trận và tuần tra bất hợp pháp của Trung Quốc.
Cũng cần phải kể đến các tàu đổ bộ cỡ vừa và nhỏ khác trong hải quân Trung Quốc như Type 072A (4.800 tấn), Type 072II/III (4.170 tấn), Type 074 (800 tấn)…
Phần lớn các tàu có tải trọng lớn được biên chế cho Hạm đội Nam Hải và được sử dụng để tiếp tế cho các lực lượng Trung Quốc tại Trường Sa.
Trong giai đoạn hiện tại, lực lượng tàu đổ bộ Trung Quốc đang có ưu thế về số lượng so với các nước trong khu vực và vẫn là công cụ đắc lực phục vụ cho yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thế nhưng, cho dù có nỗ lực cải tạo và xây dựng các đảo nhân tạo cũng như biến chúng thành các tiền đồn quân sự vững chắc, Bắc Kinh không bao giờ đứng vững với các lập luận chủ quyền vô lý do chính họ đưa ra.
Phán quyết của Toà trọng tài quốc tế trong vụ kiện Biển Đông một lần nữa đã bác bỏ chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực và tái khẳng định bản chất của các thực thể tại Trường Sa.
Ngang nhiên đưa tàu đổ bộ vào Biển Đông Lần gần đây nhất Type 071 xuất hiện tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vào tháng 6 năm nay trong một cuộc tập trận bắn đạn thật. Trước đó, một tàu thuộc lớp này cũng đã ngang nhiên đưa văn công hải quân Trung Quốc đến đá Chữ Thập thuộc Trường Sa để khích lệ tinh thần các binh sĩ và công binh đang tham gia xây dựng đảo nhân tạo trái phép. Năm 2014, trong sự kiện Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hai tàu Type 071 của Hạm đội Nam Hải đã xuất hiện “kè kè” bên giàn khoan trái phép này. |