27/01/2025

Hói đầu, nhưng đâu có “yếu”

Hói đầu, dạng rụng tóc đặc biệt ở nam giới, được các ông lưu tâm đặc biệt vì những băn khoăn, thắc mắc: Vì sao nam giới hay bị hói? Hói có phải là lão hoá, yếu sinh lý hay không? Làm thế nào để ngăn ngừa hói?

 

Hói đầu, nhưng đâu có “yếu”

Hói đầu, dạng rụng tóc đặc biệt ở nam giới, được các ông lưu tâm đặc biệt vì những băn khoăn, thắc mắc: Vì sao nam giới hay bị hói? Hói có phải là lão hoá, yếu sinh lý hay không? Làm thế nào để ngăn ngừa hói?

 

 

 

 

Hói đầu, nhưng đâu có “yếu”
Hói đỉnh và trán: hai dạng hay gặp ở người lớn – Ảnh: TRẦN BÁ THOẠI

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (Control Diseases Center, CDC), hiện có 35 triệu quý ông nước này bị hói đầu. Tỉ lệ mắc bệnh tăng dần theo tuổi tác: 25% ở tuổi 25; 30% ở tuổi 30; 40% ở tuổi 35; 65% ở tuổi 60; 70% ở tuổi 80 và 80% ở tuổi 85.

Ở Việt Nam, tuy chưa có thống kê chính thức nhưng trong nhiều y văn cho biết tình hình rụng tóc cũng tương đương như các nước phương Tây.

Tóc có chất cấu tạo chính là sừng keratin, gồm nhiều loại protein, chiếm trên 70% thành phần. Keratin được tổng hợp từ nang tóc, là phần “sống” duy nhất giúp tóc mọc dài ra. Chân nang tóc có các tuyến bã tiết chất nhờn bôi trơn sợi tóc và các cơ dựng tóc.

Nguyên nhân 
gây hói đầu

Da đầu con người có khoảng 65.000 – 150.000 sợi tóc. Mỗi ngày, tóc dài thêm khoảng 0,35mm (hay 1cm mỗi tháng) và rụng mất 40 – 60 sợi. Theo tiêu chuẩn y học, tóc rụng bệnh lý khi lượng rụng trên 100 sợi/ngày.

Nhiều nguyên nhân gây hói đầu được liệt kê như:

(1) Do mất cân bằng nội tiết tố, tuổi tác. Thường gây rụng tóc tạm thời khi mang thai, mãn kinh, bệnh lý tuyến giáp, hormon T3, T4, DHEA, DHT…;

(2) Rối loạn dinh dưỡng, thiếu ăn, thiếu hụt vitamin;

(3) Một số thuốc điều trị bệnh, hoá chất nhuộm tóc;

(4) Yếu tố di truyền;

(5) Nhiều hoá chất, yếu tố gây “áp lực” lên tóc;

(6) Stress căng thẳng, lo lắng quá đáng (đói rụng râu, rầu rụng tóc);

(7) Một số bệnh lý tóc như: rụng tóc loang lổ do tự miễn dịch nang tóc, nhiễm trùng da đầu do nấm, giun lươn…

(8) Tật nhổ tóc

(9) Điều trị phóng xạ trên da đầu.

Có thể ngăn ngừa 
hói đầu?

Bằng cách hạn chế những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ:

(1) Chải, gội đầu đúng cách: chải tóc giúp kích thích da đầu, thúc đẩy tuần hoàn nuôi dưỡng làm tóc mọc nhanh hơn. Nên chải tóc ngược lên, không xuôi theo chiều rủ xuống của tóc. Sử dụng dầu gội phù hợp với loại tóc, nếu có dấu hiệu dị ứng phải dừng lại ngay. Không để dầu gội sót lại trên đầu, vì bụi bẩn bám vào sẽ làm tắc lỗ chân lông.

(2) Không lạm dụng nhuộm, uốn, duỗi tóc quá nhiều lần vì những tác nhân lý hoá này dễ làm cho tóc giòn, gãy.

(3) Chế độ ăn uống cân bằng, khoa học: uống đủ nước, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng các loại vitamin và nguyên tố vi lượng. Các nghiên cứu gần đây cho thấy kẽm và L-arginine có tác dụng rất tốt trong việc đem lại cân bằng chất dihydrotestosterone (DHT), khiến cho hormon này không tăng cao gây rụng tóc, hói đầu sớm. Đồng thời L-carnitine, biotin sẽ giúp giảm bã nhờn, đặc biệt phù hợp cho những người rụng tóc nhiều do da đầu nhờn. Hà thủ ô, hoàng cầm… cũng là những dược liệu nên sử dụng để phục hồi mái tóc.

(4) Tránh stress: giảm, bỏ phiền muộn, có tâm lý thoải mái, ngủ đủ giấc, tinh thần vui vẻ tạo “tâm thân an lạc”.

(5) Điều trị bệnh da liên quan: như viêm da tuyến bã, nhiễm nấm, giun lươn.

(6) Dùng các thuốc dưỡng tóc.

Hói đầu có gây 
yếu sinh lý?

Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào khẳng định mối liên quan giữa sinh lý và chứng hói đầu ở đàn ông.

Tuy nhiên, cũng có nhiều phỏng đoán, đồn đại về mối liên quan giữa hói đầu với chức năng sinh dục: người Nga cho rằng đàn ông hói đầu thì nhu cầu mạnh mẽ, nhưng người Đông Nam Á thì khẳng định ngược lại.

Ở Hoa Kỳ, qua khảo sát trên 900 người nam 40-60 tuổi về độ ham muốn và số lần quan hệ tình dục, kết quả là những người “ham muốn” càng mạnh thì nguy cơ rụng tóc càng nhiều.

Chính câu hỏi “Tại sao chỉ đàn ông mới bị hói đầu?” khiến các nhà nội tiết lao tâm khổ tứ và họ phát hiện rằng chất dihydrotestosterone (DHT) là đầu mối của sự việc:

Testosterone là nội tiết tố nam chính được sản sinh tại hai tinh hoàn từ chất cholesterol qua trung gian DHT. Nhưng DHT cũng được biến đổi ngược từ testosterone nhờ enzyme 5-alpha-reductase (5-AR).

Trong thời kỳ thai, DHT rất cần thiết cho sự hình thành và phát triển của cơ quan sinh dục ngoài. DHT kích thích phát triển tuyến tiền liệt và dương vật, lông mu, nách ở tuổi dậy thì. DHT gắn với các thụ thể trên nang tóc và làm tóc hói. Nghiên cứu cho thấy ở các nang lông trên đầu và da của người hói tóc có nồng độ DHT cao hơn ở người bình thường.

Nam giới tuổi trung niên, cơ thể bắt đầu sử dụng testosterone không hiệu quả – hiện tượng “kháng” testosterone. Để bù trừ, lượng testosterone máu tăng cao và lượng DHT cũng tăng theo. DHT tăng sẽ làm cho các nang tóc co lại, chân tóc yếu, tóc mới mọc chậm hơn, tuyến bã nhờn hoạt động quá mức với hậu quả là tóc dễ rụng và đầu bị hói.

TS.BS TRẦN BÁ THOẠI (uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam)