24/12/2024

Xoay trục của Mỹ kẹt bánh răng Philippines

Nền ngoại giao “độc lập” mà chính quyền Manila đang hướng tới về lâu dài có thể khiến chính sách “xoay trục châu Á” của Mỹ gặp không ít trắc trở.

 

Xoay trục của Mỹ kẹt bánh răng Philippines

Nền ngoại giao “độc lập” mà chính quyền Manila đang hướng tới về lâu dài có thể khiến chính sách “xoay trục châu Á” của Mỹ gặp không ít trắc trở.

 

 

 

Xoay trục của Mỹ kẹt bánh răng Philippines
Tổng thống Duterte (giữa) liên tục có các cuộc tiếp xúc với giới quân nhân Philippines – Ảnh: Reuters

Theo nhật báo Inquirer, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong bài phát biểu mới đây trước sư đoàn bộ binh số 10 tại Mawab, tỉnh Compostela Valley đã làm rõ hơn một số quan điểm của ông về quan hệ với đồng minh Mỹ. Theo lời ông Duterte, Philippines cần sự hiện diện của quân đội Mỹ để bảo vệ trước các cuộc xâm nhập ở khu vực Biển Đông, nhưng điều này không có nghĩa ông muốn gây chiến với Trung Quốc…

Trung Quốc nói họ lo lắng cho tôi, vì vậy họ đề nghị bán vài chiếc máy bay

Tổng thống Philippines RODRIGO DUTERTE

“Tôi chả cần F-16”

Đề cập chuyện “đánh nhau với Trung Quốc” thì đây không phải lần đầu tiên giới lãnh đạo Philippines lên tiếng bác bỏ. Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Perfecto Yasay trong buổi nói chuyện tại Đại sứ quán Philippines ở Washington (Mỹ) cũng nhắc đến ý này và nói đó là lý do Manila đang dọn đường cho đàm phán song phương với Bắc Kinh về tranh chấp Biển Đông.

“Chúng ta không có đủ vũ khí và chúng ta cũng không sẵn sàng chiến tranh với Trung Quốc. Ngày nào còn nắm quyền thì tôi phản đối ý tưởng này, vì nó sẽ là một trận thảm sát” – ông Duterte phát biểu trước các binh sĩ Philippines ngày 20-9.

Về phát ngôn “muốn đuổi quân đội Mỹ khỏi Philippines” gây ồn ào thời gian gần đây, tổng thống Philippines đính chính: “Một lúc nào đó trong tương lai, tôi sẽ yêu cầu lực lượng đặc nhiệm Mỹ rút khỏi Mindanao, tất cả 117 người. Tốt nhất là các anh rút đi để tôi còn đàm phán hoà bình. Tôi chỉ nói Mindanao, tôi chưa bao giờ nói ra khỏi Philippines… Dù sao chúng ta vẫn cần họ ở Biển Đông”.

Tại Mawab, ông Duterte còn “than thở” về chuyện mua sắm vũ khí khó khăn dưới sự kiểm soát của Mỹ. “Vấn đề là họ không muốn bán cho chúng ta tên lửa. Chúng ta mua máy bay của Hàn Quốc, đúng vậy, nhưng họ sẽ không bán nếu không được Mỹ đồng ý… Tôi chả biết mấy tay người Mỹ này có vấn đề gì, cái cách mà họ coi thường chúng ta” – ông Duterte nói về đồng minh Washington.

Cách đây một tuần, tại căn cứ không quân Villamor ở thành phố Pasay, Tổng thống Duterte tiết lộ Trung Quốc và Nga đã đồng ý cấp cho Manila một khoản vay “mềm” thời hạn 25 năm để sắm trang bị quân sự. Đây là chuyển biến đáng chú ý vì theo Viện Nghiên cứu hoà  bình Stockholm, Manila từ năm 1950 đến nay nhập 75% vũ khí từ Mỹ và chưa từng mua của Trung Quốc hay Nga.

“Tôi chả cần mấy chiếc F-16… Chúng ta cũng không có ý định đánh nhau với ai” – ông Duterte nói. Ông cũng nhấn mạnh rằng Philippines cần khí tài chỉ để tập trung vào cuộc chiến chống phiến quân và khủng bố 
ở Mindanao.

Mỹ gặp “hạn” với 
xoay trục châu Á

“Khó dự đoán”, “tiền hậu bất nhất”… là những mô tả giới truyền thông dành cho tổng thống Philippines sau chưa đầy ba tháng cầm quyền. Tờ Japan Times nhận xét nhà lãnh đạo này có thể sẽ gây khó khăn cho nỗ lực của Mỹ thành lập một chiến tuyến khu vực chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Dù khẳng định sẽ tôn trọng hiệp ước liên minh với Mỹ, ông Duterte nhiều lần nhấn mạnh Philippines cần thiết phải có “chính sách đối ngoại độc lập”. Ông cũng tỏ ra nghi ngờ khả năng Mỹ sẽ can thiệp nếu Trung Quốc tiếp tục đánh chiếm một khu vực nào đó ở Biển Đông – một kinh nghiệm có lẽ xuất phát từ vụ bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm từ tay Philippines vào năm 2012.

“Đây có thể là một bước ngoặt đối với tình hình Biển Đông nói chung và cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ nói riêng. Chính sách đối ngoại của ông Duterte có thể làm thay đổi đáng kể bức tranh địa chiến lược khu vực, tạo cho Trung Quốc vị thế thuận lợi hơn Mỹ” – ông Trương Bảo Huy, giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương thuộc Đại học Lingnan, Hong Kong, nhận xét. Chuyên gia Malcolm Davis thuộc Viện Chính sách chiến lược (Canberra, Úc) mô tả đây là một “cuộc chơi lâu dài” và lôi kéo ông Duterte về phe mình là một phần chiến lược của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, giáo sư Richard Javad Heydarian (Đại học De La Salle, Manila) cho rằng nếu không cẩn thận thì ông Duterte có thể gặp phản ứng từ trong nước trong trường hợp Trung Quốc không có động thái nhượng bộ nào trong vấn đề Biển Đông.

“Đây chính xác là lý do tại sao quan hệ an ninh với Mỹ vẫn còn quan trọng đối với Philippines. Nhưng người Mỹ từ nay sẽ không còn được dành cho sự tôn trọng chiến lược và ủng hộ ngoại giao từ Manila như trước. Đây là chuẩn mực mới trong quan hệ Philippines – Mỹ” – ông Heydarian kết luận.

MINH TRUNG