23/01/2025

EU khó phân bổ người tị nạn

Nếu như trong mùa hè năm nay, cả khối Liên minh châu Âu (EU) rúng động khi người Anh bỏ phiếu rời khỏi khối thì nay lại xôn xao chuyện Hungary trưng cầu ý dân về quyết định của Brussels.

 

EU khó phân bổ người tị nạn

Nếu như trong mùa hè năm nay, cả khối Liên minh châu Âu (EU) rúng động khi người Anh bỏ phiếu rời khỏi khối thì nay lại xôn xao chuyện Hungary trưng cầu ý dân về quyết định của Brussels.

 

 

 

EU khó phân bổ người tị nạn
Cảnh sát tuần tra ở làng biên giới Asotthalom của Hungary với Serbia ngày 2-10 – Ảnh: REUTERS

Câu hỏi đặt ra cho cử tri Hungary ngày chủ nhật 2-10 là “Có đồng ý rằng EU có quyền áp dụng việc cư trú bắt buộc đối với những người không phải là công dân Hungary tại Hungary mà không cần sự cho phép của quốc hội?”.

Nghe có vẻ rắc rối nhưng thực chất chỉ là có đồng ý hay không trước chuyện EU phân bổ chỉ tiêu tiếp nhận 120.000 người tị nạn trong năm 2016, trong đó Hungary phải nhận khoảng 1.300 người, 
theo AFP.

Năm 2015, EU đã phân bổ chỉ tiêu nhận người tị nạn, dù gặp phải sự phản đối quyết liệt của một số nước như Ba Lan, Hungary, Czech, Bulgaria, Slovakia. Cả Đan Mạch, Anh cũng phản đối sự áp đặt này.

Cho dù câu trả lời của đa số cử tri Hungary là “không” thì Thủ tướng Viktor Orbán cũng khó dựa vào đó để từ chối sự phân bổ mang tính áp đặt của Brussels, nhưng cuộc bỏ phiếu ở Hungary đã nói lên thái độ kiên quyết của một số nước EU trước vấn đề người tị nạn.

Sự trỗi dậy của cánh hữu

Báo The Copenhagen Post dẫn thăm dò của Gallup Đan Mạch về ba điều người Đan Mạch quan tâm nhất công bố ngày 2-10 cho thấy 59% chọn chính sách tị nạn và nhập cư; dịch vụ y tế và chăm sóc sức khoẻ đứng thứ hai cũng chỉ được 35%; chính sách về EU được 10%.

Cũng vì thế nên Đảng hữu khuynh Nye Borgerlige (Dân cư mới) tuy mới thành lập được vài tháng nhưng với chủ trương siết chặt các quy chế về người nước ngoài, không tiếp nhận thêm người tị nạn, giảm thuế doanh nghiệp và rời khỏi EU, đã hội đủ số chữ ký ủng hộ theo luật định để tham gia kỳ bầu cử Quốc hội Đan Mạch tới.

Trong năm 2017 tại châu Âu sẽ diễn ra một số cuộc bầu cử có ý nghĩa quan trọng với cả châu lục là bầu cử tổng thống Pháp, Quốc hội Đức, Quốc hội Hà Lan và bầu cử tổng thống Áo.

Tại Pháp, Hãng tin AFP công bố kết quả thăm dò gần đây nhất cho thấy ủng hộ của cử tri dành cho Đảng Mặt trận quốc gia (FN) của bà Marine Le Pen đã lên tới 26% (trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2012 bà Le Pen được 17,9% số phiếu).

Với tình hình hiện nay, bà Le Pen có khả năng giành được số phiếu cao nhất trong vòng một của kỳ bầu cử tổng thống tới. Dù bà Le Pen khó đắc cử tổng thống nhưng sự lớn mạnh của Đảng FN chắc chắn sẽ tác động sâu sắc đến đường lối của các ứng viên lớn khác khi ra tranh cử.

Còn Hà Lan, chậm nhất là tháng 3-2017 phải tổ chức bầu cử quốc hội. Theo báo The Independent, Đảng Tự do của ông Geert Wilder hiện được 22% cử tri ủng hộ, có khả năng trở thành đảng lớn nhất trong quốc hội sắp tới của nước này.

Ông Geert Wilder – người mà vài năm trước đây còn bị dư luận chế giễu là “thằng hề” – nay đã là một thế lực quan trọng trên chính trường Hà Lan. Cũng như bà Le Pen, ông Geert Wilder cũng đòi Hà Lan rút ra khỏi EU.

Tại Đức, theo Reuters, Đảng Liên minh dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel đang ở trong tình thế khó khăn khi bị Đảng cánh hữu AfD (Giải pháp cho nước Đức), mới thành lập năm 2013, vượt qua trong kỳ bầu cử tại bang Mecklenburg – Vorpommern, quê hương của bà Merkel.

Đồng chủ tịch AfD, bà Frauke Pertry, đã gọi đây là “một cái tát vào mặt 
Angela Merkel”.

Tổng thư ký Đảng CDU Peter Tauber cũng thừa nhận nhiều cử tri bang này đã bỏ phiếu cho AfD để tỏ rõ sự bất mãn đối với chính sách tị nạn của Thủ tướng Merkel.

Trong kỳ bầu cử bang Berlin ngày 18-9 vừa rồi, AfD giành được 14,2% số phiếu, một kết quả không tồi khi so với Đảng Dân chủ xã hội (SPD) được 21,6%, CDU được 17,6%.

Theo trang Deutsche Welle của Đức, ông Horst Seehofer, chủ tịch Liên minh xã hội Thiên Chúa giáo – đảng liên minh với CDU, đã cảnh báo về nguy cơ thất bại trong kỳ bầu cử quốc hội diễn ra ngày 22-10-2017 nếu bà Merkel không điều chỉnh chính sách nhập cư.

Ông Seehofer đã đề xuất việc giới hạn số người tị nạn vào Đức là tối đa 200.000 người/năm. Tuy bà Merkel đã khẳng định sẽ không thay đổi chính sách nhập cư của Đức, nhưng từ giờ đến tháng 
10-2017 hẳn CDU sẽ phải có một số điều chỉnh nào đó để tránh mất phiếu về tay AfD.

Bít bên này, hở bên kia

Để giải quyết vấn đề người tị nạn, Thủ tướng Merkel ra sức hô hào các nước EU chấp hành chỉ tiêu tiếp nhận người nhập cư do Brussels phân bổ nhưng điều này xem ra không dễ.

Sau khi khối EU đóng cửa biên giới trên bán đảo Balkans vào đầu năm nay, số người tị nạn đến đây theo ngả Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đáng kể nhưng người tị nạn từ Nigeria, Eritrea, Somalia, các nước phía nam sa mạc Sahara vẫn tiếp tục đổ tới Ý qua ngả Lybia – Địa Trung Hải hầu tìm một cuộc sống tốt hơn.

Một số nước như Thuỵ Điển, Đan Mạch, Hà Lan trong những năm gần đây đã triển khai nhiều dự án giúp các nước châu Phi phát triển kinh tế nhưng kết quả thu được không mấy khả quan do nhiều lý do khách quan.

Theo AFP, trong khi đó dân số trên lục địa đen đang gia tăng nhanh chóng, hiện khoảng 1,1 tỉ người nhưng theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050 sẽ lên đến 2,4 tỉ. Do vậy, cuộc khủng hoảng người tị nạn có lẽ chỉ mới bắt đầu!

Trong năm 2015 đã có hơn 1,3 triệu người tị nạn đến EU. Nếu tính theo tương quan dân số thì Hungary có nhiều người tị nạn nhất là 1.800 người/100.000 dân, kế đến là Thụy Điển 1.667/100.000. Con số này tại Đức chỉ là 587/100.000, còn số trung bình trong cả khối là 260/100.000.

Cùng với gánh nặng kinh tế, các vấn đề xã hội nảy sinh từ dòng người tị nạn khổng lồ đã góp phần khiến cho xu hướng hữu khuynh phát triển nhanh chóng tại đây.

QUẾ VIÊN (từ Copenhagen)