23/01/2025

Hoạnh hoẹ Singapore, sai lầm của Trung Quốc

Giới chuyên gia nhận định việc truyền thông Trung Quốc dùng lời lẽ nặng nề tấn công Singapore trong vấn đề Biển Đông là một bước đi sai lầm.

 

Hoạnh hoẹ Singapore, sai lầm của Trung Quốc

Giới chuyên gia nhận định việc truyền thông Trung Quốc dùng lời lẽ nặng nề tấn công Singapore trong vấn đề Biển Đông là một bước đi sai lầm.




Ông Hồ Tích Tiến (trái) khẩu chiến với Đại sứ Stanley Loh /// SCMP

 

Ông Hồ Tích Tiến (trái) khẩu chiến với Đại sứ Stanley LohSCMP

Hoàn Cầu thời báo, phụ san của tờ Nhân Dân nhật báo, hôm 21.9 đăng bài tiếng Hoa cáo buộc Singapore muốn yêu cầu nước chủ nhà Hội nghị cấp cao Phong trào không liên kết (NAM) lần thứ 17 đưa vào tuyên bố chung tình hình Biển Đông và phán quyết của Tòa trọng tài thường trực LHQ (PCA) về vụ kiện chống Trung Quốc của Philippines vào phút chót “khiến các thành viên khác phản đối”. NAM diễn ra tại đảo Venezuela từ ngày 17 – 18.9 với sự tham dự của 120 thành viên (gồm đủ 10 nước ASEAN), 17 quốc gia và 10 tổ chức quan sát viên, trong đó có Trung Quốc.
Bài báo dẫn nguồn giấu tên nói rằng đại diện Singapore “kích động”, “giận dữ”, đưa ra “những phát biểu mỉa mai” các thành viên khác, thậm chí dùng “ngôn từ xúc phạm”.
Đại sứ Singapore tại Trung Quốc Stanley Loh nhanh chóng gửi thư đến Tổng biên tập Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến, phản đối “bài báo vô trách nhiệm” đăng toàn “cáo buộc bịa đặt và vô căn cứ, bỏ qua tất cả sự thật”. Đại sứ Loh khẳng định Singapore không đưa ra đề nghị như trên mà thực tế là Lào, với tư cách Chủ tịch luân phiên ASEAN, đã gửi nước chủ nhà thư đề nghị cập nhật phần về tình hình đáng lo ngại ở Biển Đông trong phụ lục của tuyên bố chung.
Đáp lại, ông Hồ Tích Tiến tiếp tục lên trang Weibo tuyên bố nguồn tin của Hoàn Cầu là “nghiêm túc và đáng tin cậy”. Ông này cho rằng ông Loh không tham dự NAM nên không phải là “nhân chứng”, mà “hẳn là chính phủ của ông yêu cầu ông nói như vậy”. Chưa hết, “tôi nghĩ Singapore nên cảm thấy nhục nhã khi ra sức thách thức Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của mình”, tổng biên tập này viết.
Bên cạnh đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ra sức bênh vực Hoàn Cầu, chỉ trích “một số quốc gia cá biệt” đã đòi đưa “nội dung lệch lạc” vào tuyên bố chung của NAM. Dù không chỉ thẳng Singapore, nhưng ông Cảnh cuối cùng cũng nói: “Trung Quốc và Singapore nên hiểu và tôn trọng lập trường của nhau”.
Thái độ trịch thượng của Trung Quốc khiến Singapore “lên máu”. Vào 0 giờ 33 ngày 28.9, Bộ Ngoại giao Singapore gửi đến báo chí bức thư của đại sứ Loh phản hồi ông Hồ Tích Tiến. Trong thư, ông Loh nhấn mạnh: “Điều cốt lõi ở đây là bài báo của Hoàn Cầu không phản ánh đúng diễn biến hội nghị NAM”. Ông Loh cho biết thêm Singapore tham dự toàn bộ quá trình họp, trong khi Hoàn Cầu không hề có phóng viên đưa tin mà chỉ dựa vào nguồn tin không tên tuổi.
Chia sẻ với Thanh Niên, một cán bộ quốc phòng Singapore chuyên theo dõi tình hình Biển Đông nói: “Chúng tôi chẳng hiểu tại sao Bắc Kinh lại đổ lỗi cho Singapore”.
Trả lời điều này, chuyên gia William Choong thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) chi nhánh châu Á cho rằng có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là Trung Quốc muốn “tranh thủ dư luận quốc tế” như từng làm khi liên tục tuyên bố được nước này nước nọ ủng hộ trong vấn đề Biển Đông trước thềm phán quyết PAC. Thứ hai là muốn tấn công quốc gia điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, vốn rất rõ ràng trong lập trường về Biển Đông.
“Lập trường của Singapore về vấn đề Biển Đông rõ ràng, không có gì gây tranh cãi, phản ánh đúng các nguyên tắc luật pháp quốc tế. Nhưng điều đó lại làm Bắc Kinh tức giận”, ông Choong nhận định với Thanh Niên.
“Chọn Singapore để tấn công là sai lầm”, ông Choong nói và nhắc lại Singapore chưa bao giờ chùn chân trước bất kỳ áp lực nào. “Vậy hành động của Trung Quốc đối với Singapore có khiến các quốc gia ASEAN khác ngại ngần trong việc thể hiện bất đồng với Bắc Kinh không?”.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên, ông Choong khẳng định: “Việc đó không giúp Bắc Kinh làm bạn được với các nước nhỏ khác mà chỉ đẩy các nước này chọn lựa khôn ngoan hơn đối tác để làm thân, không những trong vấn đề Biển Đông mà còn nhiều vấn đề khác”.

 

Thục Minh 
(Văn phòng Singapore)