24/12/2024

Cuộc đua tàu ngầm ở châu Á

Trong ba cường quốc tàu ngầm của thế giới, châu Á chiếm tới hai đại diện. Triều Tiên là quốc gia sở hữu nhiều tàu ngầm nhất thế giới với 78 tàu, nhiều hơn so với 72 tàu của Hoa Kỳ và 69 tàu của Trung Quốc.

 

Cuộc đua tàu ngầm ở châu Á

 Trong ba cường quốc tàu ngầm của thế giới, châu Á chiếm tới hai đại diện. Triều Tiên là quốc gia sở hữu nhiều tàu ngầm nhất thế giới với 78 tàu, nhiều hơn so với 72 tàu của Hoa Kỳ và 69 tàu của Trung Quốc.

 

 

 

Cuộc đua tàu ngầm ở châu Á
Lực lượng tàu ngầm 182 và 183 duyệt binh nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam tại quân cảng Cam Ranh, Khánh Hoà – Ảnh: TIẾN THÀNH

Bất chấp sự phát triển ngày càng tinh vi, hiện đại của các loại vũ khí và phương tiện chống ngầm, tàu ngầm vẫn nằm trong sự lựa chọn của nhiều quốc gia ven biển trong chiến lược quốc phòng.

Nhộn nhịp Biển Đông

Trong số các bên đang có tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc đang dẫn đầu về số lượng tàu ngầm với 69 chiếc với nhiều chủng loại, từ tàu ngầm thông thường đến tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Ngoài 12 tàu ngầm lớp Kilo được mua từ Nga, các lớp tàu ngầm còn lại đều được Trung Quốc tự phát triển trong nước trên cơ sở sao chép công nghệ nước ngoài.

Không thể phủ nhận những nỗ lực của Trung Quốc đã cho ra đời các thế hệ tàu ngầm đủ sức khiến Mỹ quan ngại. Đơn cử như tàu ngầm lớp Thương thế hệ mới với định danh Type 093B được cho là có năng lực tấn công tương đương tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles của Mỹ.

Song song đó, Trung Quốc cũng cho xây thêm căn cứ tàu ngầm mới. Đáng chú ý nhất là căn cứ hải quân Tam Á trên đảo Hải Nam hướng thẳng ra Biển Đông.

Trước yêu sách chủ quyền vô lý và các động thái hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã tăng cường năng lực quân sự bằng các hợp đồng mua sắm tàu ngầm mới.

Đang tạm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á là Hải quân Singapore với 6 tàu ngầm được mua từ Thuỵ Điển. Hải quân Indonesia và Malaysia lần lượt sở hữu 3 và 2 tàu ngầm nhưng cũng đang lên kế hoạch mua thêm từ Đức và Hàn Quốc.

Trước cuộc đua trong khu vực, Hải quân Thái Lan cũng không chịu kém cạnh khi công bố đấu thầu hợp đồng mua sắm tàu ngầm đầu tiên của nước này.

Cuối năm 2015, khi Trung Quốc gần như chắc chắn thắng thầu và cung cấp tàu ngầm cho Thái Lan, chính quyền Bangkok đã đột ngột hoãn hợp đồng.

Chiến thuật bầy sói

Nếu tính rộng ra trên phạm vi toàn cầu, CHDCND Triều Tiên mới là quốc gia sở hữu nhiều tàu ngầm nhất thế giới với 78 tàu, nhiều hơn so với 72 tàu của Hoa Kỳ và 69 tàu của Trung Quốc.

Các tàu ngầm này mặc dù không hiện đại nhưng có ưu thế về số đông, do đó có thể áp dụng chiến thuật bầy sói, tức là nhiều tàu tấn công cùng lúc một mục tiêu.

Tương tự, Iran cũng duy trì đội tàu tên lửa, tàu rải mìn đông đảo và áp dụng chiến thuật bầy sói. Đa số các tàu này đều có tải trọng nhỏ, tốc độ cao nhưng được trang bị vũ khí mạnh, có thể đánh chìm nhiều tàu cỡ lớn, có giá trị gấp nhiều lần.

Những đội tàu này trong thời gian qua đã không ít lần khiến các tàu chiến của Mỹ phải “nóng mặt” và lo ngại khi chạm trán ở eo biển Hormuz.

Bàn về chiến tranh trên biển, nhà nghiên cứu Rod Thomton thuộc Đại học Kings (Anh) trong cuốn sách Asymmetric warfare: Threat and response in the 21st century (tạm dịch: Chiến tranh phi đối xứng: Nguy cơ và phản ứng trong thế kỷ 21) đã nêu ra bốn “vũ khí” tác chiến phi đối xứng mà các lực lượng hải quân nhỏ hơn có thể sử dụng.

Thứ nhất là các loại tên lửa bờ và pháo bờ biển. Thứ hai là sử dụng tàu ngầm. Thứ ba là các loại mìn dưới nước. Và thứ tư là các loại tàu tấn công nhanh gần bờ.

Việt Nam với chủ trương hòa bình và quyền phòng vệ chính đáng, dù ngân sách quốc phòng hạn chế nhưng đã ký hợp đồng mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga năm 2009.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hải quân Việt Nam đã nhận được 5 chiếc trong số này và sẽ đón nhận chiếc thứ 6 vào cuối năm nay.

Dân sự hay quân sự?

Hiểu được tầm quan trọng của việc thăm dò địa hình và các tuyến giao thương trên Biển Đông, nhiều nước đã tiến hành thăm dò khu vực ngay từ những năm 1920, 1930.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng bắt đầu để ý nhiều hơn đến công tác thăm dò đáy biển.

Nhiều lượt tàu thăm dò gắn mác tìm dầu của Trung Quốc đã được đưa xuống Biển Đông hoạt động.

Trung Quốc bắt đầu chế tạo thêm nhiều tàu lặn thế hệ mới có khả năng lặn sâu hơn để phục vụ công tác thăm dò đáy biển. Điển hình như tàu lặn Giao Long từng lập kỷ lục lặn sâu hơn 7.000m hồi năm 2012.

Gần đây nhất, đáng chú ý nhất là dự án thăm dò đáy biển khổng lồ, được mệnh danh là “trạm không gian dưới biển” của Trung Quốc tại Biển Đông.

Dự án này có thể chuyển đổi mục đích sử dụng từ dân sự sang quân sự vào bất kỳ thời điểm nào nếu muốn và được xếp nằm thứ 2 trong tổng số 100 dự án được ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc.

DUY LINH