27/12/2024

“Tác phẩm” của thầy Đức

Trong hội thi sáng tạo khoa học toàn quốc 2016, giải pháp “Xây dựng ứng dụng xét tốt nghiệp cấp THCS và quy lập dữ liệu trình xét tốt nghiệp một cách hiệu quả” đoạt giải ba trong lĩnh vực giáo dục.

 

“Tác phẩm” của thầy Đức

Trong hội thi sáng tạo khoa học toàn quốc 2016, giải pháp “Xây dựng ứng dụng xét tốt nghiệp cấp THCS và quy lập dữ liệu trình xét tốt nghiệp một cách hiệu quả” đoạt giải ba trong lĩnh vực giáo dục.

 

 

 

 

“Tác phẩm” của thầy Đức
Thầy Nguyễn Ngọc Đức giảng dạy tại lớp học – Ảnh: THÁI THỊNH

Người có sáng tạo này là một thầy giáo trẻ mang trong mình căn bệnh liệt nửa người bên phải bẩm sinh.

Đó là thầy Nguyễn Ngọc Đức, 30 tuổi, giáo viên tin học Trường THCS Lương Thế Vinh (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk).

Đam mê tin học

Nhìn những bước đi tập tễnh của thầy Đức khi bước lên bục giảng, bàn tay phải co quắp khó khăn khi lấy từng viên phấn trắng mới thấy được những khó khăn, nghị lực để vươn lên thực hiện niềm đam mê là lớn đến 
chừng nào.

Thầy Đức nói rằng ngay từ khi được tiếp xúc máy tính, thầy đã bị cuốn hút bởi các tiện ích và thông tin trên đó. Đối với thầy, con đường theo đuổi đam mê với môn tin học để có được thành công ban đầu như ngày hôm nay cũng lắm chông gai, vất vả. Với việc vừa viết, sử dụng chuột, đánh máy… đều bằng một tay trái khiến thầy gặp nhiều bất lợi hơn so với bạn bè cùng trang lứa.

“Tôi tập cho mình làm tất cả mọi việc bằng một tay. Khó khăn chỉ đến ở giai đoạn ban đầu, khi trong các kỳ thi tôi thường viết và làm bài thực hành chậm hơn so với các bạn khác. Nhưng rồi sau thời gian dài luyện tập, tôi cũng quen dần và thấy rằng nếu mình cố gắng theo đuổi đến cùng thì sẽ thực hiện được” – thầy Đức nói.

Năm 1999, sau khi ra trường thầy Đức được phân công về giảng dạy môn tin học tại Trường THCS Lương Thế Vinh. Suốt bảy năm dạy học tại đây, thầy nhận thấy rằng việc xét tốt nghiệp lúc bấy giờ chủ yếu bằng cách kết nối – nhập dữ liệu từ các phần mềm quản lý điểm từ file vào dữ liệu Excel để xét tốt nghiệp rất phức tạp, chủ yếu là nhập tay hoặc làm thủ công.

“Tỉnh Đắk Lắk có tỉ lệ học sinh đồng bào dân tộc Ê Đê đông, cách viết tên đặc thù tên trước, họ sau (ví dụ: Y Vinh Ê Ban) thường bị mất dấu không phù hợp cho việc sử dụng trên các phần mềm xét tốt nghiệp có trên thị trường nên đặc biệt rất khó khăn trong việc sắp xếp họ tên theo thứ tự. Điều này dẫn đến nhiều sai sót, khiến nhiều phụ huynh học sinh phải vất vả tới trường xin cấp lại bảng điểm, bằng tốt nghiệp” – thầy Đức nói.

Từ những vấn đề khó khăn đó, thầy Đức nung nấu ý tưởng xây dựng một ứng dụng thực hiện quản lý thống nhất dữ liệu xét tốt nghiệp THCS, hỗ trợ cho việc quản lý được thuận tiện, hiệu quả, đồng thời phục vụ việc lưu trữ số liệu cấp phát giấy chứng nhận THCS, thống kê dữ liệu ở cấp phòng – cấp sở, in và cấp bằng tốt nghiệp.

Đưa ứng dụng 
vào trường học

Tháng 6-2014, từ những dự định ban đầu, thầy Đức bắt tay vào nghiên cứu và thực hiện. Thầy Đức cho biết giai đoạn khó khăn nhất khi xây dựng ứng dụng này là tự động hóa toàn bộ từ cơ sở dữ liệu đến nhập các hàm lệnh vào Excel. Đồng thời phải chính xác đầy đủ nhiều chức năng quan trọng như: khai báo hệ thống, nhập dữ liệu xét tốt nghiệp, đổi tên dân tộc Ê Đê về dạng họ trước tên sau (ví dụ: Ê Ban Y Vinh thay vì Y Vinh Ê Ban).

“Kiến thức là vô tận, mình không thể nào biết hết được. Trừ thời gian đi dạy học, hễ có thời gian rảnh là tôi lại lên mạng mày mò, hỏi thêm các bạn bè học cùng ngành để họ chỉ dẫn thêm” – thầy Đức nói.

Cũng theo thầy Đức, trên thị trường lúc bấy giờ cũng có một số phần mềm xét tốt nghiệp, tuy nhiên muốn có nó phải trả phí từ 4-5 triệu đồng cho một ứng dụng. Mỗi phần mềm có một biểu mẫu xét tốt nghiệp khác nhau, không thống nhất, việc cài đặt và sử dụng phần mềm tương đối phức tạp.

Sau chín tháng miệt mài, đến tháng 3-2015 ứng dụng của thầy Đức được đưa ra thử nghiệm và thành công. Giới thiệu về ứng dụng thông minh này, thầy Đức cho biết ứng dụng xét tốt nghiệp THCS được thiết kế để sử dụng ở ba cấp: cấp trường, cấp phòng 
và cấp sở.

“Sau khi cài đặt ứng dụng này, việc xét sẽ trở nên đơn giản qua ba bước. Thứ nhất, kiểm tra kỹ hồ sơ lý lịch học sinh để bảo đảm sự chính xác tuyệt đối trong việc xét, công nhận tốt nghiệp. Thứ hai, lập trình trong máy tính (thông tin học sinh, đối tượng ưu tiên, thông tin điểm số khớp với học bạ, in danh sách tốt nghiệp để kiểm tra). Bước cuối cùng là kiểm tra và công bố dữ liệu hoàn chỉnh” – thầy Đức nói.

Cô Phạm Thị Hòa, phó hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh, cho biết thầy Đức là một giáo viên tâm huyết yêu nghề và có niềm đam mê đặc biệt với môn tin học. Không chỉ nghiên cứu những ứng dụng phục vụ cho giáo dục mà thầy còn là người thiết kế website cho nhiều trường trên địa bàn huyện Cư M’gar.

Đánh giá về ứng dụng xét tốt nghiệp của thầy Đức, cô hiệu phó Phạm Thị Hòa cho biết ứng dụng này cực kỳ gọn nhẹ, không cần cài đặt và rất dễ sử dụng. Ứng dụng cho phép người dùng chỉ cần có trình độ tin học ở mức biết soạn thảo văn bản. Ứng dụng này đã giải quyết được cơ bản các yêu cầu về xét tốt nghiệp THCS một cách hiệu quả và tiết kiệm thời gian.

“Ứng dụng của thầy Đức đã được trường áp dụng suốt hai năm nay và hoàn toàn chính xác, không xảy ra sai sót gì. Có ba trường trên địa bàn huyện hiện đã áp dụng ứng dụng này, đồng thời thầy Đức cũng giới thiệu cho nhiều cơ sở giáo dục khác để sử dụng miễn phí” – cô Hòa nói.

THÁI THỊNH