24/12/2024

Nữ trang Việt Nam chưa vào được thị trường ASEAN

Khi các nước trong cộng đồng ASEAN tự do lưu thông hàng hoá, doanh nghiệp nữ trang Việt khó có thể cạnh tranh trong thị trường được xem là tỉ USD.

 

Nữ trang Việt Nam chưa vào được thị trường ASEAN

Khi các nước trong cộng đồng ASEAN tự do lưu thông hàng hoá, doanh nghiệp nữ trang Việt khó có thể cạnh tranh trong thị trường được xem là tỉ USD.



Thị trường nữ trang Việt ảm đạm  /// Ảnh: Diệp Đức Minh

Thị trường nữ trang Việt ảm đạmẢNH: DIỆP ĐỨC MINH

Khó cạnh tranh xuất khẩu
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đá quý, kim loại quý 8 tháng năm 2016 tăng ấn tượng với mức 75,5%, giá trị xuất khẩu đạt 698 triệu USD, theo Tổng cục Hải quan. Các sản phẩm nữ trang Việt có mặt ở 14 quốc gia trên thế giới, những thị trường xuất khẩu chủ yếu là Thuỵ Sĩ, Mỹ, Nhật, Pháp, Hàn Quốc… Là công ty có thế mạnh xuất khẩu hàng nữ trang, bà Cao Thị Ngọc Dung – Tổng giám đốc Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho hay tình hình thị trường trang sức thế giới năm nay giảm mạnh, doanh số xuất khẩu của PNJ giảm và công ty cũng không xuất hàng vào các nước khu vực ASEAN.
TS Bùi Quang Tín – giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhận xét: So với 3 tỉ USD xuất khẩu năm 2011 thì con số vài trăm triệu USD trong những năm gần đây khá khiêm tốn. Đó là chưa tách ra trong giá trị xuất khẩu này có bao nhiêu do doanh nghiệp (DN) nước ngoài (FDI) xuất, tôi tin có khi đến 50% giá trị xuất khẩu rơi vào FDI. Hàng nữ trang Việt xuất khẩu sẽ rất khó có thể vào thị trường các nước ASEAN. Từ trước đến nay, một số nước trong khối ASEAN như Thái Lan, Indonesia… có thế mạnh xuất khẩu nữ trang. Các DN này được hỗ trợ về thuế xuất khẩu bằng 0%. Khi các DN này được đối xử ngang bằng tại thị trường VN theo quy định trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cùng với mẫu hàng hóa của họ quá đẹp sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nội địa. “Năng lực tài chính của các DN này mạnh, còn DN Việt lại nhỏ. Số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực nữ trang lên đến 10.000 nhưng DN có tiềm năng tài chính chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thêm vào đó, các DN nước ngoài có nhiều “chiêu trò” trong khuyến mãi và có kinh nghiệm mở rộng mạng lưới cũng như mô hình kinh doanh của họ sẽ gây không ít khó khăn cho DN Việt”, ông Tín nói.
Trong khi kim ngạch xuất khẩu nữ trang của VN còn khiêm tốn thì các thị trường khác đẩy mạnh xuất khẩu khá mạnh. Thái Lan xuất khẩu nữ trang hằng năm ở vào khoảng 3 tỉ USD. Dù không nhiều như hàng Trung Quốc, các sản phẩm Thái Lan đã bắt đầu xâm nhập vào thị trường Việt. Ngay tại các hội chợ nữ trang tổ chức trong nước, các DN Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông… tham gia để tìm hiểu thị trường, quảng bá sản phẩm, cũng như tìm đối tác kinh doanh.
Rào cản
Hiệp hội Kinh doanh vàng VN cho hay thuế xuất khẩu vàng nữ trang tăng từ 0% lên 2% từ năm 2015 đối với sản phẩm có hàm lượng vàng từ 95% trở lên. Với mức thuế suất này, các DN không xuất khẩu được nữ trang, mỹ nghệ, bởi vì các DN Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ… đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh hơn do thuế xuất khẩu bằng 0%, nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, hoặc được tự do nhập khẩu, chi phí nhân công rẻ hơn, thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại hơn… Không chỉ ở thị trường ASEAN, các DN này hiện còn thống lĩnh xuất khẩu các sản phẩm trang sức, mỹ nghệ trên thế giới, kể cả vàng trang sức có hàm lượng cao. Trong khi đó, các DN Việt phải nhập khẩu gần như hoàn toàn vàng, đá quý, đá bán quý, thạch cao, nước xi…, mà giá các nguyên liệu này lại liên tục biến động.
Một điểm yếu khác mà các DN nữ trang Việt phải đối mặt, đó là thị trường nguyên liệu. Bà Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ DN nữ trang Việt yếu hơn người ta khi nguồn nguyên liệu vàng sản xuất hiện nay chưa được nhập khẩu, mua trôi nổi ngoài thị trường nên nguồn hàng không ổn định. Tuy nhiên, bà Cao Thị Ngọc Dung tự tin cho rằng các DN Việt không quá lo ngại về cạnh tranh trên sân nhà khi họ đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại. Hơn nữa, DN Thái Lan sản xuất vàng nữ trang có hàm lượng từ 22K trở lên, trong khi thị trường trong nước lại chủ yếu chuộng vàng 18K. Bên cạnh đó, khi hàng nhập vào thị trường VN, các DN phải đóng thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%. Và thuế này sẽ tính vào sản phẩm khi bán ra, mà thói quen của người tiêu dùng trước nay không thích phải trả khoản thuế này khi mua hàng.
Ngành kim hoàn nữ trang trong nước chưa được hỗ trợ đúng mức. Hiệp hội Kinh doanh vàng VN đã có kiến nghị lên cơ quan chức năng giảm thuế xuất khẩu xuống 0% như những năm trước 2015 để khuyến khích các DN xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ, góp phần tái tạo ngoại tệ, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho người lao động. Đồng thời cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu hỗ trợ cho việc xuất khẩu nữ trang trong sân chơi mới.

 

Thanh Xuân