23/01/2025

Những điểm mới về kỳ thi THPT: Mỗi thí sinh có một đề thi riêng

Nội dung và cách thức ra đề thi, quy định về làm bài, điểm thi trong bài thi tổ hợp, tổ chức dạy học thay đổi như thế nào… là những vấn đề được Bộ GD-ĐT giải thích trong buổi họp báo chiều qua 28.9.

 

Những điểm mới về kỳ thi THPT: Mỗi thí sinh có một đề thi riêng

Nội dung và cách thức ra đề thi, quy định về làm bài, điểm thi trong bài thi tổ hợp, tổ chức dạy học thay đổi như thế nào… là những vấn đề được Bộ GD-ĐT giải thích trong buổi họp báo chiều qua 28.9.




Học sinh lớp 12 năm nay sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia với nhiều thay đổi  /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học sinh lớp 12 năm nay sẽ tham gia kỳ thi THPT quốc gia với nhiều thay đổiẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Quy định thời gian và điểm từng phần trong bài thi tổ hợp
Về bài thi tổ hợp, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết mỗi bài thi sẽ được chia thành 3 phần tương ứng với 3 môn học. Do sẽ có những thí sinh (TS) chỉ có nhu cầu sử dụng kết quả thi của 1 – 2 phần (chứ không phải cả 3 phần) nên Bộ quy định thời gian làm bài cho từng phần, mỗi phần 50 phút. TS làm hết phần này sẽ chuyển sang làm phần khác. Bài thi tổng hợp sẽ có điểm của từng phần và tổng điểm của bài thi. Các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng điểm của từng phần để xét tuyển, ví dụ như khối A sẽ lấy điểm bài thi toán và phần thi hoá, lý trong bài thi tổ hợp.


Bộ quy định điểm liệt của mỗi bài thi độc lập (theo thang 10 điểm) và của mỗi môn thành phần (theo thang 10 điểm) các bài thi tổ hợp đều là 1 điểm.
Tối thiểu 60% kiến thức cơ bản
 
 
Sẽ hoàn thiện ngân hàng đề thi
Ông Bùi Văn Ga cho biết Bộ đã bắt đầu triển khai việc tập hợp lực lượng gồm các nhà khoa học, các thầy giáo có nhiều kinh nghiệm trong việc ra đề thi thành các nhóm để xây dựng ngân hàng câu hỏi. Dự kiến các nhóm sẽ làm việc liên tục từ giờ đến tháng 5.2017 để chuẩn bị số lượng câu hỏi đủ lớn cho kỳ thi. Ông Ga cũng cho hay hiện đang làm việc với Trung tâm khảo thí của ĐH Quốc gia Hà Nội. ĐH này thi theo đánh giá năng lực nhằm mục đích chính là tuyển sinh ĐH còn kỳ thi THPT quốc gia là nhằm 2 mục đích, nên đề thi cũng sẽ khác so với đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ông Ga khẳng định đầu tháng 10, Bộ sẽ công bố để các trường có thể hình dung về đề thi 2017 và làm căn cứ tổ chức dạy học, ôn tập phù hợp. Ông cũng cảnh báo, hiện nay trên mạng hoặc các trung tâm luyện thi bắt đầu xuất hiện những đề thi được quảng cáo là đề minh họa của Bộ. Điều đó hoàn toàn không đúng.
Về đề án của TP.HCM, ông Ga cho biết Bộ vừa nhận được đề án chính thức chiều 28.9 nên chưa kịp xem xét và có câu trả lời. Bộ sẽ trả lời chính thức trong thời gian tới.

 

Phóng viên Thanh Niên đặt câu hỏi về cách thức ra đề, tỷ lệ bao nhiêu cho kiến thức ở mức độ cơ bản và kiến thức nâng cao để phân hoá TS, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết: “Trong thực tế, kỳ thi năm 2015 và 2016 đề thi phải thiết kế bao gồm kiến thức ở mức độ cơ bản để phục vụ mục đích xét tốt nghiệp và phần phân hóa để xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Hai năm vừa qua tỷ lệ cơ bản khoảng 60% và nâng cao khoảng 40% trong đề thi. Đây là mức tối thiểu, còn khi xây dựng ma trận đề thi và ngân hàng câu hỏi sẽ có sự tính toán hợp lý để bảo đảm đạt được mục tiêu của kỳ thi, phù hợp với thời gian làm bài và phương thức thi”.

Về việc tại sao phương án chính thức lại điều chỉnh số câu hỏi thi trắc nghiệm lên gấp đôi đối với 2 bài thi tổ hợp và từ 40 câu lên thành 50 câu của đề thi môn ngoại ngữ so với dự thảo, ông Trinh lý giải: “Xét về mặt lý thuyết thì số lượng câu hỏi như dự thảo đưa ra cũng có thể đáp ứng được mục tiêu của kỳ thi nhưng khó khăn hơn. Sau khi tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và các thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy thì Bộ đã có sự điều chỉnh số lượng câu hỏi cho phù hợp hơn nhưng cũng không quá sức của TS trong quá trình làm bài”. Ông Trinh cho biết thêm ngân hàng câu hỏi sẽ vừa đảm bảo độ tin cậy, vừa đảm bảo đủ số lượng để mỗi TS trong một phòng thi có đề thi khác nhau, với mức độ trùng lặp cho phép là 20%. Như vậy sẽ hạn chế tới mức thấp nhất HS có thể quay cóp, để đảm bảo độ tin cậy của kết quả kỳ thi.
Hàng rào kỹ thuật đảm bảo tính nghiêm túc
Về tính nghiêm túc của kỳ thi khi giao cho các sở GD-ĐT chủ trì, ông Bùi Văn Ga cho rằng 2 năm vừa qua Bộ phải nhờ đến các trường ĐH nhưng năm tới Bộ đã có một hàng rào kỹ thuật nhằm đảm bảo tính nghiêm túc cho kỳ thi. Đó là hầu hết các môn đều thi trắc nghiệm và mỗi TS có một đề thi riêng. Sẽ không có chuyện TS quay cóp nhau trong quá trình làm bài thi. Kết quả sẽ được chấm bằng máy quét nên loại được sai số, chuyện tiêu cực xảy ra trong quá trình chấm thi. Vì thế, Bộ tin tưởng kỳ thi sẽ có kết quả khách quan, trung thực, để các trường có thể tin cậy, dùng để xét tuyển.


Trả lời lo ngại của báo chí về việc bùng nổ các trung tâm luyện thi trắc nghiệm, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho rằng dù hình thức thi như thế nào cũng không thể chấm dứt được hoàn toàn luyện thi. Bộ đã có hướng dẫn khá đầy đủ, chi tiết về thực hiện nhiệm vụ đối với giáo dục trung học năm học 2016 – 2017 và nếu các trường thực hiện đúng theo tinh thần của hướng dẫn đó thì HS thi THPT quốc gia năm 2017 hoàn toàn không phải lo lắng gì nhiều. Bộ yêu cầu các trường vừa dạy cho HS tốt về kiến thức, kỹ năng vừa phải trang bị cho HS làm quen, thuần thục với phương thức thi trắc nghiệm. Ông Ga nói thêm: “Tôi tin rằng phương thức thi trắc nghiệm, đánh giá năng lực người học sẽ giúp cho việc luyện thi biến mất dần. Thi trắc nghiệm sẽ kiểm tra bao quát chương trình giáo dục phổ thông nên việc luyện thi theo kiểu học lệch, học tủ sẽ không có tác dụng”.


 

7 lưu ý quan trọng về kỳ thi
1. Tổ chức thi 5 bài, gồm: 3 bài thi độc lập: toán, ngữ văn, ngoại ngữ; 2 bài thi tổ hợp: Khoa học tự nhiên (tổ hợp lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (tổ hợp sử, địa, giáo dục công dân đối với giáo dục THPT; tổ hợp sử, địa đối với GDTX).
2. Các bài thi toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Bài thi ngữ văn thi theo hình thức tự luận.
3. Thí sinh THPT thi 4 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 3 bài thi bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và một bài thi tự chọn (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội). TS hệ GDTX thi 3 bài để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, gồm 2 bài thi bắt buộc (toán, ngữ văn) và một bài thi tự chọn (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội). TS có thể dự thi cả 4 bài thi; điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT; TS có thể thi thêm bài thi ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.
4. Đề thi cho mỗi môn thành phần của các bài thi tổ hợp có 40 câu hỏi trắc nghiệm; đề thi của bài thi toán, ngoại ngữ có 50 câu hỏi trắc nghiệm. Mỗi câu hỏi trắc nghiệm có 4 phương án trả lời với duy nhất một phương án trả lời đúng. Đề bài thi ngữ văn có phần đọc hiểu và phần làm văn.
5. Về thời gian làm bài, mỗi môn thành phần của các bài thi tổ hợp 50 phút, bài thi ngữ văn 120 phút, toán 90 phút, ngoại ngữ: 60 phút.
6. Tổ chức thi 2 ngày trong tháng 6.2017. Ngày thứ nhất: Buổi sáng thi ngữ văn và ngoại ngữ; buổi chiều thi toán. Ngày thứ hai: Buổi sáng thi bài thi khoa học tự nhiên; buổi chiều thi bài thi khoa học xã hội.
7. Phương thức tính điểm xét tốt nghiệp: Điểm các bài thi tốt nghiệp và điểm trung bình cả năm lớp 12 có tỷ lệ tương ứng 50 : 50.


 

Tuệ Nguyễn – Quý Hiên