23/12/2024

Khi cuốn sổ của tổ lao công thành bài học trên giảng đường

Một cuốn sổ đặc biệt của tổ lao công Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội đã được chuyển lên cho cô hiệu trưởng với nhiều nội dung khá lạ.

 KHI CÁC TRƯỜNG SÁNG TẠO:

Khi cuốn sổ của tổ lao công thành bài học trên giảng đường

Một cuốn sổ đặc biệt của tổ lao công Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội đã được chuyển lên cho cô hiệu trưởng với nhiều nội dung khá lạ.

 

 

 

Khi cuốn sổ của tổ lao công thành bài học trên giảng đường
Chị Nguyễn Thị Hồng – tổ trưởng tổ lao công Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội – cầm cuốn sổ ghi chép những món đồ nhặt được của học sinh và hai chiếc điện thoại học sinh để quên sáng 4-10 – Ảnh: VĨNH HÀ

Đó là cuốn sổ ghi chép chi tiết về những đồ vật học sinh để quên trong lớp, đánh rơi ngoài sân trường, trong đó có cả điện thoại đắt tiền.

“Các chị là 
những nhà giáo dục”

“Lương của nhân viên làm lao công trong trường tôi người cao nhất là 2,7 triệu đồng/tháng, người thấp thì 2,4 triệu đồng/tháng.

Trong khi có những chiếc điện thoại IP 6S các chị nhặt được bán rẻ còn được nhiều hơn cả tiền lương tháng.

Nhưng các chị đã chọn cách giữ lại, ghi chép cẩn thận vào sổ và chuyển đồ vật cùng cuốn sổ cho ban giám hiệu nhà trường. Đó là việc làm khiến tôi cảm động và ngay sau đó, tôi muốn từ cuốn sổ ấy phải có một bài học giáo dục” – cô Thu Anh, hiệu trưởng Trường Nguyễn Tất Thành, chia sẻ.

Gặp chúng tôi giữa ca làm việc, trên tay chị Nguyễn Thị Hồng, tổ trưởng tổ lao công của Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, là 2 chiếc điện thoại học sinh bỏ quên trong phòng học hôm trước.

Chị cho biết: “Bọn trẻ hay quên lắm, cứ 1-2 hôm lại thấy có đồ để quên thế này. Hôm trước tổ chúng tôi còn tìm thấy cả máy tính bảng. Như thành quen, mỗi khi chúng tôi cầm sổ đi tới lớp nào đó, nhiều cháu lại reo lên vì sắp có bạn nhận được đồ bị mất. Chúng tôi đề nghị các cháu phải viết và ký vào sổ trước khi nhận lại đồ, nhắc nhở các cháu cẩn thận…”.

Cứ thế, những đồ vật tưởng chừng “một đi không trở lại” bỗng chốc tìm được về với chủ. Không chỉ học sinh mà nhiều phụ huynh đã điện thoại đến trường cảm ơn.

“Chúng tôi chỉ làm công việc giản đơn trong trường, nhưng từ những việc làm nhỏ nhặt ấy chúng tôi nhận được nhiều tình cảm, sự quý mến của mọi người, của bọn trẻ. Điều đó khiến tôi thấy không có tài sản nào có thể đổi được” – chị Hồng tâm sự.

“…Đó là những cách giáo dục không cần đến bảng đen, phấn trắng, không cần những lời rao giảng khuôn cứng

Một giáo viên chủ nhiệm ở Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội

Ở các lớp học, câu chuyện của tổ lao công đều được cô giáo chủ nhiệm kể lại cho học sinh trong giờ sinh hoạt, giờ dạy giáo dục công dân.

Các tình huống thực tế đã được các cô giáo đặt ra để học sinh thảo luận thẳng thắn, thậm chí có cả ý kiến trái chiều.

“Tôi đã đặt ra cho học sinh những tình huống cụ thể khác nhau, các em “đóng vai” nhân vật trong tình huống đó để xử lý. Và chính các em là những người quan sát, nhận xét, đưa ra hướng điều chỉnh hành vi của mình” – một giáo viên chủ nhiệm lớp 6 cho biết.

“Chỉ trong vài tháng sau cuốn sổ của tổ lao công, tôi nhận được nhiều lời nhắn trên giấy của học sinh kèm theo hiện vật thông báo về những đồ vật các em nhặt được.

Các em nhờ ban giám hiệu nhà trường thông báo để chủ nhân đồ vật thất lạc tìm được món đồ của mình. Tôi rất vui vì việc nhỏ nhưng có hiệu ứng lớn. Tôi nói đùa với các chị trong tổ lao công rằng các chị chính là những nhà giáo dục” – cô Thu Anh chia sẻ.

Cũng là chuyện từ tổ lao công, ban giám hiệu nhà trường đã đưa ra quy định: nhân viên phụ trách vệ sinh chỉ quét dọn ở hành lang và khuôn viên nhà trường. Còn trong các phòng học phải để học sinh thay phiên nhau trực nhật.

Thay vào việc quét dọn phục vụ học sinh thì nhân viên lao công chỉ có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh cách quét nhà, kê dọn bàn ghế.

“Các em học sinh làm không thể sạch sẽ bằng nhân viên lao công chuyên nghiệp, nhưng chúng tôi kiên quyết yêu cầu học sinh phải tự quản lý, giữ vệ sinh phòng học.

Chỉ cuối tuần, khi học sinh đã tan học thì nhân viên vệ sinh mới vào các lớp tổng vệ sinh một lần” – một cán bộ của Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành cho biết.

Bất cứ việc nhỏ nào 
cũng là một bài học

Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành là trường đầu tiên thí điểm thực hiện xây dựng chương trình giáo dục mở, theo chương trình của Bộ GD-ĐT, để nhân rộng ra cả nước.

Chương trình giáo dục này không chỉ do các thầy cô giáo thiết kế từ trước mà ngay trong quá trình giáo dục, bất cứ điều đặc biệt nào cũng có thể được linh hoạt biến thành bài học cho học sinh.

Điển hình như từ một kế hoạch quyên góp từ thiện của nhà trường cho học sinh vùng cao phía Bắc đã được nhiều giáo viên chủ nhiệm cùng phụ huynh thiết kế thành những “bài học cuộc sống” khác nhau.

Tại một lớp 6, phiên chợ Giving Day được học sinh hưởng ứng rất hào hứng. Các em mang đồ dùng cũ đến lớp, trong đó có cả những đồ vật các em còn đang dùng nhưng muốn chia sẻ với các bạn khó khăn.

Phiên chợ diễn ra trong buổi sinh hoạt lớp. Hầu hết học sinh đều được bố mẹ cho 30.000 – 50.000 đồng mua đồ ủng hộ quỹ từ thiện.

Nhưng các em đã có một trải nghiệm mua bán thú vị. “Ủng hộ cho các bạn nghèo được hơn 100.000 đồng từ tiền bán hàng, em rất vui” – một học sinh chia sẻ.

Ở một lớp khác, sáng kiến mỗi học sinh gửi 20 túi nilông đến nhà người thân quen nhờ thu gom giấy vụn trong một tuần đã được hưởng ứng nhiệt tình.

Sau một tuần, những chiếc túi nilông chứa đầy giấy vụn được tập hợp trở lại. Số giấy vụn được bán, lấy tiền ủng hộ các bạn học sinh vùng cao.

“Chỉ cần vận động thì phụ huynh có thể bỏ vài trăm ngàn hay vài triệu đồng, thậm chí nhiều hơn để ủng hộ. Nhưng chúng tôi muốn biến cuộc vận động từ thiện thành những hoạt động có tính giáo dục đối với học sinh.

Các em có những trải nghiệm về việc lao động, tiết kiệm để có tiền ủng hộ, biết cách thuyết phục bạn bè, người thân cùng giúp mình thực hiện mục đích. Đó là những cách giáo dục không cần đến bảng đen, phấn trắng, không cần những lời rao giảng khuôn cứng” – một giáo viên chủ nhiệm ở Trường Nguyễn Tất Thành bày tỏ.

Cho học sinh làm chủ ngôi trường của mình

“Có một điều đặc biệt là rất nhiều hoạt động của trường chúng tôi đều do học sinh viết kịch bản, chuẩn bị và tự điều hành từ A đến Z.

Ví dụ như các ngày hội đón học sinh mới, giúp các em làm quen, trải nghiệm với hoạt động của các câu lạc bộ trong trường. Thông qua những hoạt động ấy, học sinh đã làm chủ ngôi trường của mình. Đó cũng là điều chúng tôi muốn dạy các em” – cô Thu Anh, hiệu trưởng Trường Nguyễn Tất Thành, cho biết.

Tại Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, những “bài học cuộc sống” cũng thường xuyên được tận dụng để mang đến trải nghiệm có ích cho học sinh, trao cho các em quyền chủ động trong môi trường của mình.

“Thay vào việc giảng về đặc điểm của các loài cây trong giờ sinh học, chúng tôi tổ chức cho học sinh sưu tầm, trưng bày cây xanh và thuyết minh về loài cây các em mang đến lớp.

Hay trong cuộc thi thơ của học sinh, một bài thơ làm về cha dượng của một em học sinh đã gây xúc động cho nhiều người.

Chúng tôi quyết định tổ chức một chương trình bất ngờ, tựa như “Điều ước thứ bảy” để người cha được nghe chính con mình đọc thơ, nói lên tình cảm thầm kín bấy lâu trong sự chứng kiến của nhiều học sinh.

Đó cũng là cách để nhân lên cảm xúc lành mạnh ở mỗi học sinh, là cơ hội để các em nghĩ về gia đình, về cha mẹ và tập bày tỏ tình cảm của mình, điều mà nhiều học sinh không biết đến” – cô Nguyễn Kim Anh, Trường Phan Huy Chú, cho biết.

VĨNH HÀ