Bom thực phẩm nhiễm chì: Sung tiền đền bù vào công quỹ
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất nếu không bồi thường cho người dùng do tiêu thụ nước uống bị nhiễm chì vì không chứng minh được bị hại thì số tiền đó phải được sung vào công quỹ.
Bom thực phẩm nhiễm chì: Sung tiền đền bù vào công quỹ
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất nếu không bồi thường cho người dùng do tiêu thụ nước uống bị nhiễm chì vì không chứng minh được bị hại thì số tiền đó phải được sung vào công quỹ.
Trong buổi làm việc mới đây giữa Công ty TNHH URC Hà Nội (URC) với đại diện các bộ ngành, Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng VN (Vinastas), ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó chủ tịch Vinastas – đã đề nghị URC phải dành ra một khoản tài chính để bồi thường cho người tiêu dùng VN, những người đã tiêu thụ các sản phẩm có hàm lượng chì vượt ngưỡng của công ty này. Mức bồi thường đề xuất dựa trên tổng số sản phẩm nhiễm chì đã bán ra thị trường, tương đương số tiền gần 3,9 tỉ đồng. Vinastas đề xuất số tiền này nếu không có người tiêu dùng khiếu nại, sau 3 – 6 tháng, sẽ được sung vào công quỹ để nhà nước chi dùng vào các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Người tiêu dùng chưa được đền bù thoả đáng
Ngoài ra, những trường hợp người tiêu dùng nếu chứng minh được mình bị tổn hại do sử dụng sản phẩm URC bị nhiễm chì cũng sẽ được đền bù riêng lẻ thông qua con đường khởi kiện ở toà án. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chiếu theo các quy định hiện nay của VN, việc khởi kiện các công ty vi phạm như URC ra toà rất khó vì thiếu bằng chứng. Người dùng chỉ mua 1 – 2 chai nước ngọt ở các cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ thì không bao giờ có hóa đơn chứng từ. Đồng thời vỏ chai sau khi uống hết nước cũng đều vứt bỏ. Vậy thì lấy bằng chứng đã uống nước có nhiễm chì ở đâu ra? Thậm chí làm sao chứng minh được việc sức khoẻ bị ảnh hưởng bởi sản phẩm nêu trên… Hơn nữa, số tiền đó chỉ là phần bồi thường về mặt tài sản, còn tinh thần, sức khoẻ của người dùng là chưa tính đến mà ở các nước, bồi thường về tinh thần cũng quan trọng.
|
“Việc bồi thường cho người tiêu dùng là đương nhiên nhưng để có bằng chứng khởi kiện ra toà là không dễ. Vậy Vinastas cho rằng nên sung vào công quỹ của nhà nước là khả thi hơn. Luật của VN còn đánh đố người dùng vì lấy đâu ra bằng chứng để khởi kiện. Các đại lý có thể khởi kiện được vì mua buôn thì còn hóa đơn chứng từ nhưng có thể họ không phải là người sử dụng sản phẩm đó. VN cần phải xem xét chỉnh sửa, bổ sung các quy định có liên quan về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, nhất là trong an toàn thực phẩm”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Từ trường hợp của URC, một số ý kiến khác cho rằng, việc phạt vi phạm hành chính với hành vi sản xuất thực phẩm nhiễm độc tại VN hiện không có tác dụng do mức xử phạt thấp. Theo quy định, mức phạt cao nhất dành cho tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm tối đa cũng chỉ 200 triệu đồng. Vì thế, nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm đã bị xử lý hành chính đều tái vi phạm. Đó là chưa kể, dù phát hiện và xử phạt hành chính rất nhiều trường hợp nhưng hầu như chưa có trường hợp nào người tiêu dùng VN khởi kiện nhà sản xuất thành công và được đền bù một cách thỏa đáng.
Kiểm soát doanh nghiệp vi phạm
Theo quan điểm của đại diện Bộ Tài chính tại buổi gặp gỡ với Vinastas và đại diện URC, đây là khoản đền bù mang tính quan hệ dân sự, nó không nằm trong danh mục nguồn thu ngân sách, nên để lại cho chính doanh nghiệp (DN) sử dụng trong các hoạt động liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Không đồng ý với quan điểm này, chuyên gia tư vấn chiến lược Đỗ Hòa cho rằng, vai trò của Bộ Tài chính là tư vấn cách thực hiện đền bù thế nào để hiệu quả, hợp lý hợp tình và có lợi cho người tiêu dùng chứ không phải “phán” kiểu có lợi cho phía DN, đối tượng sai phạm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng như vậy. “Nếu cứ cho rằng người tiêu dùng phải có bằng chứng mới khởi kiện được, không kiện được thì khỏi đền bù thì không còn gì để nói và đó cũng không phải là cách tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm. Ở đây, người tiêu dùng là chủ thể bị hại vì tin mà mua sản phẩm nhiễm độc của nhà sản xuất, quyền lợi của họ phải được bảo đảm và cơ quan quản lý, tổ chức đại diện người tiêu dùng… phải có giải pháp, tiếng nói bảo vệ quyền lợi cho họ”, ông Hoà nói. “Việc đền bù cho người tiêu dùng nhưng lại để lại DN vi phạm giữ chứng tỏ sự yếu kém của nhà quản lý”, ông Hoà thẳng thắn.
TIN LIÊN QUAN
Chưa chốt phương án bồi thường vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì
Vinastas đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH URC VN (URC) để bàn bạc về việc bồi thường, sau khi cơ quan chức năng VN đã kết luận và thu 2 lô trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ do URC sản xuất và cho lưu hành có hàm lượng chì vượt ngưỡng cho phép.
Chuyên sản xuất kinh doanh thực phẩm ở châu Âu, ông Nguyễn Công Thành cho rằng, để lại khoản tiền đền bù cho DN nghe khó thuyết phục bởi khó kiểm tra việc thực thi nghiêm túc hay không. Vả lại, khi thông tin từ sản phẩm nhiễm độc vẫn không được công khai kiểm soát sau đó thế nào, chỉ khiến người tiêu dùng tiếp tục giữ thái độ dè dặt hơn, hoặc tẩy chay sản phẩm. Nếu tình hình này kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến thương hiệu DN đó mà còn ảnh hưởng đến cả thị trường thực phẩm tiêu dùng bởi người tiêu dùng mất niềm tin và sản phẩm, vào bộ máy quản lý.
“Theo tôi, số tiền này nên được sử dụng như duy trì một tổ chức độc lập để kiểm tra giám sát về chất lượng sản phẩm của công ty này trước và sau khi đưa ra lưu hành ngoài thị trường. Tổ chức này nên đặt dưới sự quản lý của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, song phải được hoạt động một cách độc lập, có những chuyên gia chuyên ngành giỏi, có đại diện cơ quan truyền thông, đại diện người tiêu dùng… và không bị chi phối hay ảnh hưởng của bất kỳ phía nào, cơ quan quản lý lẫn DN. Hoạt động giám sát của tổ chức này liên quan đến sản phẩm của DN cũng phải được duy trì 2 – 3 năm hoặc hơn. Phải có chương trình hành động rõ ràng. Chi phí để tổ chức này hoạt động sẽ được sử dụng từ nguồn đền bù của DN cho người tiêu dùng, cộng thêm hỗ trợ từ phía DN”, ông Thành nói.
Ông Đỗ Hoà cũng tán đồng: Vấn đề an toàn thực phẩm tại VN đang cần một tổ chức kiểm soát độc lập và có chuyên môn hoạt động, không bị chi phối về lợi ích. Những khoản tiền DN đền bù cho người tiêu dùng sẽ được sử dụng để chi phí cho hoạt động của đơn vị độc lập này.
Việc duy trì một đơn vị kiểm soát độc lập DN về an toàn thực phẩm cũng có thể coi như một hình phạt, góp phần răn đe cho những hành vi vi phạm của các DN khác trong an toàn thực phẩm. Như vậy, nếu DN thực sự cầu thị, đây cũng là cách làm hợp lý và hiệu quả nhất cho cả DN lẫn người tiêu dùng.
Ng.Nga – M.Phương