Ishigaki không khuất phục
Thành phố Ishigaki xinh xắn nằm trên một hòn đảo nhỏ cùng tên ở cực nam tỉnh Okinawa, là đơn vị hành chính quản lý đảo Senkaku/Điếu Ngư.
VÀO VÙNG BIỂN NÓNG HOA ĐÔNG – KỲ CUỐI:
Ishigaki không khuất phục
Thành phố Ishigaki xinh xắn nằm trên một hòn đảo nhỏ cùng tên ở cực nam tỉnh Okinawa, là đơn vị hành chính quản lý đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thu hoạch cá của ngư dân TP Ishigaki – Ảnh: Tấn Vũ |
“Nhà nước luôn tạo điều kiện hết mình cho ngư dân bằng các chính sách tài chính như cho vay lãi suất thấp, đầu tư cơ sở hạ tầng, các bến cảng để ngư dân an tâm đánh bắt. Về các chính sách quốc tế chúng tôi phải điều chỉnh các chính sách ngư nghiệp, các hiệp ước và luật biển để bảo vệ ngư dân của mình |
Ông Haraguchi Daishi |
Đứng trưa, những chiếc thuyền câu cá ngừ bắt đầu cập cảng sau một đêm giăng câu. Những chiếc cần cẩu nặng nề kéo các thùng cá trong hầm đá dưới tàu đổ lên sàn nhà ngay cầu cảng.
Những ông bà chủ của nhiều nhà hàng trong vùng chen nhau nhặt những con cá ngừ vây vàng ưng ý nhất để phục vụ cho thực khách buổi tối.
Nhớ ngư trường Senkaku
Ông Higa, 63 tuổi, một ngư dân cự phách của vùng vừa cân xong gần 2 tấn cá ngừ và 3 tạ cá Akamachi thu về hơn 200.000 yen (khoảng 40 triệu đồng) cho một đêm ra khơi.
Số tiền trên chia đều cho ba người thợ câu và trừ các khoản chi phí thì không phải là số thu nhập quá lớn so với ngư dân bình thường ở Ishigaki.
Châm điếu thuốc lá, ông Higa bảo: “Chỉ sáu năm trước thôi, Senkaku khi đó không có bóng dáng của tàu Trung Quốc, ngư dân Ishigaki đánh bắt rất thảnh thơi. Gần đây tàu cá, tàu hải cảnh họ vào đông và quấy nhiễu, chúng tôi được các nhà chức trách khuyên nên đánh bắt ngư trường khác. Đi nhưng rất tiếc và ấm ức lắm”.
Ngoài cá ngừ, ở Senkaku còn sở hữu một loài cá ngon nức tiếng trong vùng mà chỉ những ngư dân sành ăn mới dùng để ăn sống.
Đó là loài cá toàn thân màu đỏ, mõm cá xoè to như những chiếc lồng đen, nặng khoảng 10kg, sống ở độ sâu hơn 100m dưới đáy biển, người địa phương gọi là cá Hamadai.
Ông Higa dắt chúng tôi lên con tàu câu cá của mình. Đó là con tàu bằng composite, sơn màu trắng, số hiệu ON3-70806, tải trọng khoảng 20 tấn.
“Ở Ishigaki này không ai sắm tàu lớn. Những con tàu như chúng tôi chạy 4-6 giờ là đến Senkaku để đánh bắt. Chúng tôi đi câu cá ngừ đại dương thời gian cũng chỉ một tuần là dài nhất” – ông Higa kể.
Hì hục dưới khoang tàu chưa đến 10 phút, ông Higa mang lên một đĩa cá sống và một ít nước chấm do chính tay ông làm để mời khách. “Cá Hamadai đấy! Một trong ba loài cá ngon nhất Nhật Bản” – ông Higa nói.
Những lát cá sống rất dẻo và không có mùi tanh, vị ngọt đậm đà ở cổ họng rất khó quên. Ông Higa bảo ngày trước quanh vùng Senkaku cá ngừ đại dương rất nhiều. Ông từng bắt những con cá ngừ đại dương to đến 450kg mang về bán đấu giá ở chợ cá của thành phố Kyushu.
Sự bất bình của ông thị trưởng
Ông Haraguchi Daishi – chuyên viên đàm phán nghề cá Ban quốc tế Tổng cục Thuỷ sản Nhật Bản – cho biết dù ngành thuỷ sản chỉ đóng góp 0,1% GDP cho nền kinh tế đất nước nhưng chính quyền luôn quan tâm đến ngư dân, ngư trường, tài nguyên và lãnh hải.
Là đơn vị hành chính quản lý Senkaku, thị trưởng thành phố Ishigaki, ông Nakayama Toshitaka, cho rằng đối với quần đảo này sự thật về lịch sử và chủ quyền đã có và việc Trung Quốc dùng sức mạnh của họ để thay đổi hiện trạng khiến người dân và chính quyền thành phố hết sức bất bình.
“Chúng tôi nghĩ rằng những người dân đánh cá lo lắng nhiều về vấn đề này. Mới đây không những tàu đánh cá mà cả tàu chiến Trung Quốc cũng đến khu vực Senkaku khiến chúng tôi lo lắng về những tiêu cực có thể gia tăng. Tuy nhiên chúng tôi sẽ không khuất phục và buông xuôi vì điều đó” – Thị trưởng Nakayama Toshitaka cho biết.
Ông thị trưởng cho rằng khi Trung Quốc mạnh lên và đặc biệt, việc tuyên bố nhiều vùng biển khác cũng thuộc về họ thì thành phố của ông nằm trong diện rủi ro cao.
“Ishigaki trước đây chỉ có ba tàu cảnh sát biển nhưng nay tăng lên 16 chiếc. Tại thành phố chúng tôi không có lực lượng phòng vệ Nhật Bản nên chúng tôi đã đề nghị lực lượng phòng vệ tăng cường giám sát cho thành phố của mình” – ông Nakayama Toshitaka nói.
Những ưu thế của Nhật Bản
Giáo sư Iokibe Makoto, nguyên giám đốc Học viện Phòng vệ Nhật Bản, cho rằng năng lực quốc phòng thật sự của Trung Quốc 25 năm sau chiến tranh lạnh đã tăng lên 40 lần. Trong khi đó Nhật Bản không thay đổi và đây là sự nguy hiểm của nước Nhật.
Cũng theo giáo sư Iokibe Makoto, vào năm 2010 năng lực quốc phòng thật sự của Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn còn những ưu thế là lực lượng bảo vệ bờ biển khá mạnh và kiểm soát được Senkaku.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản sẵn sàng gửi đến Senkaku số lượng tàu vượt trội Trung Quốc để bảo vệ lãnh hải của mình.
Thứ hai là năng lực tàu ngầm của Nhật Bản rất mạnh. Nhật Bản có thể phát hiện các tàu ngầm của Trung Quốc từ rất xa.
Vào năm 2005, Nhật Bản đã phân tích được những âm thanh khác nhau về những loại tàu ngầm của Trung Quốc, từ đó biết được niên đại sản xuất và sự cải tiến của chúng.
Thứ ba, Nhật Bản có thế mạnh về lực lượng tên lửa phòng thủ.
“Công ty Mitsubishi của Nhật Bản thừa kế năng lực sản xuất tên lửa từ sau chiến tranh lạnh với Nga. Họ cải tiến tầm bắn, tốc độ, độ nhạy trong điều khiển. Khi xung đột nổ ra, các chiến hạm của Trung Quốc có thể bị đánh chìm. Nếu xung đột xảy ra Nhật Bản đáp ứng được khả năng phòng vệ của mình” – giáo sư Iokibe Makoto nói.
Không thể bỏ qua vai trò của Mỹ trong chính sách an ninh quốc phòng của Nhật Bản, giáo sư Iokibe Makoto cho rằng chính sách ngoại giao quốc phòng đặc biệt với Mỹ rất quan trọng trong chính sách an ninh Nhật Bản.