23/01/2025

Trung Quốc ‘mắc nghẹn’ ở Myanmar

Trong bài bình luận độc quyền cho Thanh Niên, học giả Brahma Chellaney phân tích nỗ lực của Myanmar không cho Trung Quốc xây đập Myitsone.

 

Trung Quốc ‘mắc nghẹn’ ở Myanmar

Trong bài bình luận độc quyền cho Thanh Niên, học giả Brahma Chellaney phân tích nỗ lực của Myanmar không cho Trung Quốc xây đập Myitsone.



Trung Quốc là “fan cuồng” của những con đập. Trong 50 năm qua, nước này đã xây lượng đập nhiều hơn tất cả những quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên có một dự án vẫn đang khiến Bắc Kinh hậm hực “nuốt không trôi”: đập Myitsone ở Myanmar.
Đầu xuôi đuôi không lọt
Theo kế hoạch ban đầu, đập Myitsone sẽ nằm trên dòng chảy chính của sông Irrawaddy, tuyến giao thông huyết mạch của Myanmar. Được đưa ra vào thời điểm Myanmar còn hứng chịu cấm vận từ phương Tây, bị cô lập trên trường quốc tế và phụ thuộc kinh tế vào nước láng giềng khổng lồ, dự án này có mục tiêu chính là tạo ra điện để bán lại cho Trung Quốc. Sâu xa hơn nữa là những tính toán lợi ích về chiến lược và địa chính trị. Một sự hiện diện chắc chắn trên sông Irrawaddy, vốn chảy từ khu vực gần biên giới 2 nước đến biển Andaman, hứa hẹn cung cấp cho Trung Quốc một tuyến hải hành thương mại tới châu Âu rẻ và ngắn hơn.
Không chỉ vậy, dự án Myitsone nói riêng và sự ràng buộc Myanmar nói chung sẽ rất có lợi cho tham vọng của Trung Quốc muốn thách thức lợi thế của Ấn Độ xung quanh Ấn Độ Dương.
Tất cả diễn biến khá suôn sẻ cho đến năm 2011, chỉ 2 năm sau khi dự án 3,6 tỉ USD được khởi động. Khi đó, chính phủ Myanmar bất ngờ ra lệnh đình chỉ công trình đập Myitsone – một cái tát vào thể diện của Trung Quốc. Hướng đến cải cách dân chủ, chính quyền Tổng thống Thein Sein mong muốn xóa bỏ quan niệm Myanmar là nhà nước phụ thuộc vào Trung Quốc.
Ông Thein Sein đã đạt được mục tiêu của mình. Nhiều ý kiến cho rằng quyết định đảo ngược dự án đập Myitsone là một trong những bước ngoặt quan trọng nhất cho quá trình chuyển tiếp dân chủ của Myanmar. Sau đó là một loạt động thái cởi mở giúp nới lỏng cấm vận và đưa Myanmar thoát khỏi tình trạng bị cô lập, đồng nghĩa với thoát khỏi quan hệ phụ thuộc với Trung Quốc. Sau cuộc bầu cử lịch sử năm ngoái, Myanmar đã có chính quyền dân sự mới do đảng NLD của cựu tù chính trị Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Dù không ngồi ghế tổng thống nhưng bà Suu Kyi hiện là nhân vật nắm thực quyền cao nhất tại nước này hiện nay.
Trong thời gian qua, quan hệ giữa Myanmar với Trung Quốc trở nên lạnh nhạt đáng kể. Sau khi công trình đập Myitsone bị đóng băng, nhiều dự án đập và năng lượng khác cũng đình trệ dù các công ty Trung Quốc đã hoàn tất những đường ống dẫn dầu và khí đốt trị giá hàng tỉ USD từ bờ biển phía tây Myanmar đến miền nam Trung Quốc.
Dù vậy, sau khi lên cầm quyền, bà Suu Kyi tỏ ra không muốn trở nên cực đoan thái quá và đã có một số động thái làm ấm quan hệ. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bà trên cương vị mới là đến Bắc Kinh hồi tháng 8.2016. Lợi dụng điểm này, phía Trung Quốc đang liên tục tạo sức ép để Myanmar khởi động lại dự án Myitsone.
Trung Quốc 'mắc nghẹn' ở Myanmar

Biểu tình phản đối xây đập trên sông Irrawaddy ở MyanmarTHE WALL STREET JOURNAL

“Thực dân mới”
Bắc Kinh đã cảnh báo rằng nếu không khôi phục dự án, Naypyidaw sẽ phải bồi thường 800 triệu USD. Cách đây 3 tháng, Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Hồng Lượng tuyên bố Myanmar nên trả 50 triệu USD tiền lãi cho mỗi năm đập Myitsone bị đắp chiếu. Ông Hồng tiếp tục “dụ” rằng nếu dự án hoàn tất, Myanmar “có thể thu lời cao” bằng cách xuất khẩu phần lớn điện cho Trung Quốc.
Myanmar cũng không hẳn là hoàn toàn phớt lờ áp lực từ Trung Quốc. Bà Suu Kyi đã cho thành lập một ủy ban 20 thành viên đánh giá lại các dự án thủy điện hiện hữu và được đề xuất dọc sông Irrawaddy, kể cả thỏa thuận Myitsone. Tuy nhiên, theo tôi, rất ít khả năng là bà Suu Kyi, người đã chỉ trích dữ dội dự án Myitsone khi còn ở phe đối lập, sẽ cho tái khởi động dự án. Động thái thành lập uỷ ban đánh giá rõ ràng nhằm phần nào xoa dịu Trung Quốc nhưng quyết định khôi phục công trình đập Myitsone sẽ gây tổn hại rất lớn về chính trị và dư luận đối với chính phủ Myanmar.
Thực tế ở Myanmar, dự án Myitsone bị nhiều người xem là biểu hiện cho chính sách chủ nghĩa thực dân mới, được thiết kế để mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước nhỏ, thỏa mãn lòng tham tài nguyên bất chấp tình trạng và nhu cầu của nước sở tại. Bằng chứng rõ nhất là Trung Quốc đòi mua phần lớn lượng điện từ dự án trong khi nhiều khu vực của Myanmar vẫn chìm trong cảnh thiếu điện triền miên. Hơn nữa, việc xây đập Myitsone đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người dân địa phương. Nhiều nông dân và ngư dân ở khu vực buộc phải di dời tìm kế sinh nhai ở nơi khác, châm ngòi cho một đợt phản đối dữ dội.
Tình trạng Trung Quốc cố cưỡng bách để hồi sinh dự án Myitsone đang khơi dậy làn sóng chống đối mới ở Myanmar. Ngay trong lúc bà Suu Kyi ở Bắc Kinh, nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã nổ ra. Vào thời điểm mà Myanmar đang được tất cả cường quốc và nhà đầu tư quốc tế quan tâm, chính phủ và người dân nước này không cần phải cắn răng chịu đựng tổn thất về con người và môi trường từ các dự án của Trung Quốc như trước.
Đã đến lúc Bắc Kinh phải nhận thức rằng quyết định kết liễu dự án Myitsone là không thể đảo ngược. Nước này có thể hy vọng uỷ ban của bà Suu Kyi đưa ra một số đề xuất mang tính giữ thể diện như bồi thường hoặc bật đèn xanh cho các dự án thuỷ điện nhỏ hơn, thân thiện với môi trường hơn. Tuy nhiên, với việc bà Suu Kyi quyết theo chính sách ngoại giao trung lập, những ngày Trung Quốc thu gom tài nguyên từ Myanmar bất chấp tổn hại về con người và môi trường đã chấm dứt.
Bóng hình Trung Quốc trong những con đập
Ngoài Myitsone, Trung Quốc cũng đang tham gia một số dự án đập thủy điện gây tranh cãi khác tại Đông Nam Á. Công ty Sinohydro của nước này là đơn vị cung cấp thiết bị và tổ chức thi công chính trong dự án đập Don Sahong, vừa được khởi công hồi tháng 8 ở tỉnh Champasak, miền nam Lào. Nhà đầu tư chính của dự án là Tập đoàn Mega First Corporation Berhad (Malaysia).
Tờ The Sun Daily hôm 22.9 dẫn thông báo của Bộ Năng lượng, Công nghệ xanh và Tài nguyên nước Malaysia cho hay nước này cùng Thái Lan và Lào vừa ký biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi thỏa thuận mua bán điện giữa Malaysia và Lào với đường dây truyền tải quá cảnh qua Thái Lan. Theo thỏa thuận, Malaysia sẽ mua đến 100 MW điện từ Lào vào năm 2018.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn hợp tác đầu tư xây đập Hạ Se Sang 2 ở Campuchia. Dự án trị giá khoảng 800 triệu USD này chắn ngang sông Se Sang, một nhánh lớn của sông Mê Kông, và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2019. Trên thực tế, các nhà khoa học và chính phủ nhiều nước trong khu vực rất lo ngại về tác hại khôn lường của các dự án đập trên sông Mê Kông như Don Sahong, Hạ Se Sang 2, Xayaburi… đối với môi trường sinh thái và đời sống của hàng chục triệu người.
Minh Trung

 (Văn Khoa chuyển ngữ)

 

Brahma Chellaney 
(Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách Ấn Độ)