23/12/2024

Chiến dịch Normandy suýt phá sản vì vợ điệp viên

Lịch sử thế giới suýt nữa đã phải viết lại chỉ vì chuyện “nhi nữ thường tình” của gia đình điệp viên 2 mang huyền thoại Juan Pujol Garcia.

 

Chiến dịch Normandy suýt phá sản vì vợ điệp viên

Lịch sử thế giới suýt nữa đã phải viết lại chỉ vì chuyện “nhi nữ thường tình” của gia đình điệp viên 2 mang huyền thoại Juan Pujol Garcia.




Quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển ở Normandy vào ngày D-Day  ///  Reuters

Quân Đồng minh đổ bộ lên bãi biển ở Normandy vào ngày D-DayREUTERS

Juan Pujol Garcia, người Tây Ban Nha, là trường hợp duy nhất trong lịch sử được nhận những vinh dự cao quý của cả hai phe trong Thế chiến 2. Ngày 29.7.1944, nhà độc tài Adolf Hitler phê chuẩn trao huân chương Chữ thập sắt hạng hai cho ông và chưa đầy 4 tháng sau, đến lượt vua George VI của Anh phong tước hiệp sĩ cho nhân vật được Cơ quan Tình báo MI5 mô tả là “điệp viên nhị trùng xuất sắc nhất trong Thế chiến 2”.
Hồi giữa tuần, Cục Lưu trữ quốc gia Anh đã công bố hồ sơ mật về hoạt động của Garcia, hé lộ một bí mật chấn động mà nếu xảy ra, chiến cuộc đã hoàn toàn khác.
Bảo vệ D-Day
Garcia sinh ngày 14.2.1912 tại Barcelona và bị bắt đi lính trong Nội chiến Tây Ban Nha (1936 – 1939). Từng phục vụ phe Cộng hoà lẫn trong quân đội của tướng Franco, ông chán ghét cả phát xít lẫn Liên Xô, 2 thế lực ủng hộ các phe phái đối địch trong cuộc chiến. Vì thế, sau khi Thế chiến 2 bùng nổ, Garcia quyết định trở thành điệp viên cho quân Đồng minh với mong muốn làm điều gì đó “tốt cho nhân loại”. Nghĩ là làm, ông liên lạc với các cơ quan tình báo Anh và Mỹ song đều bị khước từ.
Không nản lòng, Garcia tự tạo ra nhân thân giả là một quan chức Tây Ban Nha cuồng tín ủng hộ phát xít và sau một thời gian bị kiểm tra gắt gao, ông đã được Cơ quan Tình báo Đức Abwehr tuyển dụng vào năm 1941 với mật danh là Arabel. Sau khi trải qua các khoá huấn luyện, Garcia nhận nhiệm vụ đến Anh. Từ đây, ông bịa ra hàng loạt thông tin giả gửi về Berlin.
Tài năng của Garcia thể hiện ở chỗ ông kỳ công ngụy tạo một hệ thống điệp viên giả vô cùng công phu với gần 30 nhân vật không có thật, tờ The Guardiandẫn hồ sơ mật tiết lộ. Nhờ đó, ông vừa được Abwehr khen thưởng nhờ “chiêu dụ được nhiều gián điệp trong lòng nước Anh” vừa “có người” để đổ lỗi trong trường hợp thông tin sai lệch bị phát hiện.
Trong thời gian này, MI5 cũng đã chặn được một số báo cáo giả của Garcia gửi về Đức và nhanh chóng liên hệ với ông. Lần này, ông đã đạt tâm nguyện và bước vào hàng ngũ tình báo Anh với mật danh Garbo. Cùng người liên lạc Tommy Harris của MI5, Garcia nhanh chóng mở rộng mạng lưới tình báo giả và tăng cường cung cấp thông tin “dỏm” cho Đức Quốc xã. Berlin không mảy may nghi ngờ, thậm chí rót tiền để nuôi dưỡng “mạng lưới cộng tác viên” ở Anh.
Theo hồ sơ mật, Garcia được đánh giá là một trong những nhân tố chủ chốt đóng góp vào thành công của sự kiện D-Day (6.6.1944), tức ngày quân Đồng minh bắt đầu chiến dịch đổ bộ lên bãi biển Normandy của Pháp. Sau trận Normandy, cán cân chiến cuộc bắt đầu thay đổi, đặc biệt ở Mặt trận phía Tây, góp phần dẫn đến sự sụp đổ của phe phát xít. Trong đó, Garcia mớm hàng loạt thông tin sai nhằm đánh lạc hướng quân Đức với hàng trăm bức điện mật gửi về Berlin trong giai đoạn từ tháng 1.1944 đến D-Day. Theo tờ The Guardian, điệp viên này đã khiến những lãnh đạo cao cấp nhất của Đức Quốc xã, bao gồm cả Hitler, tin rằng cuộc đổ bộ của quân Đồng minh sẽ diễn ra ở vùng Pas de Calais, dọc bờ biển miền bắc Pháp chứ không phải tại Normandy.
Nhằm bảo vệ vỏ bọc, Garcia tính đợi tới sát thời điểm đổ bộ thì sẽ báo một số tin thật về chiến dịch Normandy cho Đức. Ông cố tình trì hoãn cho đến 3 giờ sáng ngày 6.6.1944 và bảo đảm rằng phía Đức không kịp trở tay thì mới gọi về Berlin. Tuy nhiên, mãi đến 8 giờ sáng thì cuộc gọi mới được người phụ trách liên lạc của Abwehr tiếp nhận. Với sự cơ trí vượt bậc, Garcia tỏ ra giận dữ khi những “thông tin quý giá bị bỏ lọt”.
Thậm chí, ông còn phẫn nộ nói với phía Đức: “Tôi không thể chấp nhận sự tắc trách này. Nếu không vì lý tưởng thì tôi đã từ bỏ”. Nhờ đó, siêu điệp viên không bị nghi ngờ gì. Thậm chí, thông tin của Garcia “đáng tin cậy” đến mức 2 tháng sau D-Day, Đức Quốc xã vẫn bố trí 2 sư đoàn thiết giáp và 19 sư đoàn bộ binh tinh nhuệ tại Pas de Calais.
Chiến dịch Normandy suýt phá sản vì vợ điệp viên - ảnh 1

Siêu điệp viên Juan Pujol Garcia và vợSKY NEWS

Qua mặt cả vợ
Thật ra kế hoạch đánh lạc hướng về địa điểm đổ bộ thật sự trong ngày D-Day của Garcia từng suýt bại lộ, theo tài liệu mật của MI5. Mọi việc bắt nguồn từ vợ ông là bà Araceli.
Để bảo vệ nhân thân của Garcia, Araceli và 2 con gần như bị tình báo Anh giam lỏng tại một ngôi nhà ở London. Do quá nhớ nhà và chịu sức ép lớn khi phải sống trong cảnh luôn nơm nớp, Araceli nhiều lần “nổi cơn” và doạ sẽ đến Đại sứ quán Tây Ban Nha để tố cáo ngay trong giai đoạn kế hoạch D-Day đang được tiến hành ráo riết. Hồ sơ mật trích lời Araceli nói bà “nhớ các món ăn Tây Ban Nha, không chịu được thời tiết ở London và việc không bao giờ thấy mặt chồng”.
The Guardian trích tài liệu mới công bố viết bà Araceli từng hét vào mặt Tommy Harris: “Tôi không muốn sống cùng ông chồng này nữa, dù là chỉ thêm 5 phút. Tôi sẽ đến ngay Đại sứ quán Tây Ban Nha dù có mất mạng đi nữa”. Một lần nữa, mưu trí tuyệt vời của Garcia được thể hiện và lần này là để lừa chính vợ mình. Ban đầu, Harris dự định báo với Araceli rằng Garcia đã bị sa thải, một mặt cho người đến canh gác tại Đại sứ quán Tây Ban Nha ở London để khi bà xuất hiện sẽ bị bắt giữ ngay lập tức. Thế nhưng, siêu điệp viên cho rằng kế hoạch này quá mạo hiểm. Thay vào đó, ông nhờ MI5 khiến Araceli tin rằng việc bà lu loa đã khiến ông bị tống giam. Đúng như dự kiến, Araceli “tá hoả” gọi ngay cho Harris và nói chồng mình luôn trung thành với nước Anh, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì lý tưởng.
Tuy nhiên, mọi việc vẫn chưa dừng lại ở đó. Quá lo sợ cho số phận của cả gia đình, Araceli thậm chí nghĩ tới tự sát. Cuối cùng, Araceli được dẫn đến thăm chồng tại “trại giam”. Để tăng tính “ép phê”, bà còn bị đưa đi gặp một lãnh đạo cấp cao của MI5 là Edward Cussen. Cussen đe dọa rằng nếu còn “quậy” thì sự an toàn của cả nhà Garcia sẽ “không được bảo đảm”. Mặt khác, ông nói Garcia sẽ được trả tự do và tiếp tục sứ mệnh. “Bà Araceli quay về nhà và rất háo hức chờ đợi chồng”, ông Harris ghi chú trong hồ sơ mật. Kể từ đó, bà Araceli không còn dám hoạnh hoẹ gì nữa và luôn ủng hộ công việc của chồng.
Sau Thế chiến, gia đình Garcia được MI5 hỗ trợ đến Angola để tránh bị các thế lực tàn dư của Đức Quốc xã truy diệt trả thù. Theo BBC, phía Anh tạo thông tin giả rằng ông đã chết tại châu Phi vì bệnh sốt rét trước khi tiếp tục đưa cả nhà sang Venezuela xây dựng cuộc sống mới. Siêu điệp viên sống an nhàn bằng nghề bán sách nhưng cuộc hôn nhân chịu quá nhiều áp lực cuối cùng cũng tan vỡ. Bà Araceli dẫn các con trở về Tây Ban Nha và tái hôn với một doanh nhân Mỹ. Garcia cũng đi bước nữa và có thêm 3 người con. Ông qua đời tại thủ đô Caracas của Venezuela vào năm 1988, thọ 76 tuổi.
Kế hoạch xâm nhập Liên Xô
Sau thành công của chiến dịch D-Day, MI5 từng lên kế hoạch phái Garcia đến Moscow để tiếp tục đóng vai điệp viên nhị trùng. Tờ Daily Mail dẫn hồ sơ mật cho biết vào tháng 5.1945, tình báo Anh đã ngụy tạo hồ sơ để Garcia có thể qua mặt tình báo Liên Xô. Theo đó, ông trở về Tây Ban Nha và viết thư gửi cho tuỳ viên quân sự Liên Xô tại London tiết lộ rằng ông là điệp viên Anh.
Trong thư, Garcia tuyên bố do nhà độc tài Franco vẫn nắm quyền ở Tây Ban Nha sau chiến thắng của quân Đồng minh nên ông đã “vỡ mộng với sự ăn chia của các thế lực đế quốc” và muốn làm điệp viên 2 mang cho Liên Xô. Tuy nhiên, kế hoạch trên đã đổ bể do một điệp viên Anh đã phản bội và tiết lộ hết mọi thứ cho Moscow. Vì thế, Garcia chính thức giải nghệ rồi sau đó về ở ẩn tại Venezuela.

 

Huỳnh Thiềm