Lũ không về, ứng phó thế nào đây?
Trước tình hình lũ không về ở ĐBSCL và thời tiết diễn biến phức tạp, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về giải pháp cho ngành nông nghiệp.
Lũ không về, ứng phó thế nào đây?
Trước tình hình lũ không về ở ĐBSCL và thời tiết diễn biến phức tạp, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về giải pháp cho ngành nông nghiệp.
Bà con nông dân xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp cho biết do không có lũ nên cá linh ngày càng ít – Ảnh: T.TÚ |
Ông Nguyễn Xuân Cường đưa ra dự báo: “Khả năng xâm nhập mặn trong thời gian mùa khô 2016-2017 xuất hiện sớm trong các tháng đầu năm 2017 và có khả năng tiếp tục diễn biến bất thường”.
* Theo dự báo, có khả năng lũ nhỏ hoặc lũ không về ĐBSCL. Trước tình hình này, ông có khuyến cáo gì để giúp bà con nông dân ĐBSCL ổn định cuộc sống và bảo đảm ngành nông nghiệp phát triển bền vững?
– Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tăng cường công tác dự báo chuyên ngành, triển khai quy hoạch lại vùng trồng thích ứng, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sắp xếp lại mùa vụ, cơ cấu giống và áp dụng nhiều kỹ thuật canh tác.
Cụ thể một số nội dung chính đã và sẽ được triển khai để đối phó với tình trạng thời tiết trên cho mùa vụ 2016-2017 theo kế hoạch. Tiếp tục tổ chức đo đạc, dự báo về xâm nhập mặn trong thời gian tới. Từ đó giúp các cơ quan liên quan, người dân triển khai việc phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Ngoài ra, bộ chỉ đạo bố trí lại cơ cấu sản xuất và thời vụ lúa chính để thích ứng với tình trạng hạn, mặn như: vụ đông xuân ở vùng ven biển cần xuống giống trong tháng 11 và 12 (sớm hơn các năm trước 15-20 ngày) để bảo đảm thu hoạch vào tháng 1 và 2-2017, nhằm tránh trùng thời điểm mặn xâm nhập cao. Đồng thời khuyến cáo sử dụng các giống lúa ngắn ngày, chịu mặn tốt.
Cuối cùng, bộ đề xuất Chính phủ tăng cường công tác thuỷ lợi, bảo đảm cung cấp đủ nước cho cây trồng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường – Ảnh: CHÍ QUỐC |
* Việc quy hoạch vùng cho khu vực ĐBSCL trong việc canh tác nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đã được bộ đặt ra và triển khai như thế nào?
– Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch thủy lợi ĐBSCL đến năm 2050. Từ đó làm cơ sở thực hiện quy hoạch chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp.
Bộ NN&PTNT đang tổ chức thực hiện dự án rà soát quy hoạch thủy lợi phục vụ tái cấu trúc ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL với mục tiêu chính là sử dụng nguồn nước hiệu quả và bảo vệ nguồn nước, kể cả nước ngọt, nước mặn và nước lợ;
Điều chỉnh, bổ sung các giải pháp công trình và phi công trình theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển thế mạnh thuỷ sản và phát triển bền vững; đồng thời cập nhật tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để theo kịp tác động ngày càng bất lợi của biến đổi khí hậu.
Để đối phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, lũ không về, trước mắt Bộ NN&PTNT đã đề nghị Thủ tướng hỗ trợ đầu tư các công trình khẩn cấp phòng chống hạn hán, mặn xâm nhập từ năm 2016.
Còn về lâu dài, Bộ NN&PTNT đã xây dựng danh mục các dự án trọng điểm ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng ĐBSCL.
Trong đó một số công trình trọng điểm được đề nghị như: đầu tư nâng cấp tuyến đê Biển Đông thuộc bán đảo Cà Mau; hoàn thiện hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít; bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ Trà Vinh…
Nhiều việc phải làm ngay Để giải quyết các khó khăn, Bộ NN&PTNT đã và tiếp tục tạo điều kiện để nông dân thay đổi tập quán canh tác, thích ứng hơn với điều kiện hạn, mặn ở những vùng bị ảnh hưởng. Hoàn thiện chính sách giúp nông dân liên kết với các doanh nghiệp chế biến, các tổ chức thu mua và tiêu thụ sản phẩm xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành mạng lưới sản xuất – chế biến – phân phối – tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, việc kết nối các hoạt động cung ứng, dịch vụ với sản xuất nông nghiệp để chuyển sang phương thức sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng nguyên liệu theo chuỗi ngành hàng chiến lược mạnh, bám sát thị trường quốc tế, có thương hiệu sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. |