23/12/2024

Biển Đông và chiêu bài dân tộc tính

Báo Singapore ngày 29.9 cho rằng việc Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc bịa chuyện chỉ trích đảo quốc này vì vấn đề Biển Đông là nhằm xách động cảm tính dân tộc trong nước.

 

Biển Đông và chiêu bài dân tộc tính

Báo Singapore ngày 29.9 cho rằng việc Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc bịa chuyện chỉ trích đảo quốc này vì vấn đề Biển Đông là nhằm xách động cảm tính dân tộc trong nước.




Hội nghị cấp cao phong trào không liên kết (NAM) lần thứ 17 diễn ra ở Venezuela /// Reuters

Hội nghị cấp cao phong trào không liên kết (NAM) lần thứ 17 diễn ra ở VenezuelaREUTERS

The Straits Times (ST), tờ báo tiếng Anh có uy tín trong khu vực và được cho là “tiếng nói” của chính phủ Singapore, hôm qua đăng bài thuật lại diễn biến liên quan đến vấn đề Biển Đông tại Hội nghị cấp cao phong trào không liên kết (NAM) lần thứ 17 ở Venezuela từ 17 – 18.9.
Nhiều nước muốn phản ánh tình hình Biển Đông
Dẫn những nguồn tin trực tiếp tham gia hội nghị, trong đó đại diện Singapore là Quốc vụ khanh cao cấp của Bộ Ngoại giao Maliki Osman, ST cho biết không chỉ Singapore mà nhiều quốc gia khác đã lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông. Trước khi hội nghị chính thức diễn ra, Indonesia, một thành viên sáng lập NAM, đã đạt được thoả thuận với chủ tịch luân phiên Venezuela rằng một đoạn về tình hình Biển Đông do ASEAN đồng thuận thảo ra sẽ được đưa vào tuyên bố chung của hội nghị.
Tuy nhiên, ngày 15.9, Ecuador trong vai trò điều phối viên khu vực Đông Nam Á của NAM đã phản đối việc này. Ecuador nói họ làm vậy thay mặt một số quốc gia, nhưng không nêu tên. Chủ nhà Venezuela sau đó đã ngăn cản ASEAN đưa vấn đề Biển Đông ra bàn thảo tại hội nghị và quyết định giữ nguyên mục 449 trong tuyên bố chung của Hội nghị NAM lần thứ 16 năm 2012 ở Iran.
Việc này khiến trưởng đoàn Indonesia do Phó tổng thống Jusuf Kalla đại diện lên tiếng phản đối tại hội nghị. Đồng thời, Indonesia cũng thúc Lào, với vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN, có ý kiến phản đối. Tuy nhiên, do Lào khi đó không có trong tay bản thảo nội dung mà ASEAN muốn đưa vào tuyên bố nên đề nghị đại diện Singapore đọc thay. Cũng trong ngày hội nghị kết thúc, Lào đã gửi thư cho Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela thể hiện thái độ bất đồng của ASEAN trước việc mục 449 về tình hình Biển Đông không được cập nhật và yêu cầu bức thư được kèm vào phụ lục của tuyên bố chung.
Nội dung bản thảo mà ASEAN đề nghị đưa vào tuyên bố chung cũng như bức thư của Lào ngày 18.9 có đoạn: “Các lãnh đạo ASEAN chia sẻ sự quan ngại nghiêm trọng về những diễn biến gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông”, bao gồm hoạt động bồi đắp nhân tạo, gia tăng thiết bị quân sự và khả năng quân sự hoá nhiều hơn các tiền đồn ở đây.
Kích động dân tộc tính
 Đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Loh sau đó đã gửi thư cho Tổng biên tập tờ Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến, lên án “bài báo vô trách nhiệm” đã “bịa đặt” và đưa ra “các cáo buộc vô căn cứ”.
Đáp lại, ông Hồ ngạo mạn nói: “Singapore nên cảm thấy nhục nhã khi ra sức thách thức Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của mình”. Chưa hết, thái độ trịch thượng của Hoàn Cầu lại được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bênh vực, khiến Singapore tiếp tục cuộc khẩu chiến bằng một bức thư ngỏ gửi cho cả báo giới lúc 0 giờ 33 phút ngày 28.9 và một lần nữa yêu cầu Hoàn Cầu đăng nguyên văn bức thư đầu tiên của Đại sứ Loh.
Tờ Hoàn Cầu ngày 28.9 đã đăng nguyên văn bức thư thứ nhất của ông Loh bằng tiếng Hoa bên cạnh thư của ông Hồ và bài báo ngày 21.9.
Biển Đông và chiêu bài dân tộc tính - ảnh 1

Ông Hồ Tích Tiến (trái) khẩu chiến với Đại sứ Stanley LohSCMP

Cuộc khẩu chiến giữa hai quốc gia từ đó tạm lắng, nhưng cuộc chiến của cư dân mạng lại bắt đầu. Trên trang Weibo, nơi ông Hồ chọn đăng phản hồi của mình, một số người phê bình tờ Hoàn Cầu và Tổng biên tập Hồ, nhưng không ít người chỉ trích Singapore và cảnh cáo nước này nên tránh xa vấn đề Biển Đông.
Bình luận về vụ này, chuyên gia truyền thông Kiều Mộc (Qiao Mu) nói với báoST rằng ông “không lấy làm lạ” bởi Hoàn Cầu thời báo “nổi tiếng ưa kích động dân tộc tính ở độc giả Trung Quốc”.
Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, cựu nhà báo hiện là chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) chi nhánh châu Á William Choong nói báo Hoàn Cầu “thiếu chuyên nghiệp”. “Việc đăng bài chỉ trích một quốc gia khác chỉ dựa trên một nguồn tin, vốn rất có khả năng nhận định mọi việc theo cái nhìn chủ quan, là thiếu chuyên nghiệp”, ông nói.
Ông Choong cũng không loại trừ khả năng tờ báo này chủ trương kích động dân tộc tính trong bối cảnh trong và ngoài Trung Quốc sắp có những biến động chính trị như Hội nghị T.Ư đảng lần thứ 6 vào tháng 10 nhằm chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng vào năm sau, và bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Ông Choong gọi cuộc khẩu chiến do phụ san của Nhân Dân nhật báo khơi mào là “một biểu hiện xấu” và dự đoán tình hình sắp tới “còn lắm chuyện hơn”.

 

Thục Minh 
(Văn phòng Singapore)