24/01/2025

Học sinh thiếu môi trường thực hành về… môi trường

Đó là nhận định của các nhà chuyên môn, nhà giáo tại hội thảo “Giáo dục và truyền thông về bảo vệ môi trường trong trường học” diễn ra sáng 22-9 tại TP.HCM, do Sở Tài nguyên – môi trường, Sở Giáo dục – đào tạo TP phối hợp tổ chức.

 

Học sinh thiếu môi trường thực hành về… môi trường

Đó là nhận định của các nhà chuyên môn, nhà giáo tại hội thảo “Giáo dục và truyền thông về bảo vệ môi trường trong trường học” diễn ra sáng 22-9 tại TP.HCM, do Sở Tài nguyên – môi trường, Sở Giáo dục – đào tạo TP phối hợp tổ chức.

 

 

 

Học sinh thiếu môi trường thực hành về... môi trường
Tiết học ngoại khoá về bảo vệ môi trường của học sinh lớp 4 Trường tiểu học Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG

Tôi không ủng hộ phong trào kêu gọi học sinh đi nhặt rác ngoài bờ biển, để rồi người lớn lại xả thải. Chúng ta phải làm sao để người lớn có ý thức với các em, để hoạt động không chỉ là phong trào, mà để các em về lan toả trong gia đình, thuyết phục được ba mẹ, người thân

Ông Trần Phong (cục trưởng Cục Môi trường miền Nam)

Từng tham dự một buổi sinh hoạt đầu tuần tại Trường THCS Âu Lạc (phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM), bà Đỗ Thị Thanh Huyền – giám đốc một dự án về môi trường – kể lại câu chuyện thú vị khi bà thấy toàn bộ học sinh của trường này đã chủ động mang hộp xôi, chai nước, tờ rơi bỏ vào thùng rác và trả lại sân trường sạch sẽ sau buổi sinh hoạt.

Tiết học về môi trường tại thư viện

Để tạo được thói quen nói trên, tập thể giáo viên Trường THCS Âu Lạc đã triển khai bền bỉ và tâm huyết chương trình “3T trong trường học” (mô hình giáo dục truyền thông về phân loại chất thải bao gồm tái sử dụng, tiết giảm, tái chế).

Đây cũng là mô hình giải pháp tiêu biểu được giới thiệu tại hội thảo. Mạnh dạn tạo ra tiết học tại thư viện, hiệu trưởng Nguyễn Xuân Đắc cùng cán bộ thư viện, phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm tham gia đứng lớp dạy các kỹ năng sống cho học sinh.

Nội dung truyền thông môi trường, phân loại rác được triển khai trong 45 phút, học sinh được thực hành phân loại rác thật đã rửa sạch, làm đồ dùng tái chế và trưng bày.

Thầy Đắc cho biết: “Hoạt động được duy trì trong 4 tháng đã tạo được thói quen cho các em”. Trước nỗi lo lắng về vấn đề kinh phí và thời gian thực hiện, ông cũng cho rằng: “Điều cốt lõi là có quyết tâm làm hay không, còn kinh phí không phải vấn đề lớn.

Chúng tôi còn có thêm kinh phí hỗ trợ cho nhân viên phục vụ, khi họ thu gom rác tái chế và bán được mà không mất công phân loại, làm sạch rác… do học sinh đã làm trước đó. Cũng có ý kiến cho là tiết học như vậy nên có kinh phí để trả thù lao.

Nhưng tại sao? Chúng tôi đứng lớp, truyền đạt cảm hứng cho các em mà không cần có thêm thù lao, chỉ cần tất cả các lớp đều được tham gia đầy đủ tiết học thư viện, như một môn học bình thường”.

Từ năm 2013 đến nay, chương trình “3T trong trường học” chỉ mới thí điểm thành công tại 4 trường ở quận Tân Bình và Bình Thạnh, tiếp cận khoảng 3.400 học sinh. Tại TP.HCM, phổ biến hơn vẫn là mô hình “Trường học xanh – sạch – đẹp”.

Nhiều giáo viên, nhân viên phòng giáo dục tham dự hội thảo cũng chia sẻ các mô hình giúp duy trì kinh phí để thực hiện “3T trong trường học”, như đấu giá sản phẩm tái chế của học sinh, hay kêu gọi tài trợ từ phụ huynh và mạnh thường quân để xây dựng “Trường học xanh – sạch – đẹp”, thay mới thiết bị tiết kiệm điện, đầu tư mảng xanh, tạo điều kiện để học sinh thu gom giấy vụn bán lấy kinh phí làm vườn…

Lắng nghe câu hỏi của trẻ em

Tổng kết hoạt động truyền thông, giáo dục môi trường trong những năm gần đây, bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh – phó giám đốc Quỹ bảo vệ môi trường – điểm lại chương trình “Ngày hội tái chế rác thải TP.HCM” từ năm 2008, chương trình “3T trong trường học”, mô hình truyền thông học đường về bảo vệ môi trường, chương trình giảm sử dụng túi nilông, chương trình nước sạch vì sức khỏe và vệ sinh học đường…

Đó là chưa kể các chương trình giáo dục được xã hội hóa bởi các đơn vị ngoài nhà nước. Phần lớn hoạt động tuyên truyền tập trung vào học sinh tiểu học và trung học cơ sở, “vì đây là đối tượng dễ tiếp thu cái mới, dễ hình thành ý thức, thói quen tốt nếu được định hướng đúng đắn. Các em cũng là những tuyên truyền viên tích cực tác động đến các thành viên khác trong gia đình về môi trường” – bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, phó giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường, phát biểu.

Ông Trần Phong, cục trưởng Cục Môi trường miền Nam, nói thêm:

“Để thực hiện một giải pháp về môi trường cần có nhiều công cụ: truyền thông, kinh tế, kỹ thuật và cần nhiều cơ quan vào cuộc, chứ không chỉ là một em bé phân loại rác bỏ vào thùng ngay tại trường.

Có nhiều vấn đề môi trường đặt ra làm chúng ta cảm thấy rất nóng ruột, và nghĩ liệu tương lai có còn môi trường sạch và xanh để sống nữa hay không? Học sinh có tiếng nói của mình.

Các em có thể hỏi thầy cô, phụ huynh: tại sao con thu gom rác, làm bao nhiêu sáng kiến mà ngoài kia mọi người lại để dơ bẩn như vậy, trách nhiệm của ai?

Trẻ em có thể đề xuất sáng kiến với người lớn. Như ở các nước phát triển, các CLB trẻ em có rất nhiều sáng kiến về bảo vệ môi trường. Nếu người lớn không làm, các cháu làm. Cứ thử xem!”.

Cần đánh giá thái độ, kỹ năng học sinh về môi trường

Nội dung bảo vệ môi trường đã được lồng ghép vào trong các môn học ở bậc học từ tiểu học, THCS đến THPT. Nhưng theo một số giáo viên, hiệu trưởng, để dạy học sinh ý thức bảo vệ môi trường hiệu quả, cần phải lấy các hoạt động trong nhà trường cho các em trải nghiệm.

Hiệu trưởng một trường THCS tại TP.HCM cho biết: môn học được lồng ghép ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh nhiều nhất là môn sinh học, và học sinh rất hào hứng. Trường cũng tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, học ngoài công viên, để các em có cái nhìn thực tế về môi trường sống hiện nay. Và qua những giờ học thực tế ấn tượng đó, ý thức bảo vệ môi trường của học sinh thay đổi rõ rệt.

“Tuy nhiên, nếu hiệu trưởng không đôn đốc, không kiểm tra chuyên môn thì… giáo viên chủ yếu làm cho có. Vì nó là nội dung tích hợp, nội dung không bắt buộc nên giáo viên nào hứng thú thì làm, trường nào hiệu trưởng thấy cần thiết mới duy trì được lửa. Nếu không, chỉ làm phong trào, làm để đối phó mà thôi” – vị hiệu trưởng này cho biết.

Để dạy học sinh về môi trường, trước tiên phải cho các em trải nghiệm điều này từ nhà trường. “Phải để học sinh tự xử lý các vấn đề môi trường trong nhà trường, từ dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác, bỏ rác đúng nơi quy định; sử dụng điện, nước hợp lý, trồng cây xanh…

Mặt khác, đừng bắt học sinh học những điều xa lạ, môi trường không phù hợp. Phải bắt đầu từ chính cuộc sống của các em” – hiệu trưởng một trường tiểu học nói với Tuổi Trẻ. Theo đó, học sinh ở TP.HCM phải được giáo dục bảo vệ môi trường đô thị đang sống.

“Thi cử hiện nay vẫn tập trung đánh giá kiến thức là chính, vì thế những nội dung lồng ghép như vấn đề môi trường thì nào có được kiểm tra, đánh giá. Muốn giáo dục được học sinh ý thức bảo vệ môi trường tốt hơn thì không chỉ cách dạy cần thay đổi, mà cách đánh giá cũng phải thay đổi.

Cần phải đánh giá được cả thái độ, kỹ năng học sinh thay vì chỉ đánh giá về kiến thức như hiện nay, trong đó có vấn đề đạo đức môi trường” – hiệu trưởng một trường THCS tại TP.HCM nhận xét.

MỸ DUNG

TƯỜNG HÂN