Nguy cơ thảm hoạ do Trung Quốc mất kiểm soát trạm không gian
Các chuyên gia Trung Quốc thừa nhận không còn kiểm soát được Thiên Cung-1 và trạm không gian này sẽ rơi tự do xuống trái đất vào năm 2017.
Nguy cơ thảm hoạ do Trung Quốc mất kiểm soát trạm không gian
Các chuyên gia Trung Quốc thừa nhận không còn kiểm soát được Thiên Cung-1 và trạm không gian này sẽ rơi tự do xuống trái đất vào năm 2017.
Từ nhiều tháng qua, các chuyên gia theo dõi hoạt động vệ tinh nhiều nước đã phát hiện Thiên Cung-1 có dấu hiệu bất thường như ngừng thu thập thông tin cũng như đột ngột ngừng liên lạc về trái đất. Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng Trung Quốc đã không còn kiểm soát được phòng thí nghiệm không gian của mình. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh giữ im lặng trong thời gian dài và gần đây mới xác nhận thông tin này.
Lời thừa nhận muộn màng
Trung Quốc phóng Thiên Cung-1 cách đây 5 năm nhằm làm cơ sở phát triển các trạm không gian có kích cỡ lớn hơn với nhiệm vụ cụ thể là thử nghiệm việc thu thập dữ liệu không gian và ghép nối với tàu vũ trụ. Sự kiện Thiên Cung-1 lên quỹ đạo trái đất vào ngày 29.9.2011 được giới truyền thông quốc gia đưa tin rầm rộ, kèm theo những lời ca tụng đầy hoa mỹ.
Với chiều dài khoảng 10,5 m, trọng lượng 8,5 tấn, trạm không gian có thể chứa tối đa 3 phi hành gia trong 20 ngày. Giới chức Bắc Kinh gọi Thiên Cung-1 là mốc thành công đầu tiên trong nỗ lực xây dựng một trạm không gian dài ngày trên quỹ đạo vào đầu thập niên 2020.
Theo kế hoạch, sau khi Thiên Cung-1 hoàn thành nhiệm vụ, trạm kiểm soát dưới mặt đất sẽ gửi mệnh lệnh đưa cỗ máy khổng lồ này hạ độ cao dần dần cho đến khi tới điểm an toàn và rơi vào tầng khí quyển xuống vị trí đã định, thường là rơi xuống biển hoặc những khu vực không có người sinh sống. Tuy nhiên, có vẻ như giới hữu trách Trung Quốc cũng xác định được số phận cuối cùng của trạm không gian này.
Theo Tân Hoa xã, trong cuộc họp báo nhân sự kiện phóng trạm không gian Thiên Cung-2 hồi tuần trước, đại diện Cơ quan Kỹ thuật không gian có người điều khiển (CMSE) cho biết Thiên Cung-1 “đã kết thúc thành công sứ mệnh của mình và sẽ rơi trở lại trái đất vào cuối năm 2017”. Điều đáng nói là cơ quan này thừa nhận chưa thể xác định được thời gian và địa điểm cụ thể.
Tờ The Guardian dẫn lời các chuyên gia phương Tây nhận định lời thừa nhận này là dấu hiệu cho thấy quá trình trở về của Thiên Cung-1 sẽ không phải là một cuộc rơi có kiểm soát như những đợt “đánh rớt” vệ tinh không sử dụng của các nước khác.
Giới chức Trung Quốc cho biết đến thời điểm hiện nay, Thiên Cung-1 vẫn là một khối nguyên vẹn và đang xoay quanh trái đất trên quỹ đạo có độ cao hơn 360 km. Tuy nhiên, một số chuyên gia phương Tây cho biết dường như trạm không gian này có dấu hiệu hạ độ cao với tốc độ chưa thể xác định.
Nguy cơ thảm hoạ
Ngay từ tháng 6, chuyên trang Space đã dẫn lời chuyên gia theo dõi vệ tinh Thomas Dorman (Mỹ) cảnh báo rằng dựa trên quan sát của ông, Thiên Cung-1 đã thoát khỏi tầm kiểm soát của mặt đất.
“Nếu tôi đúng, Trung Quốc sẽ chờ đến phút chót mới thừa nhận trước thế giới rằng trạm không gian của họ có vấn đề”, ông Dorman nói khi đó. Sau thông tin mới nhất từ CMSE, chuyên gia này nhận định nhiều khả năng các mảnh vỡ của Thiên Cung-1 sẽ rơi xuống biển hoặc những khu vực hoang vắng.
Xác suất xảy ra thương vong không cao do phân nửa dân số loài người đang tập trung cư ngụ trên 2,9% bề mặt trái đất. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo do đây là một vụ rơi không có kiểm soát nên nguy cơ đáp trúng các khu vực đông dân cư hoàn toàn có thể xảy ra và khi đó sẽ là một thảm hoạ.
Trong khi đó, Space dẫn lời tiến sĩ Dean Cheng thuộc Quỹ Heritage (Mỹ) cho rằng việc nhà chức trách Trung Quốc giữ im lặng về hoạt động của Thiên Cung-1 trong thời gian dài có nghĩa là họ không thể kiểm soát vấn đề. “Thiên Cung-1 dường như đang rời quỹ đạo một cách tự do. Khi bạn cần đưa những vật thể lớn rời khỏi quỹ đạo, bạn phải có kinh nghiệm để lèo lái chúng trở lại bầu khí quyển”, ông nói.
Tương tự, nhà vật lý học thiên thể Jonathan McDowell tại ĐH Harvard (Mỹ) cảnh báo nếu thật sự Thiên Cung-1 rơi tự do thì sẽ rất khó xác định thời gian và địa điểm “hạ cánh”. “Phải gần đến sát ngày cỗ máy trở lại bầu khí quyển thì mới có thể xác định thời điểm và sai số cũng lên đến 6 hoặc 7 tiếng đồng hồ. Không biết thời điểm thì cũng đồng nghĩa với việc không biết vị trí điểm rơi”, ông nói với The Guardian.
Đáp lại các lo ngại, Phó giám đốc CMSE Ngô Bình tuyên bố: “Dựa trên các tính toán và phân tích của chúng tôi, hầu hết các phần của phòng thí nghiệm trên không sẽ bị tiêu huỷ trong quá trình rơi qua khí quyển”. Tuy nhiên, tiến sĩ McDowell dự đoán vẫn sẽ có những mảnh vỡ nặng cỡ 90 kg có thể vượt qua quá trình ma sát khi vào lại bầu khí quyển để rơi xuống mặt đất. Có lẽ bản thân giới chuyên gia Trung Quốc cũng không “chắc ăn” khi CMSE cam kết sẽ theo dõi sát sao tình hình và “nếu có nguy hiểm” thì sẽ nhanh chóng phát cảnh báo cho thế giới, theo Hãng thông tấn Sputnik.
Trong quá trình rơi lại trái đất sau khi chấm dứt nhiệm vụ, đa phần các vệ tinh nhỏ bị đốt cháy hoàn toàn khi đi qua bầu khí quyển. Đối với những vật thể lớn hơn, phương pháp thường được áp dụng là hạ độ cao hợp lý và kiểm soát để rơi xa khu vực dân cư. Theo Space, một vùng biển thuộc Thái Bình Dương cách New Zealand khoảng 4.000 km về hướng đông lâu nay vẫn được xem là nghĩa địa của các vật thể vũ trụ nhân tạo. Những phần còn sót lại của Trạm không gian Mir (Nga) và hơn 100 vệ tinh của nhiều nước đều được “thuỷ táng” tại đây.
Thật ra, Thiên Cung-1 không phải là trường hợp đầu tiên rơi không kiểm soát trong lịch sử chinh phục không gian của nhân loại. Năm 1979, trạm không gian đầu tiên của Mỹ là Skylab nặng 77 tấn lao xuống phía tây nước Úc, bất chấp nỗ lực điều hướng của NASA. Nhiều mảnh vụn rớt tại khu vực gần sát thị trấn Esperance, cách TP.Perth khoảng 480 km về hướng đông nam. Dù may mắn không có thương vong và thiệt hại gì nhưng Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã gửi lời xin lỗi người dân và chính phủ Úc; còn chính quyền Esperance quyết định xuất giấy phạt 400 USD đối với Washington Mỹ về tội… xả rác, theo Space.
|
Thuỵ Miên