24/12/2024

Đến lúc phải giảm điện than, phát triển điện sạch

Bộ Công thương ngày 4-10 đã chính thức thông cáo về nhiệt điện than, công nhận gần 16 triệu tấn xỉ than/năm hiện vẫn đang phải tìm cách giải quyết.

 

Đến lúc phải giảm điện than, phát triển điện sạch

Bộ Công thương ngày 4-10 đã chính thức thông cáo về nhiệt điện than, công nhận gần 16 triệu tấn xỉ than/năm hiện vẫn đang phải tìm cách giải quyết. 

 

 

 

Đến lúc phải giảm điện than, phát triển điện sạch
Bộ Công thương công nhận nhiều thời điểm nhà máy điện than phải tắt hệ thống lọc khí thải. Trong ảnh: Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 nhả khói – Ảnh: MINH TRÂN

Theo văn bản của Bộ Công thương, từ đầu năm 2016 bộ này đã kiểm tra 29 doanh nghiệp có hoạt động xả nước thải ra biển hoặc cửa sông giáp biển, trong đó bao gồm các nhà máy nhiệt điện.

Về thực trạng, Bộ Công thương khẳng định tất cả nhà máy nhiệt điện đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, Bộ Công thương thừa nhận có dự án thay đổi hạng mục công trình bảo vệ môi trường so với báo cáo đánh giá tác động môi trường ban đầu.

Phải giám sát thông số nước thải online

Như Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 (Trà Vinh), Bộ Công thương thừa nhận nhà máy đã thay đổi thiết kế bảo vệ môi trường so với báo cáo đánh giá tác động môi trường ban đầu.

Vì thế, các dự án này chưa được Bộ Tài nguyên – môi trường cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình, hạng mục bảo vệ môi trường.

Về hiện tượng khói đen tại các nhà máy điện than, Bộ Công thương cho biết hầu hết nhà máy đã lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện và hệ thống xử lý khí thải độc hại, như SO2, NOx nhưng đúng là vẫn còn 2 nhà máy với công nghệ cũ nên không lắp đặt hệ thống xử lý SO2 là Phả Lại I ở Hải Dương và Nhiệt điện Ninh Bình (khí SO2 và NOx là hai dạng khí thải độc hại, có thể ảnh hưởng đến hô hấp và một số bệnh nguy hiểm).

Đáng lưu ý, Bộ Công thương nêu với đặc thù công nghệ của nhiệt điện đốt than, khi khởi động lò hơi hoặc khi công suất lò thấp, các nhà máy phải đốt kèm dầu. Lúc này, hệ thống lọc bụi tĩnh điện… không hoạt động được do nguy cơ cháy nổ, nên sẽ thấy hiện tượng khói đen.

Trả lời Tuổi Trẻ, TS Đoàn Văn Bình, Viện khoa học năng lượng (Viện hàn lâm Khoa học công nghệ VN), cho rằng việc tắt thiết bị lọc khí thải này dù trong thời gian ngắn nhưng sẽ ảnh hưởng đến môi trường do các chất phát sinh trong đốt dầu sẽ bay thẳng vào không khí. Cần giảm tối đa chu trình này.

Đặc biệt, Bộ Công thương nêu hiện có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15,7 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, các nhà máy chưa tìm được giải pháp đầu ra cho tro xỉ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng.

Trước những “tồn tại” tại các nhà máy nhiệt điện, Bộ Công thương cho biết đã chỉ đạo EVN xây dựng lộ trình cải tạo hệ thống đốt khởi động lò, để có thể đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào ngay khi bắt đầu khởi động.

Khi chưa cải tạo, các nhà máy phải thông báo rộng rãi để người dân giám sát. Với tro xỉ, Bộ Công thương yêu cầu các nhà máy nhiệt điện phải chủ động tìm kiếm các giải pháp để xử lý và tiêu thụ.

Với nước thải của nhà máy nhiệt điện, yêu cầu các nhà máy phải lắp đặt hệ thống giám sát các thông số nước thải online, kết nối với sở tài nguyên – môi trường để tạo thuận lợi cho các cơ quan giám sát các thông số môi trường.

Nhiệt điện được 
trợ cấp ngầm để bám thành phố

Với các ý kiến cho rằng nhà máy điện than cần nằm gần trung tâm kinh tế để giảm tổn thất điện, tăng hiệu quả kinh tế chung, TS Đoàn Văn Bình cho rằng lý do này thiếu thuyết phục.

Các nhà máy điện than bám được chỗ gần thành phố vì gần đấy có cảng, đường giao thông sẵn có, ông Bình chỉ rõ đó là sự trợ cấp gián tiếp, giảm chi phí để cạnh tranh được và để thu lời nhiều.

Ông Bình cho rằng về nguyên tắc, điện than cần phải đặt ở chỗ có khoảng cách với khu dân cư. Bởi nhiệt điện phát lên lưới với điện áp 220kV hay 500kV, khoảng cách không quá xa thì tổn thất trên đường dây là 
không lớn.

Dẫn chứng từ nghiên cứu của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc tại VN (UNDP), TS Bình lo ngại thực tế các nhà máy nhiệt điện than không những không tuân thủ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường mà còn không xử lý triệt để rủi ro ô nhiễm, dẫn tới ô nhiễm không khí từ các nhà máy điện đốt than tăng lên đáng kể.

Tiêu thụ điện của VN gấp 6 lần Malaysia, 3 lần Thái Lan và 2 lần Trung Quốc

Nhiều chuyên gia cho rằng việc ưu tiên xây dựng nhà máy điện than vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa bị lệ thuộc vào nguồn than nhập khẩu nên sẽ không bền vững.

TS Nguyễn Quốc Khánh – chuyên gia độc lập về năng lượng – nêu cùng một mức thu nhập bình quân đầu người (GDP), nhưng tiêu thụ điện của VN gấp 6 lần Malaysia, 3 lần Thái Lan và 2 lần Trung Quốc. Nên ngay lúc này Nhà nước cần có những chính sách phù hợp để phát triển điện “sạch”.

Giải pháp thứ hai là tập trung sản xuất điện gió và điện năng lượng mặt trời, theo ông Khánh, ngay Thái Lan đã rất thành công trong việc huy động người dân sản xuất điện năng lượng mặt trời ngay trên mái nhà của họ.

Chính phủ Thái Lan có những cơ chế, chính sách hỗ trợ về giá, thuế… nên điện năng lượng mặt trời phát triển mạnh, trung bình mỗi năm tăng thêm 1.000 MW.

Bà Ngụy Thị Khanh (giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh – Green ID) cho rằng hiện nay vốn đầu tư và giá thành sản xuất điện gió và điện năng lượng mặt trời trên thế giới đang giảm rất nhanh, là cơ hội để VN ban hành chính sách để thu hút đầu tư.

Ví dụ giá điện năng lượng mặt trời ở Dubai hiện chỉ có 2,99 cent/kWh (khoảng 670 đồng/kWh).

Hơn nữa, việc quy hoạch xây dựng nhiều nhà máy điện than tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi theo bà Khanh, vào năm 2020 VN phải nhập tới hơn 46 triệu tấn than/năm và năm 2030 con số này tăng lên 157 triệu tấn/năm để sản xuất điện, tức cần từ 4,6-8,3 tỉ USD/năm.

Nếu khai thác tốt nguồn năng lượng tái tạo sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền, giảm ô nhiễm môi trường.

Nguyên nhân căn bản điện than “lên ngôi”, theo TS Đoàn Văn Bình, vì các nhà máy điện than tại VN chưa phải tính toán đầy đủ các chi phí ngoại lai (phát thải khí nhà kính, xả thải, khói bụi, xỉ than, sinh kế người dân, hạ tầng…) vào giá thành nên cạnh tranh hơn so với năng lượng tái tạo, các nhà đầu tư cũng muốn khai thác triệt để chi phí rẻ.

Ông Bình đề nghị cần yêu cầu các nhà máy nhiệt điện than phải đưa các chi phí ngoại lai vào giá điện, để đảm bảo họ phải có trách nhiệm trong xử lý vấn đề môi trường.

PGS.TS Lê Anh Tuấn (phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu – ĐH Cần Thơ):

Không nên tập trung điện than ở ĐBSCL

Theo tôi, việc quy hoạch xây dựng tại vựa lúa ĐBSCL tới 14 – 15 nhà máy nhiệt điện đốt than là hoàn toàn không hợp lý.

Nhu cầu sử dụng điện của cả đồng bằng không bằng một vài tỉnh ở miền Đông Nam bộ và TP.HCM.

Do đó, cần phân bố rải ra ở các tỉnh như Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu… Không đẩy nhiều nhà máy điện than về ĐBSCL như vậy.

Chúng ta từng mua điện của Trung Quốc với giá cao, trong khi mua điện sinh khối và điện gió trong nước rất thấp. Đây là điều rất bất hợp lý.

Nó là nguyên nhân khiến rất nhiều dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời bị “đóng băng”. Chính phủ cần sớm có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư điện gió, điện năng lượng mặt trời, giảm nhiệt điện đốt than.

ANH ĐỨC – NGỌC AN – 
VÂN TRƯỜNG