23/01/2025

Nông thôn mới phải sản xuất lớn

Nông thôn mới không chỉ có hạ tầng mà mấu chốt là nâng cao đời sống của nông dân, thông qua việc đưa doanh nghiệp vào tổ chức lại sản xuất lớn, gắn với thị trường.

 

Nông thôn mới phải sản xuất lớn
 
 
Nông thôn mới không chỉ có hạ tầng mà mấu chốt là nâng cao đời sống của nông dân, thông qua việc đưa doanh nghiệp vào tổ chức lại sản xuất lớn, gắn với thị trường.






Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cập nhật thêm tiêu chí trong sách hướng dẫn về nông thôn mới  /// Ảnh: Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cập nhật thêm tiêu chí trong sách hướng dẫn về nông thôn mớiẢNH: QUANG HIẾU

Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về xây dựng nông thôn mới vào ngày 30.9.
Báo cáo tại hội nghị, nhiều địa phương có thành tích trong chương trình này đều nhấn mạnh đến yếu tố đưa doanh nghiệp (DN) về nông thôn, tích tụ ruộng đất để làm ăn lớn.
“Mấu chốt” vẫn là tích tụ ruộng đất
Ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho rằng địa phương nào cũng rất quyết tâm trong xây dựng nông thôn mới, song nếu không có tiền thì rất khó làm, bởi thực tế “mạnh vì gạo bạo vì tiền” là không thể phủ nhận. Do vậy, để có kinh phí, ngoài việc tạo nguồn từ đấu giá đất, lồng ghép vào các chương trình có vốn ngân sách hằng năm thì giải pháp huy động nguồn lực từ DN là rất quan trọng. “Tuy nhiên, mấu chốt khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp hiện vẫn là tích tụ ruộng đất”, ông Diên nhìn nhận và kiến nghị Chính phủ có định hướng sửa luật để cởi bỏ nút thắt này.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng nhấn mạnh một khi sửa được quy định về chính sách đất đai thì điểm nghẽn trong thu hút đầu tư vào nông thôn sẽ được mở ra, đón thêm làn sóng DN vào nông nghiệp. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết mục tiêu quan trọng của xây dựng nông thôn mới là nâng cao thu nhập cho nông dân. Từ đó, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, địa phương luôn coi tái cơ cấu nông nghiệp là trọng tâm để làm sao sản xuất phải ngày càng hiện đại, đưa nông dân vào trong chuỗi liên kết với DN, từ đó sản phẩm làm ra gắn với thị trường, nâng cao giá trị gia tăng. 

 
 
Nông thôn mới phải sản xuất lớn - ảnh 1
Định hướng xây dựng nông thôn mới trong 5 năm tới phải gắn với đô thị hoá, với quy hoạch, bảo vệ môi trường và nhất là gắn với khát vọng khởi nghiệp, làm giàu. Nông dân phải có tinh thần doanh nghiệp, có tri thức; nông thôn là nơi thu hút các nguồn lực phát triển
Nông thôn mới phải sản xuất lớn - ảnh 2
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
 


Gắn với khát vọng khởi nghiệp, làm giàu
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những địa phương có cách làm sáng tạo, suy nghĩ đột phá. “Phải hiểu bản chất nông thôn mới là nâng cao mức sống người dân. Muốn vậy phải có kết cấu hạ tầng tốt, cơ cấu kinh tế phù hợp, tích tụ ruộng đất để gắn với DN, đưa khoa học kỹ thuật vào tổ chức lại sản xuất lớn chứ không thể mãi làm nhỏ lẻ, theo cách cũ con trâu đi trước cái cày đi sau được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Dù ghi nhận quá trình xây dựng nông thôn mới vừa qua đã có nhiều kết quả tích cực, song người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế, mà nổi bật là việc nhiều nơi chưa quan tâm tổ chức sản xuất của dân, mới chạy theo tiêu chí làm hạ tầng, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn hoặc huy động nguồn lực trong người dân nông thôn quá sức. “Định hướng xây dựng nông thôn mới trong 5 năm tới phải gắn với đô thị hoá, với quy hoạch, bảo vệ môi trường và nhất là gắn với khát vọng khởi nghiệp, làm giàu. Nông dân phải có tinh thần DN, có tri thức; nông thôn là nơi thu hút các nguồn lực phát triển”, Thủ tướng nói.
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành bổ sung thêm các thông số về số DN, tỷ lệ người dân ở nông thôn sử dụng internet, thương mại điện tử… vào trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Thủ tướng cũng lưu ý, để tới năm 2020 cả nước có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là thách thức không nhỏ. Tương tự, nguồn kinh phí ngân sách dự kiến hỗ trợ trực tiếp cho 5 năm khoảng 193.000 tỉ cũng là thử thách, khi mà tới nay mới chỉ thu xếp được 3.000 tỉ đồng. “Tuy nhiên, nông thôn mới là cuộc cách mạng nên phải kiên trì làm cho tốt. Muốn công nghiệp hoá thành công thì phải tập trung xây dựng nông thôn mới thành công. Làm khu đô thị, khu công nghiệp mà nông dân vẫn nghèo thì chưa thành công được. Phải làm sao kéo giảm khoảng cách nông thôn – đô thị”, Thủ tướng thúc giục.
Theo báo cáo do Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trình bày, sau gần 6 năm thực hiện, tính đến giữa tháng 9.2016 cả nước đã có 2.045 xã (23%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến hết năm 2016 con số này sẽ tăng lên khoảng 25% số xã đạt chuẩn. Trong giai đoạn 2011 – 2015, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình là hơn 850.000 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chỉ chiếm 11,6%, còn lại là từ nhiều nguồn lực khác như người dân, DN, tín dụng…


 

Chí Hiếu