23/12/2024

Indonesia và tham vọng khai thác điện núi lửa

Quốc gia có nhiều núi lửa nhất thế giới đang nuôi tham vọng tận dụng nguồn nhiệt năng khổng lồ này để cung cấp điện.

 

Indonesia và tham vọng khai thác điện núi lửa

Quốc gia có nhiều núi lửa nhất thế giới đang nuôi tham vọng tận dụng nguồn nhiệt năng khổng lồ này để cung cấp điện.




Một nhà máy địa nhiệt ở Indonesia	 /// Ảnh: AFP

Một nhà máy địa nhiệt ở IndonesiaẢNH: AFP

Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia có hơn 130 ngọn núi lửa, hàng chục trong số đó vẫn đang hoạt động. Không những đã xây dựng chiến lược quốc gia ứng phó mối nguy hiểm luôn chực chờ này, Jakarta nay đặt mục tiêu táo bạo là biến núi lửa thành nguồn cung cấp địa nhiệt khổng lồ.
Địa nhiệt đã được nhiều nước khai thác từ lâu nhưng quy mô còn rất nhỏ giọt, và cũng chưa bên nào “dám” đụng đến núi lửa mà chỉ sử dụng các nguồn năng lượng như hơi nước ngầm nhiệt độ cao dưới lòng đất. Trong khi đó, theo AFP, Indonesia hiện vẫn chủ yếu sử dụng nhiệt điện từ trữ lượng lớn than đá và dầu mỏ. Nước này cũng đã lắp đặt hệ thống khai thác địa nhiệt theo cách truyền thống có công suất khoảng 1.400 MW, đủ cung cấp cho khoảng 1,4 triệu hộ gia đình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định con số này chỉ bằng khoảng 5% tiềm năng địa nhiệt khai thác từ núi lửa.
Thương hiệu điện núi lửa
Mới đây, theo AFP, Indonesia chính thức công bố kế hoạch khai thác địa nhiệt từ núi lửa với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn tất xây dựng các “nhà máy điện núi lửa” đạt tổng công suất 7.200 MW. Đây là một phần trong kế hoạch đẩy mạnh khai thác các nguồn năng lượng tái tạo và đưa Indonesia lên vị trí dẫn đầu về sản lượng điện từ địa nhiệt với thương hiệu điện núi lửa đầu tiên trên thế giới.
Indonesia và tham vọng khai thác điện núi lửa 2

Núi lửa Rinjani phun trào trên đảo Lombok, IndonesiaẢNH: REUTERS

Địa nhiệt là năng lượng được tách ra từ nhiệt trong lòng trái đất, có nguồn gốc từ sự hình thành ban đầu của hành tinh, từ hoạt động phân hủy phóng xạ của các khoáng vật và từ năng lượng mặt trời được hấp thụ tại bề mặt trái đất. Nguồn địa nhiệt có thể nằm tương đối nông dưới mặt đất, các mạch nước nóng và đá ngầm tương đối sâu hơn và cuối cùng là magma nóng chảy trong lòng các ngọn hoả diệm sơn. Đây được xem là nguồn năng lượng sạch, hiệu quả về kinh tế lâu dài và rất thân thiện với môi trường, khi phát ra lượng khí nhà kính không đáng kể trong quá trình khai thác. Điện địa nhiệt hiện được khai thác ở 24 nước, với tổng công suất 12,8 GW. Mỹ đứng đầu danh sách với 3.548 MW. Các nước sản xuất điện địa nhiệt chiếm hơn 15% tổng sản lượng điện quốc gia gồm Philippines, El Salvador, Kenya, Iceland và Costa Rica. Tuy nhiên, nhược điểm là với công nghệ hiện nay, chỉ mới có thể khai thác địa nhiệt từ các tầng nông dưới mặt đất nên chưa tận dụng được hết tiềm năng. Theo ước tính của Hiệp hội Năng lượng Mỹ, thế giới chỉ mới khai thác khoảng 6,5% tiềm năng địa nhiệt.
Với kế hoạch mới, Indonesia là quốc gia đầu tiên đặt quyết tâm “tấn công” vào núi lửa. Cách đây 2 năm, nước này đã thông qua đạo luật mở đường cho tham vọng trên khi quy định thăm dò địa nhiệt không được tính là khai thác khoáng sản, nhằm “né” luật cấm hoạt động khai khoáng tại các rừng phòng hộ quanh núi lửa. Chính phủ cũng đang nỗ lực thuyết phục các địa phương với lời cam kết phân bổ đầu tư 1% trên tổng doanh thu từ điện địa nhiệt khai thác trong khu vực. Trước đó, một số địa phương ra sức phản đối việc xây dựng các hệ thống dẫn hơi nóng địa nhiệt với nhiều lý do khác nhau. Ông Abadi Poernomo, người đứng đầu Hiệp hội Địa nhiệt Indonesia, tỏ ra lạc quan về viễn cảnh khai thác nguồn năng lượng này. “Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đến Indonesia với dự định phát triển địa nhiệt”, AFP dẫn lời ông nói.
Nguy cơ động đất, phun trào
Tuy được xem là một trong những nguồn năng lượng vượt trội hiện nay so với than đá, dầu mỏ hay thuỷ điện nhưng khai thác địa nhiệt vẫn có rủi ro. Do nguồn địa nhiệt tập trung nhiều ở vị trí tiếp giáp của các mảng kiến tạo địa chất nên khai thác có thể dẫn đến nguy cơ gây động đất.
Năm 2006, một dự án địa nhiệt gần TP.Basel (Thụy Sĩ) bị cho là đã gây ra một loạt động đất 3,4 độ Richter khi khoan vào một vết đứt gãy. Chỉ 6 ngày sau khi dự án khởi động đã xảy ra động đất 2,9 độ Richter, kéo theo hàng loạt dư chấn và động đất khác, với đỉnh điểm lên đến 3,4 độ Richter. Không có thiệt hại về người nhưng hàng ngàn ngôi nhà bị hư hại, còn người dân phải sống trong sợ hãi khi thành phố liên tục rung chuyển. Trước làn sóng phản đối kịch liệt, dự án đã bị đình chỉ và chính thức hủy bỏ vào năm 2009. Hiện Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ đang tiến hành nghiên cứu nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa nguy cơ động đất khi khai thác địa nhiệt và dự kiến kết quả sẽ được công bố vào tháng 7.2017.
Vì thế, nhiều chuyên gia đã tỏ ra lo ngại về tham vọng của Indonesia khi công nghệ địa nhiệt hiện nay chưa được chứng minh là sẽ hiệu quả và an toàn khi áp dụng cho núi lửa. Nếu không cẩn trọng có thể dẫn đến những thảm hoạ động đất và phun trào khổng lồ, không những tàn phá nước này mà còn có thể ảnh hưởng cả khu vực.
Mặt khác, AFP dẫn lời giới quan sát cho rằng kế hoạch khai thác điện núi lửa khó có thể diễn ra đúng kỳ hạn, do những thách thức về thủ tục, trong khi những dự án lớn tại Indonesia “khét tiếng” là thường bị trì hoãn và trễ tiến độ. Hiện nay, để xây một nhà máy địa nhiệt cần 29 loại giấy phép của các bộ ngành. Bên cạnh đó, việc thương lượng với chính quyền địa phương cũng mất nhiều thời gian và vô cùng phức tạp. Ngoài ra, dù được đánh giá là rất hiệu quả về lâu dài nhưng do hạn chế công nghệ nên chi phí thăm dò, khai thác địa nhiệt hiện nay khá cao. Theo Hiệp hội Địa nhiệt Indonesia, xây 1 nhà máy điện địa nhiệt tốn 4 – 5 triệu USD cho mỗi megawatt công suất, trong khi chi phí tương ứng đối với nhiệt điện là 1,5 – 2 triệu USD. Các nhà đầu tư cũng thường than phiền về giá bán điện địa nhiệt cho công ty điện nhà nước quá thấp và không đủ bù chi phí đầu vào.
Vì những lý do trên, chuyên gia tư vấn Daniel Wicaksana, thuộc Công ty Frost and Sullivan Indonesia, cho rằng sẽ “cực kỳ khó” để chính phủ đạt được mục tiêu vào năm 2025. Ngay cả quan chức Ego Syahrial, thuộc Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia, cũng thừa nhận: “Thật sự tiến độ thực hiện mục tiêu không khả quan lắm”.

 

Khánh An