Giảm ngày thi, tăng môn thi THPT quốc gia 2017: Học sinh có quá tải?
Chỉ trong 2 ngày, thi trung bình tổng cộng 6 môn, trong đó có bài thi gộp 3 môn liên tục có quá tải với học sinh? Thời gian thực tế làm bài cho từng môn ra sao?
Giảm ngày thi, tăng môn thi THPT quốc gia 2017: Học sinh có quá tải?
Chỉ trong 2 ngày, thi trung bình tổng cộng 6 môn, trong đó có bài thi gộp 3 môn liên tục có quá tải với học sinh? Thời gian thực tế làm bài cho từng môn ra sao?
Đề thi trắc nghiệm liệu cứ chọn bừa cũng “ăn” điểm hay không?… Đây là những vấn đề được quan tâm trong kỳ thi tới.
Thi 3 môn liên tục có phản khoa học ?
Ông Nguyễn Văn Tấn, Hiệu trưởng THPT chuyên Lê Thánh Tông (Quảng Nam), chia sẻ băn khoăn: “Chúng tôi cũng chưa rõ cơ cấu đề thi của bài thi tổng hợp ra sao, nếu 150 câu của cả 3 môn trong một bài thi thì sẽ khác mà từng môn thi sẽ khác. Ví dụ, nếu hết một môn lại thu bài và phát đề của môn tiếp theo thì Bộ GD-ĐT phải tính thật kỹ về tính khoa học và đảm bảo thời gian làm bài thực có của mỗi môn thi. Giám thị phát đề mỗi môn cũng phải mất khoảng 15 phút, hết giờ một môn lại nộp bài, thì khâu thu bài cũng rất phức tạp và mất rất nhiều thời gian. Nếu gộp cả khâu phát đề, thu bài mỗi môn như vậy thì 150 phút cho 120 câu hỏi của 3 môn làm sao đủ thời gian thí sinh (TS) làm bài vì tối thiểu từ xưa tới nay thi một môn cũng phải là 60 phút?”.
TIN LIÊN QUAN
TP.HCM cấp tốc dạy và ôn theo kiểu thi trắc nghiệm
Trước những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, nhiều trường phổ thông ở TP.HCM đã bắt tay ngay vào việc đổi mới cách dạy, hướng học sinh tới các phương pháp làm bài thi trắc nghiệm.
Ông Tấn đề nghị Bộ GD-ĐT cần phải có hướng dẫn sớm để các trường còn thử nghiệm áp dụng cho học sinh (HS) lớp 12 trong các kỳ kiểm tra, tập dượt ở trường. Ông cũng lo lắng về áp lực đối với TS khi làm bài phải làm liền một lúc cả 3 môn thi. “Nếu là bài thi tích hợp sẽ khác còn khi chúng ta chỉ ghép cơ học 3 môn vào một bài thi thì áp lực sẽ lớn hơn rất nhiều lần. Về mặt khoa học, việc thi liền một lúc cả 3 môn là bất lợi cho tâm lý và sức khoẻ của TS. HS mà có học lực bình thường, sức khỏe không tốt lắm, thi xong 3 môn cũng ngất xỉu luôn”, ông Tấn nói.
Ông Nguyễn Trường Giang, Hiệu trưởng THPT chuyên Lào Cai, cũng cho rằng Bộ cần có hướng dẫn cụ thể về thời gian, cách thức làm bài thi tổ hợp. Với tính chất của kỳ thi THPT, nhiều loại HS khác nhau mà áp lực làm bài liên tục sẽ không tránh được căng thẳng đối với một bộ phận HS có học lực trung bình trở xuống”.
TIN LIÊN QUAN
Ngay sau khi phương án thi THPT quốc gia 2017 được công bố, các trường phổ thông đã có kế hoạch cho việc giảng dạy và ôn tập để phù hợp với cách thi mới.
Có chọn bừa vẫn đúng ?
Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên cho thấy, các trường đều quan tâm đặc biệt đến cách ra đề thi trắc nghiệm. Ông Hoàng Văn Phú, Phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng chỉ có những câu hỏi trắc nghiệm không đạt yêu cầu mới giúp TS dùng “mẹo làm trắc nghiệm” để tìm câu trả lời đúng. Nếu khâu ra đề thực hiện tốt thì chúng ta sẽ ngăn chặn được tiêu cực nói trên. “Đề thi cần được thiết kế trên cơ sở ma trận đề thi và người ra đề cần phải kiểm soát được các con đường tìm ra câu trả lời đúng”, ông Phú đề nghị.
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, đề nghị: “Trong đề thi, các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phân hoá phải được nghiên cứu sao cho hợp lý, làm sao đánh giá TS được khách quan nhất, đảm bảo mục tiêu của các bộ môn, mục tiêu xét tốt nghiệp, xét tuyển ĐH, CĐ”.
TIN LIÊN QUAN
Công bố phương án thi trung học phổ thông quốc gia 2017
Chiều nay (28.9), Bộ Giáo dục – Đào tạo công bố phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia theo hướng lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.
Cần điều động giảng viên ĐH tham gia coi thi
Trả lời tại cuộc họp báo công bố phương án thi 2017, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết sẽ lập các hàng rào kỹ thuật để đảm bảo tính khách quan, trung thực của kỳ thi. Tuy nhiên, đại diện một số sở GD-ĐT đề nghị vẫn cần tăng cường sự giám sát mang tính hữu hình.
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, đề nghị Bộ GD-ĐT phải tăng cường công tác bảo mật đề thi. Vì kỳ thi trải trên diện rộng khắp các vùng miền của cả nước; có vùng thuận lợi, có vùng khó khăn, điều kiện bảo mật, in sao, vận chuyển đề thi cũng khác nhau… Do vậy, Bộ phải có những giải pháp tăng cường, siết chặt công tác an toàn cho kỳ thi, đảm bảo tính khách quan, tạo được lòng tin của nhân dân vào kỳ thi, làm thước đo trung thực chất lượng giáo dục phổ thông và làm cơ sở tin cậy để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đầu vào. Ông Hùng còn đề xuất Bộ vẫn nên duy trì, điều động lực lượng cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ tham gia coi thi như năm ngoái.
TIN LIÊN QUAN
Những điểm mới về kỳ thi THPT: Mỗi thí sinh có một đề thi riêng
Nội dung và cách thức ra đề thi, quy định về làm bài, điểm thi trong bài thi tổ hợp, tổ chức dạy học thay đổi như thế nào… là những vấn đề được Bộ GD-ĐT giải thích trong buổi họp báo chiều qua 28.9.
Xếp thí sinh tự do ra sao ?
Một điểm trong phương án thi THPT 2017 khiến nhiều trường băn khoăn là việc bố trí phòng thi cho TS tự do chỉ có nguyện vọng thi từng phần bài thi tổ hợp. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing, đặt vấn đề quy chế thi hằng năm quy định 2 mốc thời gian cụ thể TS vào khu vực thi và TS bước vào phòng thi. Vậy năm nay với các TS tự do chỉ thi từng phần bài thi tổ hợp, việc có cho TS vào khu vực thi và phòng thi ngay từ đầu hay không cần phải tính kỹ và quy định rõ. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, đề xuất nên bố trí khu vực thi riêng dành cho TS tự do. Bài thi tổ hợp cần được tách ra thành 3 phần riêng, TS tự do dự thi như các môn riêng lẻ khác.
Phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 mới công bố còn một số điểm bất cập, nếu không chủ động lường trước sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn:
Việc dồn các môn thi vào 2 ngày, đặc biệt là ở buổi sáng ngày thi thứ nhất với hai môn ngữ văn và ngoại ngữ có thể quá sức với TS. Không những thế, khiến việc coi thi rất áp lực, dễ có sai sót.
Việc kết hợp liên môn trong một đề thi phải ra làm sao cho phù hợp? Nếu đề dài và khó quá, TS không đủ thời gian làm sẽ gây khó khăn cho mục đích xét tốt nghiệp, nhưng nếu đề thi ở mức trung bình sẽ khó cho việc phân loại để xét tuyển ĐH.
Hà Ánh – Trần Ngọc Tuấn
|
Ý kiến
Không hợp lý
Làm bài thi trắc nghiệm áp lực hơn bài tự luận và cần tập trung cao độ, vì thế mỗi bài thi tổ hợp có 120 câu với thời gian làm bài 150 phút là quá sức, bất hợp lý. Chưa kể việc tổ chức thi theo kiểu phát đề và thu bài từng môn sau 50 phút, thực chất TS đã phải thi 3 môn trong một buổi.
(Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.Tân Bình, TP.HCM)
Nên có riêng một buổi thi ngoại ngữ
TS phải thi 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và thêm bài thi tổ hợp. Với những TS đăng ký 2 tổ hợp thì khối lượng môn sẽ rất nhiều. Vậy việc tổ chức thi tất cả trong 2 ngày, mà lại là lần đầu tiên, sẽ gây ra nhiều áp lực cho TS. Sáng ngày thi thứ nhất TS phải hoàn thành bài thi văn, ngoại ngữ là quá tải với một kỳ thi quan trọng. Nên thêm một buổi thi cho bài thi ngoại ngữ”.
Dương Nhật Quang
(Giáo viên Trường THCS, THPT Hồng Đức, TP.HCM) Quy định sớm có miễn thi tiếng Anh hay không ?
Đề thi tiếng Anh năm 2017 bỏ phần tự luận khiến HS yếu kỹ năng viết cảm thấy trút được gánh nặng. Khi công bố phương án, chưa thấy Bộ đề cập đến những quy định miễn thi tiếng Anh. Nếu có thay đổi gì thì Bộ nên công bố sớm.
Lê Thanh Tùng
(Giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh, TP.HCM) Sợ thí sinh không chịu nổi áp lực
Do kiến thức thi trải đều trong cả chương trình nên thi trắc nghiệm không cho phép HS học tủ, học trọng tâm. Như vậy, để hoàn thành được tối thiểu 6 môn thi, HS buộc phải học một lượng kiến thức rất lớn. Theo quy định, bài thi tổ hợp gồm 120 câu hỏi làm trong 150 phút, như vậy mỗi câu hỏi TS chỉ có trung bình hơn 1 phút để làm. Thời gian thi lại đổ dồn vào 2 ngày sợ rằng nhiều TS sẽ không chịu nổi áp lực. Để việc đảm bảo bài thi trắc nghiệm đánh giá đúng năng lực, Bộ cần xem xét tính toán lại lượng thời gian cho mỗi câu hỏi.
Phan Thị Trang
(Giáo viên Trường THPT Lê Xoay, Vĩnh Phúc) Chỉ 20% câu hỏi giống nhau, khó xảy ra tiêu cực coi thi
Điểm hay nhất của phương án thi lần này là đề các môn trắc nghiệm có 20% câu hỏi giống nhau. Như vậy, có độ đánh giá chuẩn xác, khó xảy ra tiêu cực khi coi thi, hoàn toàn có thể giao về tỉnh thành tổ chức. Tuy nhiên “lấn cấn” ở khái niệm bài thi tổ hợp. Mỗi môn thi thành phần có 40 câu hỏi với mức độ khó tương đương với đề thi các năm trước. Như vậy khái niệm bài thi và môn thi không có sự khác biệt nên tính ra TS phải thi 6 môn. Theo quy định, một môn học không xếp thời khoá biểu quá 2 tiết trong một buổi vậy thì cũng không thể cho kiểm tra một lúc 3 môn trong một buổi”.
Trần Văn Toàn
(Giáo viên Trường THPT Marie Curie, TP.HCM) Lam Ngọc – Bích Thanh
(ghi) |
Tuệ Nguyễn