26/12/2024

Đảng đối lập ra yêu sách với chính quyền Campuchia

Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) vừa mở diễn đàn trao đổi tình hình chính trị với sự tham gia của thanh niên trong đảng và Phó chủ tịch Kem Sokha.

 

Đảng đối lập ra yêu sách với chính quyền Campuchia

Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) vừa mở diễn đàn trao đổi tình hình chính trị với sự tham gia của thanh niên trong đảng và Phó chủ tịch Kem Sokha. 




Trụ sở CNRP  /// Ảnh: Lam Yên

Trụ sở CNRPẢNH: LAM YÊN

Chủ tịch Sam Rainsy (hiện đang lưu vong tại Pháp) cũng tham dự qua internet. Tại diễn đàn, CNRP đã đưa ra ba yêu sách lớn với chính quyền Campuchia. Thứ nhất, CNRP muốn chính phủ đồng ý cho ông Rainsy về nước để tham gia vận động bầu cử. “Các ông có tất cả: lực lượng vũ trang, có toà án còn chúng tôi chỉ có bàn tay trắng, đầu óc, máy tính. Tại sao phải điều động quân đội, mấy chục chiếc xe để hù dọa chúng tôi?”, phát ngôn viên CNRP Yim Sovann nói. Thứ hai là thả những người bị giam vì lý do chính trị. Cuối cùng là trả tự do cho những người của các tổ chức cộng đồng, thành viên CNRP, và cả ông Kem Sokha.
Ông Sokha cũng có ý kiến rằng sẽ không có bầu cử công bằng, tự do nếu các lãnh đạo và thành viên của CNRP bị đe dọa, bắt bớ. “Muốn Campuchia phát triển thì phải chạy đua công bằng, tự do. Đừng trói tay, trói chân bịt mắt, bịt miệng rồi kéo nhau lại đánh”, tờ Nokor Thom Daily ngày 18.9 dẫn lời ông Kem Sokha.
Trong khi đó, những nhà phân tích độc lập và tổ chức cộng đồng cũng lên tiếng kêu gọi 2 đảng nên trở lại bàn đàm phán để giải quyết bế tắc chính trị vì nếu đại biểu tình của CNRP nổ ra, chính quyền sẽ đàn áp theo lệnh của thủ tướng và bạo động đổ máu có thể lại xảy ra giữa người Khmer với nhau. Phát ngôn viên CNRP Sovann cho biết đảng này hoàn toàn không muốn biểu tình nhưng vì không còn lựa chọn nào khác để tìm kiếm giải pháp chính trị. Ông cũng khẳng định đại biểu tình sẽ không diễn ra nếu đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền mở cửa đàm phán. “Hơn 20 năm trước, Sam Rainsy dẫn dắt 4.000 công nhân tại Teuk Thla biểu tình lần đầu tiên. Giờ đây chúng tôi không muốn biểu tình nữa mà muốn ngồi lại đàm phán tìm hướng giải quyết vì đây không phải là chuyện cá nhân mà là vấn đề chính trị”, ông nói.
Một nhà phân tích chính trị đề nghị giấu tên nói với Thanh Niên rằng chính phủ Campuchia đang đứng trước áp lực rất lớn từ cộng đồng quốc tế. Nếu để đại biểu tình nổ ra, ngoài việc có thể có thương vong, xã hội mất ổn định sẽ làm các nhà đầu tư chùn bước. Bên cạnh đó, Campuchia sẽ mất nguồn tài trợ từ các nước trên thế giới (khoảng 1 tỉ USD/năm). Ngoài ra, châu Âu và Mỹ có thể sẽ ngưng hoạt động các xí nghiệp may ở Campuchia dẫn đến khoảng 700.000 lao động sẽ thất nghiệp. “Vì thế, việc chính quyền điều động quân đội chỉ nhằm doạ CNRP thôi chứ không dám và không thể bắt Kem Sokha”, ông nói.

 

Lam Yên 
(từ Phnom Penh)