Ngư dân kêu khó vay vốn đóng tàu vươn khơi
Dù một số ngư dân Phú Yên sau khi vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ đã làm ăn có hiệu quả, nhưng nhiều ngư dân khác muốn tiếp cận nguồn vốn này lại gặp nhiều trở ngại.
Ngư dân kêu khó vay vốn đóng tàu vươn khơi
Dù một số ngư dân Phú Yên sau khi vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ đã làm ăn có hiệu quả, nhưng nhiều ngư dân khác muốn tiếp cận nguồn vốn này lại gặp nhiều trở ngại.
Đi biển hiệu quả nhờ thiết bị hiện đại
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, từ khi triển khai Nghị định (NĐ) 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đến nay ngư dân trong tỉnh đã hạ thủy, đưa vào hoạt động 8 tàu (4 tàu vỏ gỗ, 4 tàu vỏ thép). Trong số 8 tàu cá đã hoạt động, 6 tàu cá hoạt động có lãi cao. Riêng 4 tàu vỏ gỗ hành nghề lưới vây rút chì, khai thác chủ yếu các loại cá nục, cá ngừ ồ, ngừ chù… mỗi tàu lãi từ 100 – 200 triệu đồng/chuyến biển. Đây là thành công bước đầu của quá trình hiện đại hoá đội tàu khai thác xa bờ.
Ngư dân Võ Văn Lành ở P.6 (TP.Tuy Hoà) là chủ 2 tàu cá PY 98976 TS và PY 98789 TS được đóng mới theo NĐ 67, hạ thủy từ tháng 10.2015 đến nay đã ra khơi 15 chuyến biển, trừ các khoản chi phí còn lãi hơn 2,4 tỉ đồng. “Thành công này là nhờ tàu có công suất lớn, các thiết bị hiện đại nên dò tìm luồng cá khá chính xác và đánh bắt rất hiệu quả. Gia đình tôi hy vọng các chuyến biển tiếp theo sẽ bắt được nhiều cá hơn nữa”, ông Lành chia sẻ.
Ông Trương Văn Công ở xã Hòa Hiệp Nam (H.Đông Hoà), chủ tàu cá vỏ thép PY 99997 TS, cho biết tàu cá của ông hạ thủy từ tháng 6.2016 đến nay đã đánh bắt được một chuyến, bắt được 18 tấn cá ngừ ồ, ngừ chù và hơn 50 tấn cá nục tròn, bán được trên 700 triệu đồng. Trừ các chi phí, gia đình ông Công lãi 300 triệu đồng. Ông Công bộc bạch: “Chuyến biển đầu tiên chúng tôi đánh bắt thành công là nhờ được cơ sở đóng tàu chuyển giao công nghệ, hướng dẫn sử dụng các trang thiết bị hiện đại. Đánh bắt hải sản hiện nay nếu không có các trang thiết bị hiện đại này thì sẽ không thành công”.
Cần tháo “nút thắt” từ ngân hàng
Thấy hiệu quả, nhiều ngư dân muốn vay vốn đóng mới tàu cá nhưng phía ngân hàng đánh giá vốn đối ứng không đảm bảo… Ngư dân Nguyễn Bảy ở xã Hoà Hiệp Nam (H.Đông Hoà) cho biết: “Hiện gia đình tôi có 1 tàu cá công suất 150 CV hoạt động nghề lưới vây với trang thiết bị khá đầy đủ và hoạt động hiệu quả. Sau khi tham khảo tàu vỏ thép của ông Trương Văn Công, gia đình tôi cũng muốn vay vốn đóng mới thêm một chiếc với công suất và trang thiết bị tương tự. Tuy nhiên, để giảm chi phí, gia đình tôi chọn đóng mới tàu cá vỏ composite hành nghề lưới vây, dự kiến khoảng 14 tỉ đồng. Hồ sơ đã được xã và huyện phê duyệt, nhưng khi các ngân hàng tiếp cận thì họ cho rằng chúng tôi không đủ điều kiện vì thiếu vốn đối ứng”.
Theo ông Bảy, quy định hiện hành nếu đóng mới tàu composite, nhà nước cho vay 95%, còn lại 5% là vốn đối ứng của ngư dân; nghĩa là nếu ông Bảy vay 14 tỉ đồng chỉ cần đối ứng 700 triệu đồng. “Gia đình tôi đã gửi tiết kiệm vào ngân hàng 740 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa có ngân hàng nào đồng ý cho vay. Tôi mong muốn UBND tỉnh Phú Yên xem xét, có hướng chỉ đạo, giúp gia đình tôi được vay vốn đóng mới một tàu cá hiện đại để vươn khơi làm ăn”, ông Bảy kiến nghị.
Tương tự, ngư dân Trần Thiện Hào ở xã Hòa Hiệp Nam cũng muốn vay vốn theo NĐ 67 để đóng mới tàu composite trị giá khoảng 14 tỉ đồng. Gia đình ông Hào cũng đã gửi tiết kiệm ngân hàng 700 triệu đồng nhưng chưa có ngân hàng thương mại nào trên địa bàn đồng ý cho vay.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, khó khăn nhất hiện nay đối với việc triển khai NĐ 67 là các ngân hàng thương mại trên địa bàn khá dè dặt trong việc cho vay. Các tàu đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh hoạt động theo tổ đội, nhưng đến nay vẫn chưa có tàu dịch vụ hậu cần công suất lớn đi cùng, đã làm hạn chế thời gian bám biển, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế không cao.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện nay một số cảng cá trên địa bàn tỉnh không đảm bảo cho các tàu cá đóng mới theo NĐ 67 cập cảng nên ngư dân thường xuyên bán cá ở các tỉnh khác, chưa tạo ra chuỗi hoạt động có hiệu quả. Tỉnh cũng cần quan tâm thu hút đầu tư cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tốt hơn, có cơ chế để ngư dân vay vốn đóng mới tàu dịch vụ hậu cần công suất lớn nhằm nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ theo tổ đội.
Bàn giao tàu cá vỏ thép đóng mới cho ngư dân
Công ty TNHH MTV Nam Triệu (thuộc Cục Hậu cần kỹ thuật, Bộ Công an) vừa bàn giao 7 tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 cho ngư dân H.Hoài Nhơn (Bình Định, ảnh). Mỗi tàu có tổng mức đầu tư 16,9 tỉ đồng, trong đó Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài cho vay 95% và gia đình đóng góp 5%. Tiếp đó, Công ty đóng tàu Phà Rừng cũng bàn giao tàu cá vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 cho ngư dân Phan Thanh Trị (ở P.Phú Đông, TP.Tuy Hoà, Phú Yên). Tàu có công suất máy chính 829 CV, dài 27,88 m, rộng 7,2 m và chiều cao mạn 3,15 m, đảm bảo hoạt động trên biển trong vòng 30 ngày.
Bảo Thoa – Đức Huy
|
Đức Huy