Năng lực cạnh tranh khu vực ASEAN
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCR) 2016 – 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), VN xếp hạng 60, tụt 4 bậc so với năm ngoái.
Năng lực cạnh tranh khu vực ASEAN
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCR) 2016 – 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), VN xếp hạng 60, tụt 4 bậc so với năm ngoái.
Những yếu tố tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh ở VN lần lượt là: thiếu hụt nhân lực có tay nghề, chính sách không ổn định, quy định về thuế, mức thuế, tiếp cận nguồn vốn, đạo đức kinh doanh kém, tham nhũng… Trong các nước ASEAN, Singapore giữ vững vị trí số 2 thế giới trong 6 năm qua do có môi trường kinh tế vĩ mô ổn định với nền tài chính công lành mạnh (ngân sách chính phủ đã thặng dư từ năm 2010).
Từ giai đoạn 2007 đến nay, điểm số cạnh tranh chung của các nước trong khu vực Đông Nam Á có khuynh hướng tăng. Trong đó, Campuchia (+0,5) và Philippines (+0,4) thuộc nhóm cao nhất. VN cùng Singapore, Indonesia nằm nhóm kế tiếp (+0,3). Thái Lan, tuy xếp hạng 34 thế giới nhưng điểm số cạnh tranh lại bị tụt (-0,1). Trái lại, tuy xếp thứ 89 nhưng trong các nước ASEAN, Campuchia là nước có điểm số GCI (chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu) cải thiện tốt nhất (từ 3,5 lên 4,0) tính từ năm 2007.
Theo báo cáo, các nước mới nổi trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc, nếu muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình nên lưu ý đến mức độ tinh tế trong kinh doanh và sự đổi mới, sẵn sàng về công nghệ. Điều này rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng và khả năng cạnh tranh.
Kinh tế toàn cầu giảm cởi mở
Báo cáo năm nay cho thấy mức độ mở cửa của kinh tế đối với thương mại toàn cầu về hàng hoá và dịch vụ đã giảm trong một thập niên qua vì sự gia tăng các rào cản phi thuế quan, thủ tục hải quan rườm rà, các quy định ảnh hưởng đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và quyền sở hữu nước ngoài. “Kinh tế toàn cầu giảm cởi mở đã tổn hại đến khả năng cạnh tranh và khiến các nhà lãnh đạo khó khăn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện”, Klaus Schwab, nhà sáng lập và là Chủ tịch điều hành WEF nói.
Báo cáo cũng nhấn mạnh mức độ mở cửa kinh tế đối với thương mại toàn cầu về hàng hoá, dịch vụ liên quan trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế và tiềm năng đổi mới của một quốc gia. Bên cạnh đó, các biện pháp kích thích tiền tệ cũng không đủ để duy trì tăng trưởng mà phải kèm theo những cải cách về năng lực cạnh tranh.
Trung Quốc chưa sẵn sàng về công nghệ
GCR là báo cáo dựa trên khảo sát ý kiến của hơn 10.000 lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới. Đây được xem là đánh giá thường niên toàn diện nhất về năng lực cạnh tranh kinh tế, những yếu tố thúc đẩy sản xuất và thịnh vượng của 138 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Đứng nhất, nhì, ba lần lượt là Thuỵ Sĩ, Singapore, Mỹ, giữ nguyên thứ hạng như năm ngoái.
Ngoài Singapore, xếp hạng lần lượt của các nước Đông Nam Á còn lại là Malaysia (25, tụt 7 bậc), Thái Lan (34, tụt 2 bậc), Indonesia (41, tụt 4 bậc), Philippines (57, tụt 10 bậc), Brunei (58, giữ nguyên), VN (60, tụt 4 bậc), Campuchia (89, tăng 1 bậc), Lào (93, tụt 10 bậc). Myanmar không được xếp hạng trong năm nay. Trung Quốc vẫn hạng 28 năm thứ ba liên tiếp. Tổng điểm của nước này tăng nhờ vào sự cải thiện giáo dục bậc cao (hạng 54, tăng 14 bậc), đổi mới (hạng 30, tăng 1 bậc). Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng về công nghệ của Trung Quốc vẫn tụt hậu so với các nước trên thế giới (hạng 74).
|
Lam Yên
(VP Bangkok)