27/12/2024

Thị trường sữa VN hết hấp dẫn?

Thông tin Công ty Danone VN thuộc Tập đoàn Danone (Pháp), nhà sản xuất sở hữu nhãn hiệu sữa Dumex, sẽ rút dần hoạt động của mình tại VN trong thời gian tới đã làm bất ngờ không ít người đang cho con sử dụng sữa của hãng này.

 

Thị trường sữa VN hết hấp dẫn?

Thông tin Công ty Danone VN thuộc Tập đoàn Danone (Pháp), nhà sản xuất sở hữu nhãn hiệu sữa Dumex, sẽ rút dần hoạt động của mình tại VN trong thời gian tới đã làm bất ngờ không ít người đang cho con sử dụng sữa của hãng này.

 

 

 

 

Thị trường sữa VN hết hấp dẫn?
Người tiêu dùng mua sữa trên đường Nguyễn Thông, Q.3, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Điều gì đang xảy ra với ngành sữa VN, vốn được các công ty nghiên cứu thị trường đánh giá là một trong những ngành tiêu dùng tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng trưởng luôn hai con số?

Kinh doanh không thuận lợi?

Chị Thanh Hà (ngụ Q.7, TP.HCM) cho biết trong suốt thời gian mang thai và cho đến khi bé nhà chị 2 tuổi, chị có sử dụng sản phẩm này. “Tôi từng được người bán tư vấn sữa hỗ trợ bé miễn dịch chứ không tăng cân nhiều, sau đó tôi chuyển sang sữa trong nước” – chị Hà cho biết.

Theo đánh giá của các bậc phụ huynh, loại sữa này từng là sự lựa chọn của không ít bà mẹ với hình ảnh chất lượng tin cậy.

Trong khi đó, các đại lý và cửa hàng kinh doanh sữa cũng bất ngờ trước thông tin về việc hãng sữa này thu hẹp hoạt động của mình tại VN, nên vẫn đang nhập hàng bình thường.

Chị Ngọc, chủ cửa hàng kinh doanh các sản phẩm trẻ em trên đường Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp), cho biết vẫn nhập khoảng 3-4 triệu đồng/tháng các loại sữa Dumex. Tuy nhiên, so với sữa của các hãng khác, sản phẩm của Dumex bán chậm hơn, khách hàng trung thành cũng ít hơn.

Khoảng hơn một năm gần đây, hãng này cũng ít thực hiện các chương trình khuyến mãi nên sản phẩm của Dumex tiêu thụ chậm hơn. Dù vậy, chị Ngọc thừa nhận đây cũng là thương hiệu quen thuộc với nhiều người.

Các đại lý cho biết tình hình tiêu thụ các nhãn sữa hiện bình thường, không tăng nhưng không còn giảm như hồi năm ngoái. Bán chạy nhất các dòng dành cho trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi và sản phẩm dành cho trẻ từ 1 – 2 tuổi.

Theo thống kê, thị trường sữa hiện nay dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã có tới trên 700 dòng sản phẩm.

Ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia trong lĩnh vực thương hiệu, cho rằng việc Danone – một công ty sản xuất sữa dinh dưỡng dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gắn bó thị trường Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á nhiều năm – quyết định rút dần hoạt động tại VN cho thấy họ không nhìn thấy cơ hội tiềm năng ở thị trường này.

“Một doanh nghiệp quyết định thay đổi chiến lược phát triển tại thị trường nước ngoài phụ thuộc rất nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là kết quả kinh doanh không còn thuận lợi” – ông Hoàng nói.

Trong khi Danone đánh tiếng sẽ ra đi, thị trường sữa vẫn chào đón thêm nhiều dòng sản phẩm mới, chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản.

Thậm chí, sau khi chứng kiến các sản phẩm của mình được người tiêu dùng VN “xách tay” về nhiều, một hãng sữa Nhật mới đây đã quyết định phân phối chính thức tại thị trường VN.

Nhưng tiềm năng dài hạn

Theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, tăng trưởng ngành sữa tại VN những năm qua liên tiếp ở mức cao, nhu cầu tiêu thụ được dự báo tăng trưởng 9%/năm, đạt mức 27 – 28 lít sữa/người/năm vào năm 2020, trong khi ở thời điểm 2014 là 19 – 20 lít sữa/người/năm.

Nếu như trước đây, nhìn vào các quầy kệ bán sữa bột trong siêu thị, dễ nhận thấy sự thống lĩnh của sữa ngoại dù giá liên tục tăng nhờ ưu thế về thương hiệu và nguồn lực. Nhưng vài năm gần đây, khoảng cách này được giảm đáng kể, nhiều hãng sữa nội trong nước đang giữ mức tiêu thụ tốt.

Giá trị mặt hàng sữa bột, theo ước tính, hiện chiếm 45% thị trường sữa VN với tốc độ tăng trưởng bình quân 10,1% giai đoạn 2010-2013, nhưng đến 2014-2015 lại có xu hướng giảm, đặc biệt tiêu thụ sữa ở khu vực thành thị.

Nhiều hãng sữa cho biết gặp khó khăn khi Bộ Tài chính quyết định gia hạn việc áp đặt giá trần đối với sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đến ngày 31-12-2016.

Tính từ 1-6-2014 đến 31-5-2016, đã có 848 mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính và sở tài chính các địa phương.

Việc cấm quảng cáo sữa dành cho trẻ dưới 2 tuổi cũng khiến các hãng sữa khó tiếp cận được với người tiêu dùng.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, sau khi áp giá trần, trong sáu tháng đầu năm thị trường sữa tại khu vực thành thị đã giảm 11% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Bởi với quy định này, nhiều doanh nghiệp không thể chủ động đầu tư sản xuất sản phẩm mang tính đột phá, thậm chí hạn chế tính sáng tạo, không khuyến khích doanh nghiệp có bước chuyển đổi mạnh trong sản phẩm.

Giám đốc một công ty sữa nước ngoài tại VN cho biết sau khi áp giá trần, sữa cho trẻ dưới 6 tuổi giảm 10% về số lượng và 9% về giá trị so với các năm trước. Tuy nhiên, theo vị này, các doanh nghiệp sữa có mặt tại thị trường VN đều có cái nhìn lâu dài.

“Trong ba năm qua, thị trường sữa VN vẫn giữ tốc độ tăng trưởng tốt, kinh tế VN đang phát triển với sự tăng nhanh số lượng trẻ em, phụ nữ tham gia lao động, tôi vẫn tin tầm nhìn dài hạn ở đây” – vị này nói.

Theo báo cáo về thị trường tiêu dùng hàng trẻ em của Nielsen năm 2015, cứ một trong 10 hộ gia đình VN (12%) có trẻ em dưới 1 tuổi, mức cao nhất trong khu vực và gấp hai lần mức trung bình toàn cầu là 5%. Hơn 19% hộ gia đình có con từ 1-2 tuổi so với chỉ mức 9% trên toàn cầu.

Ngoài ra, sự phát triển của tầng lớp trung lưu, đô thị hóa và sự gia tăng số lượng phụ nữ VN trong lực lượng lao động là yếu tố chính ảnh hưởng đến việc sử dụng các sản phẩm tiện lợi như sữa bột, thực phẩm…

Người tiêu dùng Việt có xu hướng chi tiêu nhiều cho con em để đảm bảo mua được các sản phẩm chất lượng, an toàn, trong đó có mặt hàng sữa.

NHƯ BÌNH