23/01/2025

Xây thương hiệu gạo Việt trên giống ngoại

Bộ NN-PTNT đang chọn giống, tổ chức thi thiết kế logo… để làm thương hiệu cho hạt gạo VN. Thế nhưng, cách mà bộ này đang làm được nhiều người nhận xét là ‘hết sức kỳ lạ’.

 

Xây thương hiệu gạo Việt trên giống ngoại

Bộ NN-PTNT đang chọn giống, tổ chức thi thiết kế logo… để làm thương hiệu cho hạt gạo VN. Thế nhưng, cách mà bộ này đang làm được nhiều người nhận xét là ‘hết sức kỳ lạ’.




Xây dựng thương hiệu gạo VN có sự 'nhầm lẫn' về giống gạo /// Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Xây dựng thương hiệu gạo VN có sự ‘nhầm lẫn’ về giống gạoẢNH: DIỆP ĐỨC MINH

Trong tháng 9, tại TP.Cần Thơ diễn ra hai cuộc hội thảo do Bộ NN-PTNT, mà cụ thể là Cục Chế biến nông – lâm – thuỷ sản và ngành muối, chủ trì liên quan đến việc xây dựng thương hiệu lúa gạo VN. Cuộc hội thảo đầu diễn ra ngày 8.9 với nội dung góp ý các dự thảo tiêu chuẩn quốc gia lĩnh vực lúa gạo và ngày cuối cùng của tháng 9 là hội thảo góp ý dự thảo thể lệ, quy chế cuộc thi sáng tác logo thương hiệu quốc gia gạo VN.
“Áp” đặc điểm Trung Quốc cho gạo VN
Theo dự thảo tiêu chuẩn gạo quốc gia, đối với gạo thơm có 3 giống lúa là Jasmine 85, Nàng Hoa 9 và ST21 được chọn làm tiêu chuẩn. 

 
 
Xây thương hiệu gạo Việt trên giống ngoại - ảnh 1
Trong vấn đề này, chúng ta hãy nhìn Campuchia mà học hỏi. Họ bình tuyển các giống đặc sản, chất lượng cao của họ rồi chọn ra giống ngon nhất để nhân giống, đưa cho doanh nghiệp sản xuất… Bây giờ Campuchia tuy xuất khẩu về lượng không nhiều nhưng gạo của họ đã có thương hiệu trên thị trường thế giới
Xây thương hiệu gạo Việt trên giống ngoại - ảnh 2
 
GS-TS Võ Tòng Xuân
 


Ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông – lâm – thủy sản và ngành muối, cho biết 3 giống lúa này được chọn vì trong thời gian qua sản lượng xuất khẩu lớn. Về logo cho gạo VN, Bộ NN-PTNT phát động cuộc thi sáng tác, thời gian dự kiến bắt đầu từ tháng 11 – 12.2016 (tính theo dấu bưu điện nơi đến) và kết quả được công bố vào tháng 2.2017. Logo được chọn sẽ sử dụng làm nhãn hiệu để đăng ký bảo hộ chứng nhận đối với gạo quốc gia VN.
Giống ST21 được đưa vào danh sách để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia nhưng “cha đẻ” của nó, ông Hồ Quang Cua (nguyên Phó giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng) lại hoàn toàn không hài lòng với “vinh dự” lớn này. “Giống ST21 không hề có những đặc điểm giống như mô tả trong dự thảo nói trên. Những đặc điểm được mô tả về ST21 trong dự thảo là của giống lúa RVT, có xuất xứ từ Trung Quốc”, ông Cua khẳng định. Đáng chú ý hơn, giống ST21 chưa được công nhận nên chưa được phép trồng đại trà thì lấy đâu ra gạo ST21 xuất khẩu. Giải thích bất thường này với báo chí và các đại biểu tại hội thảo, ông Đô nói: “Chuyện này do… nhầm lẫn”.
Còn với giống Jasmine, được trồng phổ biến tại VN nhưng lại có nguồn gốc từ Mỹ, GS-TS Võ Tòng Xuân nêu vấn đề: “Việc lấy một giống lúa của nước ngoài để xây dựng thương hiệu cho hạt gạo VN rõ ràng là không thể chấp nhận được”. Theo ông, Jasmine dù được trồng phổ biến ở VN nhiều năm qua nhưng khi gieo trồng trên thực tế gặp rất nhiều vấn đề, chất lượng gạo cũng không đạt độ đồng đều cao, không phù hợp để mang ra làm tiêu chuẩn gạo. “Giống Jasmine là của Mỹ, đã được cả thế giới biết rồi. Làm sao có thể xây dựng thương hiệu gạo của mình trên giống đó được?”, GS Xuân nói.
Xây nhà từ nóc
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, nhận định gạo VN có thừa yếu tố độc đáo để gây ấn tượng với người tiêu dùng. Tuy nhiên, nó chỉ được xuất hiện với một cái tên “gạo trắng hạt dài”, không rõ xuất xứ và được đóng “mác” của những doanh nghiệp (DN) lương thực trung gian thuộc các quốc gia khác.
Đồng tình với quan điểm trên, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng VN phải xây dựng thương hiệu gạo VN bằng chính sản phẩm của mình chứ không thể của ai khác. “Trong vấn đề này, chúng ta hãy nhìn Campuchia mà học hỏi. Họ bình tuyển các giống đặc sản, chất lượng cao của họ rồi chọn ra giống ngon nhất để nhân giống, đưa cho DN sản xuất. Sản phẩm làm ra đưa đi dự thi đoạt giải quốc tế ngay tại Thái Lan. Bây giờ Campuchia tuy xuất khẩu về lượng không nhiều nhưng gạo của họ đã có thương hiệu trên thị trường thế giới”, GS-TS Xuân dẫn chứng.
Theo ông Xuân, việc làm thương hiệu cho hạt gạo VN phải phân ra 3 nhóm: gạo cao cấp, gạo thường và nếp. Ở mỗi nhóm phải bình tuyển ra vài ba giống tốt đưa vào sản xuất xem ưu nhược điểm của từng giống. Sau đó còn phải mời các chuyên gia về ẩm thực thẩm định chất lượng gạo đã nấu thành cơm của từng giống. Sau một chuỗi quy trình nghiêm túc và bài bản như vậy mới có thể chọn được giống lúa làm đại diện thương hiệu gạo VN. Khi đã chọn được giống tốt rồi lúc đó mới thương mại hoá, đưa cho các DN giao cho bà con nông dân sản xuất và phải tuân theo các quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng. Làm như vậy thì ít ra mới có thể xây dựng được thương hiệu cho hạt gạo VN. “Cách mà Bộ NN-PTNT đang làm chỉ phí tiền thôi, vì trước sau gì cũng không thành công”, GS-TS Xuân nhận định.
Tương tự, một chuyên gia marketing nhận xét việc ngành nông nghiệp đang làm, nếu miễn cưỡng cũng chỉ có thể gọi là gắn nhãn hiệu cho sản phẩm chứ khó có thể gọi là xây dựng thương hiệu. “Thương hiệu phải được xây dựng trên một nền tảng sản phẩm chất lượng cao sẵn có. Từ sản phẩm chất lượng cao đó người ta mới xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng cho nó nhằm loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng. Còn cách mà Bộ NN-PTNT đang làm là “nghĩ” hay vay mượn ở đâu đó về các tiêu chuẩn chất lượng gạo, không phù hợp với thực tế của sản phẩm. Chính vì vậy mới có chuyện lạ đời là giống lúa được đưa vào xây dựng tiêu chuẩn quốc gia mà người làm ra nó lại phản ứng. Chưa có gì hết mà nói làm thương hiệu thì chẳng khác nào xây nhà từ nóc”, vị này nói.
Trong khi đó, theo GS Bửu, nhà nước không nên xắn tay vào làm từng việc cụ thể, sẽ khó đạt hiệu quả. “Hiện nay một số DN tư nhân làm khá tốt việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo của mình từ giống đến chất lượng, vùng nguyên liệu… Vì vậy, nhà nước nên tạo thêm nhiều cơ hội về chính sách, vốn để họ phát triển”, ông Bửu đề xuất.
Ngày 21.5.2015, Thủ tướng ban hành Quyết định 706, phê duyệt đề nghị của Bộ NN-PTNT gộp 5 dự án trọng điểm thực hiện Đề án phát triển thương hiệu gạo VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án gồm 5 hợp phần là: Xây dựng và quản lý thương hiệu gạo quốc gia; Phát triển thương hiệu gạo quốc gia đối với một số sản phẩm gạo chủ lực của vùng ĐBSCL; Bảo hộ thương hiệu gạo VN và hỗ trợ các DN đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo trên thị trường quốc tế; Quảng bá thương hiệu gạo VN đến người sản xuất, DN và người tiêu dùng; Xúc tiến xuất khẩu và phát triển thị trường cho DN và sản phẩm mang thương hiệu gạo VN.

 

Chí Nhân