25/01/2025

Sửa khoảng 100 điều của Bộ luật Lao động 2012

“Bộ luật lao động năm 2012 có quá nhiều điểm không còn phù hợp, chồng chéo, vênh với các văn bản pháp luật khác, gây khó khăn trong thực thi. Khoảng 100 điều ở 15/17 chương của bộ luật này sẽ được chỉnh sửa…”.

 

Sửa khoảng 100 điều của Bộ luật Lao động 2012

 “Bộ luật lao động năm 2012 có quá nhiều điểm không còn phù hợp, chồng chéo, vênh với các văn bản pháp luật khác, gây khó khăn trong thực thi. Khoảng 100 điều ở 15/17 chương của bộ luật này sẽ được chỉnh sửa…”.

 

 

 

Ông Phạm Minh Huân, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị đánh giá sơ kết 3 năm thực thi Bộ luật lao động 2012 vào sáng 21-9.

Thứ trưởng Huân thừa nhận Bộ luật Lao động (có hiệu lực từ tháng 5-2013 với 17 chương, 242 điều) có đến 29 nghị định và trên 40 thông tư các loại khiến có quá nhiều điểm chồng chéo, chưa đồng bộ giữa các quy định. Có nội dung được quy định ở nhiều văn bản khác nhau khiến việc tra cứu, áp dụng gặp khó khăn, trong khi có những nội dung chưa rõ ràng, không cụ thể nên trong thực hiện cũng gặp khó.

“Có nhiều điểm không thống nhất hoặc chồng chéo giữa Bộ luật lao động với một số luật khác như Luật việc làm, Luật bảo hiểm xã hội, Luật an toàn lao động. Chính vì thế, cùng một nội dung nhưng bộ nói thế này, sở lại nói thế khác, xuống đến phòng ban thì cán bộ lại giải thích kiểu khác mà vẫn thấy đúng với một văn bản nào đó. Điều này khiến các doanh nghiệp, người lao động phải giơ tay hàng” – ông Huân nói.

Tại hội nghị, ông Hà Đình Bốn – vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH – cùng nhiều doanh nghiệp đều nhìn nhận: bộ luật chồng chéo, chỗ thừa chỗ thiếu nên gần đây đã nổi lên hiện tượng các doanh nghiệp thuê lại lao động hoặc ký hợp đồng dịch vụ (nhằm trốn đóng bảo hiểm xã hội).

Ngoài ra, do những bất cập này của bộ luật mà việc làm thêm giờ của người lao động khó quản lý, doanh nghiệp để người lao động làm thêm quá giờ quy định, làm cả ngày thứ bảy, chủ nhật chẳng thèm báo cáo.

Quy định về lương tối thiểu cũng không chặt chẽ, không rõ nghĩa thế nào là đáp ứng “mức sống tối thiểu” hay “nhu cầu tối thiểu”…

Quy định doanh nghiệp đối thoại định kỳ với người lao động 3 tháng/lần là không hợp lý bởi thời gian quá ngắn để phát sinh một vấn đề nào đó cho đối thoại…

Hầu hết các ý kiến tán thành cần sửa Bộ luật lao động cho phù hợp tình hình kinh tế – xã hội của đất nước, phù hợp xu thế hội nhập. Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp mong Bộ luật Lao động sửa đổi cần chi tiết và có giá trị áp dụng trong thời gian dài, chứ không chỉ 3-4 năm rồi sửa khiến doanh nghiệp chạy theo không kịp.

Thứ trưởng Huân cho biết hướng sửa đổi Bộ luật lao động nhắm đến mục tiêu linh hoạt, đồng bộ với hệ thống pháp luật, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Dự kiến trong tuần này Bộ LĐ-TB&XH sẽ đăng dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi lên trang web molisa.gov.vn để lấy ý kiến người dân, người lao động, doanh nghiệp trong hai tháng.

Sau đó dự thảo sẽ được hoàn thiện để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, thông qua cuối năm 2017.

ĐỨC BÌNH