23/01/2025

Của quý xin đừng dùng bừa

Những ngày qua Diễn đàn “Thu hút nhân tài trẻ cho TP.HCM bằng cách nào?” thu hút đông đảo bạn đọc tham gia.

 DIỄN ĐÀN “THU HÚT NHÂN TÀI TRẺ CHO TP.HCM BẰNG CÁCH NÀO?”

Của quý xin đừng dùng bừa

Những ngày qua Diễn đàn “Thu hút nhân tài trẻ cho TP.HCM bằng cách nào?” thu hút đông đảo bạn đọc tham gia.

 

 

 

 

Của quý xin đừng dùng bừa
ThS.BS Nguyễn Lê Việt Hùng khám, chữa bệnh tại Lào – Ảnh: NGỌC HIỂN

Các ý kiến gặp nhau ở một điểm là những băn khoăn trong các chính sách chung về tuyển dụng người giỏi về thành phố năng động nhất Việt Nam. Họ cũng đưa ra nhiều giải pháp thiết thực.

Cần linh động hơn trong cơ chế

Cải thiện mức lương cho cán bộ là điều cần làm ngay.

Hiện nay có nhiều cán bộ ở TP.HCM xin nghỉ ở khu vực công ra làm các đơn vị tư, bởi một thực tế ai cũng biết là thu nhập khu vực nhà nước tương đối thấp.

Rất nhiều người là thạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư phải ở trọ tập thể, nấu cơm chung để tiết kiệm chi phí rồi hằng ngày đi làm thêm bên ngoài để nuôi sống bản thân, lo cho vợ con, gia đình nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc.

“Xét tuyển công chức cán bộ vào biên chế các cơ quan nhà nước, TP.HCM nên mở “sân chơi tranh cử các chức danh” bằng cách yêu cầu các nhân vật đứng trước đông đảo quần chúng, trình bày chất xám của bản thân, trình bày mục tiêu, biện pháp giúp dân

MẠNH TƯỜNG (bạn đọc)

Những giảng viên đứng trên bục giảng nhưng cứ nghĩ sau giờ giảng phải ra ngoài kiếm thêm thu nhập thì làm sao dạy có chất lượng?

Có những giảng viên lương chỉ 4-6 triệu đồng/tháng thì sẽ rất chật vật. Trong khi đó, với trình độ chuyên môn cao của họ khi ra bên ngoài thì những đơn vị khác sẵn sàng nhận ngay với mức lương cao, kèm theo nhiều ưu đãi hơn so với khối nhà nước.

Đã có những giảng viên, nhà khoa học trước khi đi du học nước ngoài họ xin nghỉ việc bởi những cơ chế, ràng buộc sau khi du học đối với họ quá phức tạp.

Nhiều người chấp nhận nghỉ luôn để không bị ràng buộc, đồng nghĩa với việc khối nhà nước mất đi chất xám.

Một điều nữa là các phòng thí nghiệm dành cho việc nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài luôn được trang bị tối tân. Nhiều người du học từng nói với tôi rằng nếu quay về Việt Nam thì không biết làm gì?

Hiện giờ mình không có máy móc, thiết bị tương xứng.

Ở cơ quan nhà nước, để mua một máy móc trị giá lớn phải chờ nguồn kinh phí dự án hoặc giải ngân, rồi thẩm định giá, đấu thầu…

Đến khi mua được cái máy đó thì đã lỗi thời trong khi người ta đã ra những máy khác tối tân hơn.

Do đó trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu và cơ chế thiếu linh động đã cản trở các nhà khoa học trở về.

Họ cảm thấy không ứng dụng được những kiến thức đã học ở nước ngoài khi về Việt Nam.

ThS.BS 
NGUYỄN LÊ VIỆT HÙNG 
(giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM)

Thể chế tham vấn nhân tài

TP.HCM cần chuẩn bị những chiến lược đầu nguồn cho giáo dục, nhất là giáo dục đại học.

Bên cạnh hoàn thiện các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, TP.HCM cần xây dựng được hệ sinh thái đại học tiệm cận với các chuẩn mực giáo dục tiến bộ trên thế giới và có cơ chế tự trị hiệu quả.

Không chỉ bị động thu hút những nhân tài đã bộc lộ thiên bẩm, việc tự ý thức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ đầu nguồn bằng cách tăng tính hấp dẫn của môi trường giáo dục cũng là một tiêu chí đánh giá thành phố đáng sống.

Mũi nhọn cạnh tranh giáo dục vừa tạo dựng xã hội học tập, đóng góp năng suất phát triển vừa đặt ra tham vọng biến TP.HCM thành một “cảm biến” cực nhạy trước các luồng tri thức mới, thu hút nhân tài trẻ khắp mọi vùng miền và khắp khu vực Đông Nam Á đến trải nghiệm tinh hoa và lao động cống hiến.

TP.HCM nên học tập cách thức quản trị nhân lực công của các thành phố phát triển trong khu vực, tiêu biểu như Singapore.

Mô hình quản lý công do chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long đề xuất cho nền hành chính Singapore (diện tích bằng 1/3 TP.HCM) hiểu nôm na là “thể chế do người tài lãnh đạo”.

Xét bối cảnh TP.HCM hiện tại, để dung hòa các nguyên tắc quản lý hành chính cố hữu và thiết lập cơ chế cởi mở thu hút nhân tài trẻ, “thể chế tham vấn nhân tài” có thể là lựa chọn phù hợp.

Trong ngắn hạn, khi giải pháp sử dụng nguồn lực công tỏ ra thiếu hiệu quả, chính quyền thành phố nên công khai lập quỹ “thuê ngoài” các chuyên gia, trả tiền mua những ý tưởng đột phá nhằm giải quyết một số vấn đề trục trặc của đô thị.

Về lâu dài, thành phố phải thành lập một hội đồng cố vấn bao gồm nhiều nhà khoa học chính sách (thinktank). Hội đồng này ngoài chức năng tư vấn, thiết kế chính sách, đề xuất kịch bản phát triển, còn phụ trách tìm kiếm, phát hiện, chiêu mộ đội ngũ nhân tài trẻ đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

TP.HCM thu hút nhân tài trẻ không chỉ dựa vào môi trường công việc thông thoáng, công bằng, cạnh tranh. Các vấn đề an sinh, an toàn, đảm bảo cuộc sống tối thiểu vẫn là thách thức không hề nhỏ nếu muốn giữ chân người giỏi.

HOÀI KHIÊM

Đất lành chim đậu

Của quý xin đừng dùng bừa
Bác sĩ Trần Hoàng Minh – người đã chọn TP.HCM để làm việc khi từ Mỹ về quê nhà. Ảnh: tư liệu TT

TP.HCM cần xây dựng một chính sách tuyển dụng nhân tài mang tính hoạch định, có tầm chiến lược, lâu bền để làm kim chỉ nam cho việc thực hiện.

Chính sách đó phải thể hiện được sự cầu thị người tài, khơi dậy không chỉ nhất thời mà lâu dài nhiệt tình, tâm cảm của họ bằng một “hệ thống” những người lãnh đạo họ vốn có tâm, có tài, có niềm tin ở họ, dám giao phó cho họ công việc, trách vụ thích đáng, cả đến thấy được tiềm lực của họ cho những mục tiêu tiềm năng.

Dẫu rằng những đãi ngộ vật chất đương nhiên là những tiêu chí của chính sách chiêu hiền, nhưng quả là thật sâu sát ý kiến của giáo sư Phan Văn Trường (“Mỗi lần ký thư giới thiệu xuất ngoại tôi suy nghĩ mãi” đăng ngày 25-9) rằng những người tài – nhất là những người từ nước ngoài trở về nước làm việc – không chỉ vì đi tìm đồng lương.

Chuyện bác sĩ Trần Hoàng Minh rời nước Mỹ về làm việc ở Bệnh viện quận Gò Vấp mới đây là một minh chứng.

Tìm người tài khó, việc sử dụng họ lại càng không dễ bởi “của quý” không thể dùng bừa. Một môi trường làm việc lành mạnh, trong đó cơ chế dân chủ là yêu cầu cốt thiết cho mong muốn phát huy năng lực của người tài.

Thiếu sự công minh trong điều hành, thiếu cơ hội thăng tiến lành mạnh cũng là những lực cản với họ chẳng khác nào việc thiếu thốn những phương tiện kỹ thuật cao vốn cần cho hoạt động của tri thức công nghệ của họ.

Đã có khá nhiều người tài đã thất vọng bỏ đi sau những hăm hở cống hiến ban đầu vì những lý do vừa nói.

Tuyển dụng nhân tài là sẵn sàng tiếp nhận những đề xuất, giải pháp sáng tạo khoa học của họ chứ không thuần túy làm các việc đã được lập trình, định hình từ những “bản vẽ” đã có từ “nhà tuyển dụng”.

Trên tinh thần đó, chính sách thu dụng nhân tài của một thành phố có năng lực và có tham vọng phát triển như TP.HCM, về vật chất, phải xây dựng một môi trường làm việc – nghĩa là nơi thi triển năng lực của người tài phải có tầm quốc tế để họ có “đất dụng võ”.

HUỲNH VĂN MỸ

Mời bạn đóng góp giải pháp

Bạn suy nghĩ như thế nào về vấn đề thu hút nhân tài trẻ? Giải pháp cho việc này ra sao? Các ý kiến đóng góp cho diễn đàn, mời bạn gửi về báo Tuổi Trẻ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (Diễn đàn “Thu hút nhân tài trẻ cho TP.HCM bằng cách nào?”), email: [email protected], hoặc [email protected].

ThS.BS 
NGUYỄN LÊ VIỆT HÙNG