23/01/2025

Tàu tết: giá vé cao nhưng vẫn khó mua

Ngày 2-10, ngày thứ hai bán vé tàu Tết Đinh Dậu, đã có hơn 81.281 vé tàu được bán qua website: dsvn.vn, trực tiếp tại ga Sài Gòn và các đại lý (chưa tính hơn 5.000 vé tàu tập thể đã bán trước đó).

 

Tàu tết: giá vé cao nhưng vẫn khó mua

 Ngày 2-10, ngày thứ hai bán vé tàu Tết Đinh Dậu, đã có hơn 81.281 vé tàu được bán qua website: dsvn.vn, trực tiếp tại ga Sài Gòn và các đại lý (chưa tính hơn 5.000 vé tàu tập thể đã bán trước đó).

 

 

 

Tàu tết: giá vé cao nhưng vẫn khó mua
Người dân mua vé tàu Tết Đinh Dậu tại ga Sài Gòn – Ảnh: ĐỨC PHÚ

Hệ thống bán vé tàu tết năm nay hoạt động suôn sẻ, chỉ trong hai ngày số lượng vé tại nhiều chặng ngắn gần như không còn khiến nhiều người dù có số thứ tự trực tiếp đến ga Sài Gòn vẫn không mua được vé.

Có chặng tăng 145%

Theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, so với dịp tết năm trước, giá vé tàu Thống Nhất chiều Sài Gòn – Hà Nội tăng bình quân 9,8%, còn chiều ngược lại giảm giá 15%.

Theo tìm hiểu một số chặng vào cao điểm tết, giá vé giường nằm điều hoà của các tàu SE6, SE8 dịp Tết Bính Thân (năm 2016) hơn 1,9 triệu đồng, thì dịp Tết Đinh Dậu tăng lên gần 2,2 triệu đồng (tăng 15,7%).

Tương tự đối với tàu SE8, giá vé nằm cứng điều h đi ngày 26 tháng chạp năm trước giá hơn 1,6 triệu đồng, còn năm nay cùng thời điểm gần 1,9 triệu đồng (tăng 18,7%).

Trong khi đó, các chuyến tàu chặng ngắn Sài Gòn – Diêu Trì (Quảng Ngãi), loại ghế ngồi trong dịp tết năm nay chỉ tăng nhẹ so với năm trước.

Anh Nguyễn Đình Viên (quê Quảng Trị) là hành khách mua vé đầu tiên tại ga Sài Gòn cho biết anh mua vé tàu TN2 ngày đi 22-1-2017 với giá vé ngồi cứng hơn 1 triệu đồng/vé, giá này cao hơn năm ngoái nhưng do lo ngại tết không mua được vé xe đò, hơn nữa đi tàu an toàn hơn nên anh đành chấp nhận. Nếu so với ngày thường, giá vé anh Viên mua chỉ khoảng 413.000 đồng, như vậy vé tàu dịp tết tăng đến 145%.

Tương tự, nếu so với ngày thường, nhiều chặng giá vé tăng cao. Cụ thể, đối với loại ghế mềm điều hòa tàu SE6 chiều Sài Gòn – Hà Nội đi ngày 24-1-2017 có giá gần 1,76 triệu đồng, so với giá vé cùng loại ghế đi ngày thường (gần 900.000 đồng/vé) tăng gần 96%. Giá vé loại chỗ nằm cứng cũng tăng hơn 92%, nằm mềm điều h tăng 66,4%. Như vậy, đối với chiều Sài Gòn – Hà Nội, giá vé ghế ngồi tăng ở mức cao hơn so với vé giường nằm.

Cần có cơ chế kiểm soát giá vé?

Trao đổi về phản ảnh của hành khách về việc tăng giá vé trong dịp Tết Đinh Dậu, ông Đoàn Duy Hoạch, phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN, cho biết hiện nay đơn vị này chỉ phụ trách vấn đề hạ tầng, hệ thống bán vé qua mạng. Còn phương án chạy tàu và giá vé dịp tết do hai công ty cổ phần vận tải đường sắt Sài Gòn và Hà Nội chủ động thực hiện, dựa trên quy định hiện hành.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Trung, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết dịp tết năm nay công ty đã điều chỉnh linh hoạt giá vé tàu: tăng chiều Sài Gòn – Hà Nội và giảm giá ở chiều ngược lại.

Theo ông Trung, vào dịp tết giá vé chiều Sài Gòn – Hà Nội tăng do công ty phải bù đắp chiều chạy rỗng ở những chuyến tàu chạy hướng Hà Nội vào Sài Gòn. Hiện giá vé tàu không thuộc mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước kiểm soát giá nên công ty tự cân đối điều chỉnh cho phù hợp.

Tuy nhiên, ông Trung cũng cho biết trước khi bán vé, công ty đã công khai giá vé cho người dân theo quy định của Nhà nước. “Công ty đã chia ra nhiều mức giá khác nhau theo từng thời điểm để người dân lựa chọn giá vé cho hợp lý” – ông Trung cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thuý Nga, phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết theo quy định của Luật giá, trong danh mục Nhà nước định giá thì không có cước vận tải hành khách đường sắt. Như vậy, doanh nghiệp vận tải đường sắt được tự định giá vé.

Một số chuyên gia về giá cho rằng nên để doanh nghiệp đường sắt tự quyết định giá để họ tự chủ, tự chịu trách nhiệm với hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay, nếu tăng vé tàu tết năm nay lên gần 10%, trong khi không tăng chất lượng, khác nào ngành đường sắt tự “giết mình” bởi các hình thức vận tải hành khách khác như hàng không, đường bộ đang cạnh tranh khốc liệt với đường sắt. Trong đó, vận tải hàng không có ưu việt hơn hẳn nếu mua được vé giá rẻ.

Ra về tay không

Mặc dù giá vé tăng nhưng để mua được vé không phải dễ. Theo ghi nhận ngày thứ hai bán vé tàu tết, đối với chặng ngắn về khu vực miền Trung tiếp tục khan hiếm vé. Tại ga Sài Gòn, hơn ngàn người về chờ mua vé và hỏi thông tin. Phía dưới sảnh ga, ngoài đội ngũ nhân viên FPT còn có nhân viên đường sắt, nhân viên Ngân hàng VIB túc trực hướng dẫn người dân mua vé và thanh toán tiền.

Tuy nhiên, nhiều người khi hỏi mua vé về khu vực miền Trung thì không mua được vé, phải ra về tay không. Anh Lê Minh Hải (31 tuổi) làm việc tại Bình Dương cho biết dù có số thứ tự nhưng vẫn không mua được vé tuyến Sài Gòn về Tuy Hoà (Phú Yên) vào những ngày cao điểm tết.

Trước đó, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết dành 45.000 vé tàu chặng ngắn đi khu vực miền Trung đưa ra bán những ngày đầu.

Tuy nhiên sau hai ngày bán vé, số lượng vé này gần như đã bán hết. Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết cân đối theo tình hình những ngày gần giáp tết sẽ cắt những toa tàu chạy chặng dài chuyển thành chặng ngắn để bán cho những người có nhu cầu.

Đ.PHÚ – Q.KHẢI – L.THANH